| Hotline: 0983.970.780

Khốn đốn tìm mưu kế diệt chuột

Thứ Tư 24/08/2022 , 09:15 (GMT+7)

PHÚ YÊN Để hù họa chuột, nông dân dùng đủ loại dây ni-lon cắm trên ruộng. Thế nhưng chuột vốn đa nghi, chỉ sau một lần sợ, chúng lại mò về cắn phá lúa như thường...

Những cánh đồng đủ màu sắc ni-lon

Trên cánh đồng xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), nhiều đám ruộng nông dân dùng nilon bẹo chuột (dọa chuột), có đám ruộng cọc nilon cắm cao trên đám lúa đủ sắc màu. Ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Xuân Phước đang bẹo chuột cho hay: Chuột cắn nát lúa, trên cánh đồng này không có đám nào mà không có dấu răng của chuột. Tôi dùng những cọc nhỏ quấn lên đầu tấm nilon đem ra ruộng bẹo, cắm chỗ chuột cắn lúa để chuột sợ đi nơi khác.

Empty

Đủ màu sắc ni lông trên đồng ruộng để "hù dọa" chuột. Ảnh: MHN.

Cạnh đó, ông Thái Văn Sáu đang be bờ đắp mậu cho đám ruộng chia sẻ: Chuột cắn lúa nhiều quá, phải be bờ lấy nước ngập đầu “ông Tý” để ngăn chặn lội vô cắn lúa. Cả cánh đồng này ai cũng rên nạn chuột. Tôi và nhiều người ra ruộng bẹo đủ sắc màu nilon trên cánh đồng, thế nhưng vài ngày sau chỗ phía trên bẹo, phía dưới chuột vẫn cắn phá lúa.

Ở cánh đồng rộng lớn từ xã An Ninh Đông qua xã An Ninh Tây rồi đến xã An Thạch (huyện Tuy An), chuột cắn phá lúa, nông dân cũng dùng nilon bẹo đủ sắc màu trên cánh đồng. Ông Phan Văn Tấn ở xã An Ninh Đông chia sẻ: Chuột cắn lúa nhiều quá nên nông dân bẹo, mục đích để chuột sợ, nhưng bẹo chỗ này, chuột cắn chỗ khác.

Dọc theo các tuyến QL1A từ TP Tuy Hòa chạy dài đến xã Hòa Xuân Nam (Thị xã Đông Hòa) và tuyến QL29 từ xã Hòa Bình 1 đến xã Hòa Phong, Hòa Phú (huyện Tây Hòa), trên các cánh đồng đều được “trang điểm” bằng đủ các loại sắc màu của nilon mà theo nhiều nông dân đó là để bẹo cho chuột sợ. Ông Lương Văn Lê, Phó trạm trưởng phụ trách Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Tây Hòa giải thích: Việc nông dân dùng nilon bẹo chuột thực ra không mấy hiệu quả vì chuột có tính đa nghi nên dùng nilon bẹo ngày đầu tiên lạ mắt chúng còn tránh, nhưng đến tối thứ hai, thứ ba thấy quen mặt, chúng không sợ nữa nên vẫn cắn phá lúa.

Để ngặn chặn chuột cắn phá lúa, hoa màu, các địa phương cần triển khai phong trào diệt chuột từ đầu vụ bằng cách dùng bẫy, đào hang bắt…, tuy nhiên ở một số xã do đặc điểm địa hình và chưa thật sự áp dụng các biện pháp diệt chuột triệt để nên chuột cắn phá ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ.

Cần diệt chuột nhiều cách

Để bảo vệ mùa màng, ngay từ đầu vụ đông xuân, Sở NN-PTNT Phú Yên đã phát động phong trào toàn dân tham gia diệt chuột, theo đó chỉ đạo các địa phương và nông dân thực hiện nhiều biện pháp kết hợp như dùng nôm bắt chuột hoặc dùng bẫy, bả thuốc… diệt chuột xuyên suốt cả vụ. Trong đó, biện pháp dùng nôm, đặt bẫy ban đêm được xem là tối ưu và có lợi cho môi trường sinh thái. Thời gian qua theo ghi nhận, ở phường Hòa Vinh (Thị xã Đông Hòa); xã Hòa An, Hòa Trị (huyện Phú Hòa) là những nơi tổ chức diệt chuột thành công nhất. Người dân thức đêm đặt bẫy diệt chuột hiệu quả.

Empty

Nông dân dùng mọi thứ để dọa chuột. Ảnh: MHN.

Từ khi sạ lúa hè thu đến nay, cứ vào lúc sẫm tối, ông Nguyễn Ngọc Bước ở phường Hòa Vinh lại mang theo hàng trăm bẫy bán nguyệt ra cánh đồng trước nhà đặt để bắt chuột. Đến khuya, ông lại lặn lội từ nhà ra ruộng thăm bẫy, thu gom chuột dính bẫy. Trung bình 1 đêm, ông bắt 50 con chuột, từ khi gieo sạ đến nay, ông đã diệt trên 2.000 con chuột. Ông Bước chia sẻ: Chuột thường cắn phá lúa vào ban đêm nên muốn diệt chúng, phải chịu khó thức đánh bẫy mới bắt được. Đặc tính của chuột là đa nghi nên đặt bẫy phải di dời bẫy thường xuyên mới bắt được nhiều chuột.

Trên cánh đồng xã Hòa An, Hòa Trị, ban đêm nông dân bẫy bán nguyệt khắp các thửa ruộng. Sáng, ông Lê Văn Kim ở xã Hòa An thu gom bẫy cho hay: Trước đây, nhiều diện tích lúa dọc theo tuyến từ QL25 vào thôn Vĩnh Phú (xã Hòa An) chuột đào hang ẩn nấp trong các mô đất cạnh kẽ đá, người bắt không thể phá hết được các hang ổ nên chuột sinh sản nhiều, cắn phá lúa. Vào đầu vụ sản xuất, nông dân đã ra quân diệt chuột, nhưng do địa hình có nhiều bờ vùng, bờ cao, lại không tiến hành đồng bộ nên chuột di chuyển từ vùng này đến vùng khác.

Đổ nước vào hang bắt chuột trên cánh đồng TP Tuy Hòa. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Đổ nước vào hang bắt chuột trên cánh đồng TP Tuy Hòa. Ảnh: MHN.

Ở những bờ vùng cao, nông dân đổ nước vào hang cho chuột ngợp thở trồi đầu ra, có người dùng bẫy bán nguyệt, ai cũng ra quân đồng loạt nên chuột giảm, lúa phát triển thuận lợi. “Có năm, chuột cắn phá từ khi cây lúa vừa ra lá non, nhiều đám ruộng lúa hiện ra chòm đất trống to bằng cái sàng, cái nong. Còn vụ này, nhờ bà con nông dân chịu khó thức đêm đặt bẫy diệt chuột mà các cánh đồng ở xã Hòa An vào thời điểm này lúa trải dài, xanh mượt”, ông Nguyễn Tám, nông dân xã Hòa Trị giãi bày.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Yên, lúa hè thu hiện đang giai đoạn trỗ đòng. Theo ông Nguyễn Lê Lanh Đa, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên: Chuột là đối tượng gây hại thường xuyên trên đồng ruộng và rất khó phòng trừ.

Chuột đang là vấn nạn đối với nhà nông. Nông dân cần tập trung diệt chuột đồng bộ bằng nhiều cách để chúng không di chuyển từ đồng này sang đồng khác cắn phá lúa, hoa màu. Các địa phương cần tổ chức phát động phong trào diệt chuột xuyên suốt, đồng loạt bằng nhiều biện pháp như đào bắt, đặt bẫy, bả bằng thuốc trừ chuột hóa học và sinh học nhằm hạn chế số chuột sinh sản trên đồng ruộng...

Xem thêm
Khó tháo nút thắt môi trường trong chăn nuôi tập trung

Nghệ An Huyện Yên Thành có thế mạnh về chăn nuôi tập trung với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Bảo tồn giống bưởi cơm của xứ Mường

Hòa Bình Sớm đó, khi thảm cỏ còn đẫm sương đêm, tôi cùng anh Lương Văn Thảo (xóm Má 1, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) leo lên quả đồi cao trước mặt.