Không tuyển được nhân viên thú y, nhiều xã sắp xếp công chức địa chính nông nghiệp phụ trách mảng thú y. Tuy nhiên, không phải công chức địa chính nông nghiệp nào cũng được học chuyên ngành thú y, có chứng chỉ hành nghề.
Vì lý do này nên mỗi năm 3, 4 đợt, chưa kể khi dịch trên đàn vật nuôi xuất hiện, các xã phải trích các nguồn chi để hợp đồng thời vụ với những người làm công tác thú y. Tại một số huyện, Trạm Chăn nuôi Thú y dù số cán bộ ít ỏi cũng phải xuống tận các xã hỗ trợ công tác tiêm phòng.
“Năm nào xã cũng phải hợp đồng với nhân viên thú y, cộng tác viên thú y để tiêm phòng cho đàn vật nuôi, chưa kể lúc dịch bệnh phát sinh. Trong lúc đó, đồng bào ở đây chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông nên việc phát hiện, phòng chống dịch bệnh rất khó khăn, xã cũng không có nguồn kinh phí để hợp đồng thuê người đi tiêm phòng thời vụ”. Ông Hồ Văn Ka Rai, Chủ tịch UBND xã Húc, huyện Hướng Hóa cho hay.
Khuyết nhân viên thú y khiến các đại phương hết sức lúng túng trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hướng Hóa cho biết, hiện gặp khó trong công tác tuyển nhân viên thú y xã, mới đây, UBND huyện Hướng Hóa đã có công văn gửi UBND tỉnh, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị kiến nghị điều chỉnh tiêu chí.
Theo đó, UBND huyện Hướng Hóa kiến nghị cấp trên cần có tiêu chí đặc thù, đối với những huyện vùng cao, nhân viên thú y xã chỉ cần có trình độ trung cấp, chứng chỉ hành nghề thú y. Tuy nhiên, công văn này hiện vẫn chưa được hồi đáp. Vì vậy, toàn huyện vẫn còn 9 xã chưa tuyển được nhân viên thú y.
“Nếu theo tiêu chí, có thể khẳng định 9 xã còn lại của huyện Hướng Hóa sẽ rất khó tuyển được nhân viên thú y. Địa bàn miền núi rất rộng, nếu không có nhân viên thú y, công tác phòng chống dịch bệnh sẽ rất khó khăn. Trong tình thế bắt buộc khi dịch bệnh xẩy ra, Trạm Chăn nuôi Thú y huyện phải “cầu cứu” Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh tăng cường để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh”. Ông Bình cho hay.
Ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, ngành chăn nuôi rất muốn giữ lại lực lượng thú y thôn bản nhưng không có cơ sở pháp lý để duy trì đội ngũ này.
Còn việc yêu cầu trình độ trung cấp đối với nhân viên thú y xã, mục đích là để sau này khi có điều kiện sẽ cho phép nhân viên thú y trở thành cán bộ bán chuyên trách, kiêm nhiệm nhằm nâng cao thu nhập, giúp họ gắn bó hơn với nghề hơn.
Lý thuyết là thế nhưng thực tiễn diễn ra không theo đúng với nguyện vọng của ngành thú y tỉnh Quảng Trị. Đơn vị tham mưu đã không lường trước được tình huống này.
“Trước khi có Nghị quyết 161, có thể lực lượng đủ điều kiện bằng cấp sẽ đáp ứng được nhưng sau đó, nhiều người đã đi làm tại các trang trại với mức lương cao nên nhân lực thiếu hụt”, ông Hậu phân tích.
Ông Hậu cho biết thêm, hiện lực lượng cán bộ của Chi cục mỏng nên khi dịch bệnh trên đàn vật nuôi xẩy ra, nhất là tại các huyện miền núi, việc điều động cán bộ tăng cường gặp rất nhiều khó khăn. Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là ở những thời điểm giao mùa.
Sau khi nhận công văn kiến nghị của UBND huyện Hướng Hóa, ngày 12/7/2022, Sở Nội vụ Quảng Trị có công văn gửi Sở NN-PTNT Quảng Trị đề nghị Sở này tham gia ý kiến về dự kiến đề xuất UBND tỉnh xem xét thống nhất để UBND huyện Hướng Hóa tạm thời tuyển chọn nhân viên thú y có trình độ sơ cấp hoặc có chứng chỉ hành nghề liên quan đến lĩnh vực thú y để bố trí cho 9 xã thuộc huyện Hướng Hóa, đồng thời yêu cầu đến 31/12/2025 phải được đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo trình độ chuyên môn theo quy định.
Tuyển chọn nhân viên thú y vẫn bế tắc
Ngày 8/8/2022, Sở Nội vụ Quảng Trị có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Trị về việc đề nghị xem xét thống nhất tuyển chọn nhân viên thú y. Tuy nhiên, đến thời điểm này, UBND tỉnh Quảng Trị, HĐND tỉnh Quảng Trị vẫn chưa điều chỉnh trong công tác tuyển chọn nhân viên thú y.