| Hotline: 0983.970.780

Cây cát cánh 'cất cánh' vùng cao Tả Van Chư

Thứ Năm 22/12/2022 , 07:01 (GMT+7)

LÀO CAI Những ngày này thực sự là mùa vui ở khu vực thượng huyện Bắc Hà (Lào Cai) khi bà con người Mông bắt đầu thu hoạch cây dược liệu cát cánh.

Vụ đông xuân 2021 - 2022, huyện Bắc Hà trồng 62ha cây cát cánh (kế hoạch 42ha) gồm xã Tả Van Chư 30ha, Lùng Phình 3ha, Bản Phố 2ha, Tả Củ Tỷ 3ha, Hoàng Thu Phố 3ha và xã Lùng Cải 1ha. Ngoài ra, nhân dân tự trồng theo hợp đồng với Công ty Cổ phần VietRAP Đầu tư - Thương mại 20ha tại xã Tả Van Chư.

Bà con nông dân thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Văn Chư bắt đầu thu hoạch cây dược liệu cát cánh

Bà con nông dân thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Van Chư bắt đầu thu hoạch cây dược liệu cát cánh. Ảnh: Xuân Cường.

Sau 1 năm gieo trồng, hiện cây đã đến thời vụ thu hoạch. Xã Tả Van Chư được xem là "thủ phủ" trồng cây dược liệu cát cánh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới của huyện Bắc Hà. Ông Giàng Seo Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Văn Chư cho biết: Với diện tích 50ha, trong đó có 30ha theo kế hoạch và 20ha nhân dân tự trồng theo hợp đồng với Công ty Cổ phần VietRAP Đầu tư thương mại 20ha, đến nay đã có một số hộ thu hoạch xong cây dược liệu cát cánh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà đứng ra thu mua sản phẩm cho bà con với giá trung bình 20 ngàn đồng/kg, đây là mức giá cao và ổn định. Đây thực sự là nguồn thu lớn, giúp cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào Mông địa phương.

Ở khu vực vùng cao Tả Van Chư, đặc biệt là thôn Lả Gì Thàng, những cách đồng hoa cát cánh đang mang lại bạc tỷ mỗi năm cho bà con. Tham gia dự án trồng cây dược liệu cát cánh, bà con người Mông được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện ký cam kết hỗ trợ gieo trồng và bao tiêu 100% sản phẩm; nông dân được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật để mở rộng diện tích trồng cây dược liệu theo hướng an toàn của Tổ chức Y tế thế giới, khi thu hoạch Trung tâm đến tận cánh đồng thu mua trực tiếp, tạo niềm tin cho bà con gắn bó.

Gia đình anh Giàng Seo Tráng hi vọng sẽ thu trên 100 triệu đồng từ vụ này

Gia đình anh Giàng Seo Tráng ở thôn Lả Gì Thàng (xã Tả Van Chư) hi vọng sẽ thu trên 100 triệu đồng từ cây cát cánh vụ này. Ảnh: Xuân Cường.

Chính vì vậy, thay cho việc phải đi làm thuê thì nay, những hộ người dân tộc Mông ở đây lại dành thời gian cho những thửa ruộng canh tác dược liệu. Có cây giống để trồng, biết cách chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn và có đầu ra ổn định đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

Gia đình anh Giàng Seo Tráng (34 tuổi) ở thôn Lả Gì Thàng là hộ đã tham gia mô hình trồng cây cát cánh lấy giống của huyện từ vụ đông xuân 2017 - 2018. Niên vụ 2020 - 2021, gia đình anh trồng hơn 1ha cây cát cánh, thu về 135 triệu đồng. Niên vụ 2021 - 2022 này, gia đình anh Tráng trồng nhiều nhất xã với diện tích 1,2ha.

Anh Tráng phấn khởi cho biết: "Bắt đầu từ tháng 12, cán bộ huyện, xã đã xuống hướng dẫn bà con thu hoạch. Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đến tận nhà cân mua sản phẩm với giá 20 ngàn đồng/kg củ tươi. Cây cát cánh sinh trưởng và phát triển tốt tại địa phương. Năm nay, cát cánh vẫn cho năng suất ổn định, giá cao, gia đình hi vọng thu hoạch và bán được trên 100 triệu đồng. Trồng cây cát cánh hơn hẳn các loại cây khác, gấp 3 - 4 lần trồng cây ngô, lúa...".

Nhờ trồng cây dược liệu cát cánh theo tiêu chuẩn Quốc tế đã đem lại lợi ích kép, vừa hút khách du lịch, phát triển du lịch nông nghiệp bền vững

Mùa hoa cát cánh nở thu hút khách du lịch, giúp bà con phát triển du lịch nông nghiệp. Ảnh: Xuân Cường.

Với những nỗ lực trong thực hiện phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đặc biệt là phát triển vùng cây dược liệu cát cánh theo tiêu chuẩn quốc tế, diện mạo nông thôn mới ở vùng cao Tả Văn Chư đã từng bước khởi sắc, đời sống của đồng bào dân tộc Mông từng bước được cải thiện, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới...

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bắc Hà cho biết, vụ thu hoạch này, cây dược liệu cát cánh sinh trưởng và phát triển tốt, thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khu vực thượng huyện. Để bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân và thị trường tiêu thụ ổn định, trong năm 2022, huyện Bắc Hà tiếp tục duy trì và ký kết thêm hợp đồng và biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp.

Theo đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện ký kết hợp tác mới với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng y dược học cổ truyền mỗi năm dự kiến mua dược liệu từ 20 tấn sản phẩm khô trở lên. Công ty Cổ phần dược Khải Hà ký hợp đồng nguyên tắc với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sản xuất với diện tích 69.000m2, sản lượng 52.500kg các loại dược liệu (đương quy Nam 10.000kg, cát cánh Nam 10.000kg, lá actiso 7.000kg, hoa actiso 1.500kg, hoài sơn 14.000kg, cạch chỉ 10.000kg). Công ty Cổ phần ANVY ký hợp đồng nguyên tắc với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, mỗi năm bao tiêu 5 - 6 tấn cát cánh khô...

3

Những cánh đồng hoa cát cánh luôn thu hút khách du lịch tới tham quan. Ảnh: Xuân Cường.

Dự kiến, vụ thu hoạch cây dược liệu cát cánh trên địa bàn huyện Bắc Hà sẽ kết thúc vào đầu tháng 1 năm 2023. Rễ cây cát cánh phơi khô có giá bán lên tới 250 – 300.000 đồng/kg. Rễ cát cánh là thảo dược quý trong y học, dùng để chữa các bệnh như phế ung, viêm họng, ho suyễn, thải độc… Ngoài ra, hoa cát cánh có hình chuông màu lam tím hoặc màu trắng, vào thời điểm ra hoa đã đem lại "lợi ích kép" thu hút khách du lịch đến với rẻo cao Tả Van Chư, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho bà con. Cây cát cánh trồng ở vùng thấp một năm có thể cho thu hoạch, còn vùng cao là hai năm.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Chia sẻ cách tiếp cận liên ngành theo chuỗi về an toàn thực phẩm

THỪA THIÊN - HUẾ Các đại biểu đã cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm từ Dự án 'Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe'.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.