| Hotline: 0983.970.780

Đau lòng chuyện loạn luân, nhốt con trong rừng

Thứ Hai 11/06/2012 , 14:30 (GMT+7)

Một cô gái bị cha cưỡng hiếp, bắt sống ở giữa rừng sâu như người rừng gần 8 năm. Cô gái tố cáo: Cha của đứa bé con cô cũng chính là cha của cô.

Một cô gái bị cha cưỡng hiếp, bắt sống ở giữa rừng sâu như người rừng gần 8 năm. Cô gái tố cáo: Cha của đứa bé con cô cũng chính là cha của cô.

Sáng 10/6, vượt hàng chục cây số đường rừng đèo, dốc, chúng tôi vào khu rừng sâu Lỗ Dàng thuộc xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân (Phú Yên). Nằm heo hút trên triền một thung lũng, giữa những cánh rừng già là một căn chòi tạm bợ chưa tới 4 m2, xung quanh hiu quạnh, không một bóng người. Trên chiếc giường gỗ xập xệ trong căn chòi, một bé gái gầy nhom, xanh xao thân mình ướt đẫm mồ hôi, miệng khô quắt vì đói, khát đang bị “nhốt” trong chiếc mùng và những lớp chăn màn có dây buộc chặt để khỏi rơi xuống lớp đá dưới nền.

Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp cận được cô gái bởi theo người dân địa phương, lâu nay cứ thấy người lạ là cô gái lại chạy trốn vào rừng. Vừa lùa đàn bò hơn 20 con trở về căn chòi, thấy chúng tôi, cô gái tỏ ra sợ sệt, không dám lại gần, không muốn nói chuyện. Hình như lâu lắm rồi cô gái không tiếp xúc với người lạ. Gặng mãi cô gái mới cho biết tên là Đ.T.T.A. nhưng không nhớ mình bao nhiêu tuổi (sau này chúng tôi mới biết A. năm nay 25 tuổi); còn cháu bé chính là con của cô. Mới nhìn không ai nhận ra đó là một cô gái tuổi đôi mươi bởi thân hình tiều tụy, da đen nhẻm, mái tóc rối bời trông như “người rừng”.


Đ.L.T.A. cùng con trong khu rừng Lỗ Dàng (xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân - Phú Yên) - Ảnh: Người lao động.

Ngồi ôm con, cố quay giấu mặt, qua những câu trả lời rời rạc, T.A. kể: Từ nhỏ T.A. đã phải đi chăn bò, làm rẫy nên chưa bao giờ đến trường. Năm 17 tuổi, người cha đưa T.A. từ nhà lên núi Lỗ Dàng để chăn bò, làm rẫy cùng ông. Dù từ rừng về nhà chỉ vài chục cây số nhưng chưa bao giờ người cha cho T.A. về nhà. Năm T.A. 18 tuổi, có một người đàn ông độc thân lớn tuổi làm rẫy gần đó muốn lấy em làm vợ nhưng bị người cha ngăn cấm. Cũng trong năm đó, một đêm nọ, người cha mò vào căn chòi cưỡng hiếp T.A. Từ đó ông thường xuyên làm chuyện bất luân này với đứa con của mình. “Mỗi khi thấy có người lạ, bất kể đàn ông hay đàn bà lại gần em là ổng đánh em. Ổng nói sẽ giết chết em nếu nói ra cho ai biết” - T.A. kể trong tiếng nấc. Cách đây gần hai năm, T.A. có thai rồi sinh ra bé gái trên. Chính cha mẹ của T.A. đỡ đẻ cho cô ngay giữa rừng sâu.

Suốt gần 8 năm nay, cứ mỗi tháng một lần, cha mẹ T.A. mang lên vài ký gạo cùng thức ăn duy nhất là muối hột và nước mắm. Nhiều ngày hết gạo, T.A. phải ăn trái cây lây lất cho đỡ đói. Công việc hằng ngày của T.A. là chăn giữ hơn 20 con bò của gia đình. Buổi sáng, T.A. dùng mùng mền quấn chặt đứa con để trên giường rồi lùa bò lên núi, đến chiều tối mới trở về. “Gần đây, ổng cứ bảo để đứa bé chết đi. Mỗi lần lên núi, ổng lại đánh, hăm dọa giết em. Em sợ lắm nhưng không biết làm sao” - T.A. nói với khuôn mặt sợ hãi.

Khi chúng tôi hỏi “Sao lâu nay em không tố cáo với công an?”, T.A. chất phác trả lời: “Em sợ lắm và cũng không biết đường đi”. Sau lời động viên khuyên nhủ của chúng tôi, T.A. quyết tâm bế con đi cùng chúng tôi đến Công an huyện Đồng Xuân tố giác sự việc và xin giúp đỡ giải thoát cho mình.

Trên đường rời rừng, phóng viên đã trực tiếp điện thoại cho ông Võ Cao Phi, Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo Công an huyện Đồng Xuân, Hội LHPN tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên để thông báo sự việc và đề nghị có biện pháp giúp đỡ T.A..

Đây là lần đầu tiên ra khỏi rừng sau 8 năm nên T.A. tỏ ra ngơ ngác, sợ hãi. Dù nhà (ở thôn Tân Phú, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân) chỉ cách trụ sở Công an huyện Đồng Xuân 4-5 km nhưng cô không nhớ đường về nhà. Khi cán bộ công an lấy lời khai, T.A. khẳng định chính cha cô, ông Đ.N.H. (sinh năm 1950), đã nhiều lần cưỡng hiếp cô từ năm 18 tuổi đến khi sinh cháu bé trên.

Ngay chiều cùng ngày, UBND huyện Đồng Xuân đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo các ngành chức năng để giải quyết sự việc trên. Thượng tá Lê Văn Định, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân, cho biết trước mắt huyện đã đưa mẹ con T.A. đi khám sức khỏe, đồng thời bố trí cho hai mẹ con ở trong một phòng khách của công an huyện để đảm bảo an toàn. UBND huyện đã phân công Hội LHPN, Phòng LĐ-TB&XH huyện hằng ngày chăm sóc, đảm bảo ăn uống, sinh hoạt cho hai mẹ con cô gái này.

Chiều 10/6, Công an huyện Đồng Xuân đã triệu tập hai vợ chồng ông H. để tiến hành điều tra sự việc. “Bước đầu, hai vợ chồng này phủ nhận việc đã đối xử bạo lực với em T.A.; ông H. cũng phủ nhận đã cưỡng hiếp con mình. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiến hành ngay việc xét nghiệm ADN giữa ông H. và cháu bé, đây là vấn đề căn cơ của vụ việc. Nếu đúng như tố cáo, ông H. đã phạm hai tội rất nghiêm trọng là hiếp dâm và loạn luân." - Thượng tá Lê Văn Định, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân cho biết.

Hai chị của T.A. cũng bị cha bạo hành

Nhiều người dân địa phương cho biết lâu nay họ thường xuyên nghe thấy ông H. đánh đập vợ con. Ông Nguyễn V.N., hàng xóm, kể: Người con gái đầu của ông H. là Đ.T.N.A. vốn ngoan hiền, học giỏi nhưng đến năm lớp 9 thì bị bệnh tâm thần do bị cha thường xuyên đánh đập, mấy năm nay cả làng không ai nhìn thấy cô gái này nữa. Còn một người chị khác của T.A. khi biết sự việc đã hoảng sợ vào TP.HCM sinh sống nhiều năm nay, không trở về nhà. Theo lời T.A., toàn bộ sự việc trên mẹ của cô đều biết nhưng không dám nói gì cả vì sợ chồng đánh. Nhiều người dân địa phương cũng nhiều lần chứng kiến ông H. đánh vợ dã man trước mặt nhiều người.

Trong khi đó, theo ông Phạm Trung Chánh (Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân), cách đây gần một năm huyện đã biết việc mẹ con cô gái trên sống giữa rừng sâu và đã yêu cầu các ngành chức năng vận động đưa cháu bé về địa phương sinh sống nhưng gia đình ông H. không chấp nhận.

Ông Huỳnh Việt Hùng, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Đồng Xuân, nói: “Trước đây chúng tôi có đến núi Lỗ Dàng đề nghị gia đình đưa đứa trẻ về nhà chăm sóc và hướng dẫn họ làm thủ tục để đứa trẻ được hưởng chính sách hỗ trợ dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng ông H. hằm hè ngăn cản. Chúng tôi đã đề nghị chính quyền xã giải quyết nhưng không có kết quả”.

Theo Pháp luật TPHCM

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm