| Hotline: 0983.970.780

Biến đất bỏ hoang thành vựa rau đặc sản vụ đông

Thứ Ba 29/11/2022 , 07:02 (GMT+7)

LÀO CAI Trước đây, đất đai ở nhiều nơi tại vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) bị bỏ hoang trong vụ đông. Tuy nhiên hiện nay, đây đã trở thành vựa rau đặc sản trong vụ đông.

Vụ đông năm 2022 - 2023, huyện vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo mô hình, tiêu chuẩn VietGAP… trồng các loại rau màu đặc sản có nguồn gốc ôn đới, giống chất lượng cao nhập nội; khuyến khích các HTX sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tăng cường liên kết "bốn nhà" trong sản xuất, tiêu thụ...

Đất hoang thành vùng rau đặc sản vụ đông

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bắc Hà khẳng định, rau màu là cây trồng chính trong vụ đông của huyện. Vụ đông năm nay, huyện khuyến cáo nhân dân trồng rải vụ để tránh thu hoạch dồn dập, khó tiêu thụ, thậm chí phải trồng gối vụ nhiều lứa, diện tích thu hoạch tập trung phục vụ Tết Nguyên đán.

Bà con nông dân người Tày thôn Na Lo,  xã Tả Chải ra đồng trồng cauir Kale phục vụ thị trường trước, trong và sau tết 2023

Bà con người Tày ở thôn Na Lo, xã Tả Chải (Bắc Hà) ra đồng trồng cải kale phục vụ thị trường dịp Tết 2023. Ảnh: Xuân Cường.

Vụ đông năm nay, toàn huyện Bắc Hà có diện tích thực hiện 335ha tại 19 xã, thị trấn. Trong đó, huyện chú trọng mở rộng diện tích cây rau đặc sản, áp dụng khoa học công nghệ, trồng rau mô hình công nghệ cao tại các xã Lùng Phình, Tả Chải, Na Hối, Nậm Mòn; tập trung vào các sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định, tăng cường mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua các doanh nghiệp, HTX với các loại rau được thị trường ưa chuộng, hiện đang có giá cao như rau ải bắp, su hào, rau đậu Hà Lan, cải kale, cải ngọt, cải thảo, cải địa phương, súp lơ...

Lùng Phình là xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Phù Lá, Mông chiếm trên 90% dân số, thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đây cũng là xã trung tâm cụm thượng huyện Bắc Hà, có khí hậu đặc trưng ôn đới, mùa đông lạnh giá, trước đây bà con thường bỏ hoang... Mấy năm gần đây, Lùng Phình trở thành xã đi đầu khu vực về gieo trồng cây rau màu vụ đông.

Vụ đông xuân 2021 - 2022, Lùng Phình được hỗ trợ từ nguồn vốn giảm nghèo triển khai mô hình trồng rau cải xoăn kale với diện tích 3ha, gồm 23 hộ dân ở 2 thôn Pả Chư Tỷ và Tả Chải tham gia thực hiện, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trên cơ sở đó, vụ đông năm 2022 - 2023, xã Lùng phình phấn đấu gieo trồng 35ha cây rau màu, trong đó có 3ha bắp cải, 5ha rau đặc sản đậu Hà Lan, su hào 1ha, đậu đỗ 11ha, cải ngọt 4ha, cải mèo 5,5ha và 3ha cải kale.

Khu ươm giống cải ka le của hợp tác xã công nghệ cao xã Lùng Phình, cung ứng cho nông dân trong xã và huyện trồng vụ đông năm 2022

Khu ươm giống cải kale của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao xã Lùng Phình cung ứng cho nông dân trong xã và huyện trồng vụ đông năm 2022 - 2023. Ảnh: Xuân Cường.

Ông Đỗ Anh Sơn, Chủ tịch UBND xã Lũng Phình cho biết: "Hiện xã đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông tới các hộ dân ở các thôn, đáng mừng là đã có nhiều hộ dân đăng ký mua giống cải kale của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Lùng Phình, tự đầu tư trồng, không còn hỗ trợ như vụ trước. Chính quyền xã chỉ đạo đội ngũ cán bộ khuyến nông tăng cường bám sát đồng ruộng, hướng dẫn bà con nhân dân thực hiện làm đất, vệ sinh đồng ruộng, lên luống, gieo trồng, chăm sóc cây rau màu vụ đông".

HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Lùng Phình ở thôn Tả Chải hiện đã đầu tư làm nhà màng để trồng dâu tây và các loại rau củ trái vụ, trồng và ươm giống, cung cấp các loại giống cải kale, bắp cải cho nông dân. Ông Nguyễn Duy Giang, Giám đốc HTX cho biết, sản phẩm cải xoăn kale của HTX do thời tiết thuận lợi, được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất, loại rau này cho thu đến cuối tháng 11 hàng năm.

Loại cải này chỉ tốn công trồng một lần/năm, khoảng thời gian còn lại dành cho việc chăm sóc và thu hái sản phẩm lá. Toàn bộ diện tích trồng cải được áp dụng phương thức trồng hữu cơ và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel trong canh tác. Hiện HTX đã và đang vừa trồng, vừa ươm, cung ứng giống cho bà con nông dân trồng và phát triển loại rau đặc sản này.

Gia đình anh Tráng Sào Long, thôn Lùng Phình (xã Lùng Phình) cho biết vụ đông xuân năm ngoái trồng hơn 9.000 cây cải kale, giá bán tại vườn trung bình 15 - 20.000 đồng/kg. Vụ đông năm 2022 này, gia đình tiếp tục đầu tư vốn mua giống của HTX, mua phân bón để trồng cải kale.

Thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha

Tại xã Tả Chải, vùng trọng điểm trồng rau vụ đông của huyện Bắc Hà, không khí ra quân sản xuất vụ đông khá sôi nổi. Vụ đông 2022 - 2023, bà con nông dân xã Tả Chải phấn đấu gieo trồng 28ha cây rau đậu, chủ yếu là các loại rau như bắp cải, rau cải, cải kale, cải xoăn, đậu Hà Lan, cây rau gia vị, hành, tỏi, ớt... phục vụ thị trường những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu ruộng tại thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình đã được phủ xanh cây cải kale đặc sản

Từng bỏ hoang trong vụ đông, khu ruộng tại thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình đã được phủ xanh cây cải kale đặc sản. Ảnh: Xuân Cường.

Hộ anh Vàng Văn Thắng, thôn Na Lo thuộc diện trồng rau màu với diện tích lớn của xã Tả Chải. Theo anh Thắng, mấy năm nay, cây rau vụ đông tiêu thụ khá thuận lợi, giá bán ổn định nên vụ này gia đình trồng hơn 3 sào rau đậu, chủ yếu là rau cải, bắp cải, cải xoăn, cải kale, rau gia vị cung ứng cho thị trường trong mùa đông và chủ yếu là dịp Tết. Trong đó, 2 vụ gần đây vào dịp Tết cây rau cải kale là được giá nhất, từ 20 - 40 ngàn đồng/kg (tùy thời điểm). Khách du lịch đến Bắc Hà và người tiêu dùng ngoài tỉnh rất thích mua cải kale nên giờ gia đình và các hộ dân trong thôn nhà nào cũng trồng thêm loại rau này và đa dạng các loại rau cho phù hợp với thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bắc Hà cho biết: Vụ đông năm nay, huyện phấn đấu giá trị sản xuất đạt trên 33 tỷ 500 triệu đồng, bình quân thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha. Phòng NN-PTNT đã tham mưu UBND huyện xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện, trong đó tập trung kiểm tra về chất lượng giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV và các loại vật tư nông nghiệp trên địa bàn, không để tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả, không có trong danh mục được lưu hành làm ảnh hưởng tới sản xuất...

Tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho người dân; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết, thị trường để khuyến cáo và chỉ đạo sản xuất...

Anh tráng sào Long, thôn tả Chải, xã Lùng Phình chăm sóc rau cải kale

Anh Tráng Sào Long, thôn tả Chải, xã Lùng Phình chăm sóc rau cải kale. Ảnh: Xuân Cường.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chỉ đạo đội ngũ cán bộ khuyến nông viên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai sản xuất vụ đông năm 2022 đảm bảo kịp thời vụ và hiệu quả; căn cứ vào điều kiện khí hậu, cơ cấu giống cây trồng thực hiện tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo tình hình phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu, bệnh hại; đồng thời hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ đảm bảo kịp thời, hiệu quả...

Bên cạnh trồng cây rau màu, vụ đông 2022 - 2023, huyện Bắc Hà còn sản xuất các cây trồng khác như cây ngô ngọt 4ha, cây khoai lang 4ha...; giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân địa phương; trồng trên 300ha ngô dày làm sinh khối đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc trong mùa đông.

Đến nay, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính mang lại hiệu quả kinh tế trên địa bàn huyện vùng cao Bắc Hà, góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống bà con nông dân và chủ động nguồn cung cấp thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong và ngoài huyện, phục vụ đắc lực phát triển dịch vụ - du lịch, nhất là dịch vụ ẩm thực, trải nghiệm du lịch nông nghiệp trên miền cao nguyên trắng Bắc hà.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.