| Hotline: 0983.970.780

Rối bời trước vụ thu đông

Thứ Năm 12/08/2021 , 08:00 (GMT+7)

ĐBSCL đang vào vụ thu đông. Dịch bệnh khó khăn, lại thêm giá phân bón liên tục leo thang khiến nhiều nông dân chẳng còn mặn mà với đồng ruộng.

Nông dân, đại lý đều nản 

Hiện nay, tại ĐBSCL giá phân bón không ổn định, biến động biên độ lớn đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý sản xuất của người dân. So với vụ hè thu (HT) vừa qua, giá phân các loại tăng từ 100.000 – 150.000 đồng/bao. Riêng DAP Trung Quốc tăng trên 200.000 đồng/bao.

Cụ thể, giá phân NPK 20-20-15 giao động từ 720.000 – 810.000 đồng/bao, Ure giao động từ 630.000 – 650.000 đồng/bao, Kali từ 520.000 – 540.000 đồng/bao, DAP Trung Quốc 860.000 đồng/bao. 

Gía phân bón tăng, trong khi giá lúa thời gian qua giảm khiến nông dân chẳng còn mặn mà với vụ lúa thu đông. Ảnh: LHV.

Gía phân bón tăng, trong khi giá lúa thời gian qua giảm khiến nông dân chẳng còn mặn mà với vụ lúa thu đông. Ảnh: LHV.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Vĩnh Long, nông dân Vĩnh Long đang xuống giống được 34.000ha lúa thu đông (TĐ), đạt 70% kế hoạch. Riêng lúa HT đã thu hoạch gần dứt điểm, chỉ còn khoảng 1.300ha ở huyện Vũng Liêm và Mang Thít. Hiện nay, với bối cảnh giá phân bón không ngừng leo thang, gây khó đủ điều cho người nông dân lẫn người kinh doanh.

Bước vào vụ TĐ với tâm lý không mấy hào hứng về lợi nhuận của trồng lúa trong bối cảnh giá phân bón leo thang, ông Nguyễn Văn Tu ở xã Hòa Thạnh, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) cho biết: Vụ HT vừa rồi, năng suất lúa được 5 tấn/ha nhưng giá bán giảm hơn so với vụ HT trước, chỉ có 5.200 - 5.300 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá phân bón cũng tăng cao, thời tiết bất lợi, sâu bệnh nhiều nên lợi nhuận thấp...

Khó nhất nữa hiện nay là nhiều nông sản như lúa, trái cây đều không bán được, rớt giá nên nông dân khó mua nợ đại lý như trước đây. Điều này càng khiến nông dân không mặn mà với vụ lúa TĐ.

Anh Nguyễn Nhi Phương, chủ một đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp ở xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít (Vĩnh Long) chia sẻ: Thật lòng, các đại lý cũng không muốn phân bón tăng giá quá cao như vậy, mà muốn giá phân bón giảm xuống để công việc kinh doanh thuận lợi hơn.

Phân bón đóng vai trò cốt yếu cho sản xuất lúa, nhưng đang làm khó nông dân. Ảnh: LHV.

Phân bón đóng vai trò cốt yếu cho sản xuất lúa, nhưng đang làm khó nông dân. Ảnh: LHV.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, hiện giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản đều tăng giá bình quân từ 20 - 40% so với đầu năm 2021. Đặc biệt là giá phân bón Ure, DAP… đã tăng tới 60 - 80%, ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư phát triển sản xuất. Nông dân sản xuất lãi thấp hoặc không lãi, thậm chí thua lỗ.

Trong bối cảnh dịch bệnh, việc đi lại của người dân phục vụ sản xuất, chăm sóc, thu hoạch nông, thủy sản cũng gặp khó khăn, nhất là đất sản xuất ở khác địa bàn nơi cư trú. Nhân công phục vụ sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản thiếu cục bộ cho bón phân, phun thuốc BVTV.

Nhằm duy trì sản xuất, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang khuyến cáo nông dân nên áp dụng triệt để các biện pháp "3 giảm 3 tăng" và "1 phải 5 giảm" trong sản xuất lúa; sử dụng các loại phân đơn, tăng cường bón thêm phân lân để thay thế cho các loại phân chuyên dùng, phối trộn sẵn như DAP đang tăng giá quá cao.

Chi phí vận chuyển đội cao

Ông Nguyễn Văn Đém, Giám đốc Công ty TNHH Phì Nhiêu tại TP Cần Thơ là nhà phân phối, chuyên cung ứng một số loại phân bón NPK nhập khẩu.

Ông Đém cho biết, từ khi TP Cần Thơ thực hiện Chỉ thị 16 (ngày 31/7) đến nay, công ty mới chỉ vận chuyển được 20 tấn phân bón (2 xe, 10 tấn/xe) chuyển hàng từ cảng Cát Lái về tới đại lý ở địa bàn quận Ô Môn và huyện Phong Điền.

Do thực hiện Chỉ thị 16, xe tải không vào thành phố được mà buộc phải chuyển hàng ngược về Vĩnh Long thuê kho tạm trữ chờ. Các đại lý nóng lòng chờ đợi, còn hàng về không được. Doanh nghiệp đau đầu chịu chi phí tăng thêm. Mãi tới 7/8 ngày sau khi có xe "luồng xanh" mới thông thương đưa được hàng về đại lý.

Chi phí vận chuyển, lưu thông tăng cao do dịch bệnh Covid-19 càng đội thêm giá phân bón tăng cao. Ảnh: LHV.

Chi phí vận chuyển, lưu thông tăng cao do dịch bệnh Covid-19 càng đội thêm giá phân bón tăng cao. Ảnh: LHV.

Theo ông Đém, do ách tắc khâu vận chuyển, cước phí vận chuyển của xe có “luồng xanh” từ cảng Cát Lái về tới các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang đã tăng lên 40% so trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Chi phí vận chuyển tăng cao cũng là nguyên nhân đội giá phân bón khi bán tới tay nông dân. Hiện giá phân bón NPK phối trộn thông dụng đã tăng cao, từ 300.000 đồng/tấn tăng lên 450.000 đ/tấn. Đơn cử loại NPK 30-10-10 về tới đại lý bán ra 15.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng; phân NPK 20-20-15 giá 16.000 đồng/kg, tăng 2.500-3.000 đồng so trước khi thực hiện giãn cách xã hội (trong khi đó, phân bón hữu cơ lại chỉ tăng nhẹ, khoảng 5 - 10%).

"Hiện tại, tuy xe vận tải đã thông luồng, phân bón về tới đại lý không thiếu, nhưng giá vẫn còn đứng mức cao. Chúng tôi cũng không thể tự quyết định được giá bán, mà phải phụ thuộc vào giá do các doanh nghiệp lớn cung ứng. Hiện một số đại lý vật tư nông nghiệp vùng nông thôn xa bị đứt hàng, cung không tới nơi. Trong tình hình giá phân cao, sợ chôn vốn nên ít có DN phân phối hay đại lý nào đủ vốn găm hàng", một đại lý phân bón tại Cần Thơ khẳng định. 

Ông Trần Thanh Hiệp, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT An Giang đề xuất: Với các tỉnh nhiều nhà máy sản xuất phân bón, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên để doanh nghiệp nâng công suất sản xuất. Bởi có thể có doanh nghiệp phân bón thấy dịch bệnh, giá phân bón tăng cao nên sản xuất cầm chừng.

Theo ông Hiệp, thực tế tình hình sản xuất phân bón trong nước hiện nay là không thiếu. Riêng ở An Giang kể cả lượng phân bón đang nằm trong kho ở các đại lý hoặc công tty kinh doanh phân bón đang có vẫn đảm bảo đủ lượng cung cho vụ thu đông.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.