| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên: Nông dân xuống đồng sớm, chuẩn bị vụ đông xuân

Thứ Hai 19/12/2022 , 11:15 (GMT+7)

Năm nay lũ nhỏ nên nông dân Phú Yên tranh thủ xuống đồng sớm để vệ sinh đồng ruộng, cày ải, diệt chuột, ốc bươu vàng, sẵn sàng xuống giống vụ đông xuân.

Mùa mưa năm nay, nước lụt tràn về, cánh đồng được ngâm những đợt lụt, bồi đắp một lượng phù sa làm đất đai thêm màu mỡ. Ngoài ra, nước lụt cũng giúp rửa phèn, vệ sinh cho ruộng đồng.

Chuẩn bị làm đất sớm vì lũ nhỏ

Trên cánh đồng xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, những ngày qua, nông dân đã ra ruộng cắt lúa chét, be bờ giữ nước để cày vùi gốc rạ, diệt cỏ dại. Ông Nguyễn Văn Nghĩa ở xã An Ninh Đông đang cắt lúa chét, cho hay: Qua 3 tháng mùa mưa, ruộng đồng bỏ hoang, lúa chét nứt ra từ gốc rạ cũ lên xanh, trổ đòng, cúi gié. Có đám vịt thả đồng tràn vào ăn, có đám nông dân cắt sớm để gom rạ lúa chét. Sau đó, đắp bờ giữ nước trong ruộng để khi cày lật đất úp vùi cỏ dại, gốc rạ lúa chét mau hoai mục.

Nông dân xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân cắt lúa chét, thu gom ốc bươu vàng. Ảnh: LÊ TRÂM

Nông dân xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân thu gom ốc bươu vàng. Ảnh: Lê Trâm.

Ông Nghĩa cho biết thêm, nhà ông có 3 sào ruộng, nhờ nước lụt vào đã giúp làm sạch đồng ruộng. Kinh nghiệm làm nông nhiều năm, ông Nghĩa cho biết, lúa vụ hè thu gặt xong, do gặt bằng máy gặt đập liên hợp máy phun rơm tại ruộng, khi thu gom còn sót lại nhiều, có đám gom rơm lại chưa kịp vận chuyển về nhà thì gặp mưa ướt mèm, trên đám ruộng còn cả đống rơm to, nhưng nhờ nước lụt tràn vào cuốn trôi, nên không phải tốn công hốt chất bờ.

Bà Trần Thị Trang, cũng ở xã An Ninh Đông đang đắp mậu cho đám ruộng cũng chia sẻ kinh nghiệm: Từ vụ hè thu chờ gối đầu qua vụ đông xuân, ruộng bỏ hoang, nhờ có nước lụt tràn qua rửa mặn, phóng phèn nên khi gieo sạ lúa đông xuân lớn nhanh, nếu không có lũ thì ruộng đồng phèn mặn vẫn ngập ruộng, làm hỏng mầm lúa khi vừa mới sạ.

Theo nhiều nông dân, đợt lụt năm nay hiền, không có lụt lớn nên nước không ngập ruộng cao. Bà Lê Thị Linh ở xã An Nghiêp, huyện Tuy An phân trần: Từ đầu mùa mưa đến nay chỉ có 2 đợt lụt nhỏ tràn vô nửa cánh đồng trũng, còn ruộng cao thì nước chỉ ngấp nghé giữa cánh đồng. Mấy năm lụt nhiều ngâm thúi cỏ dại, còn năm nay cỏ dại nhiều nên phải cày ải sớm để vùi diệt hết cỏ gốc, đến vụ gieo sạ không tốn công chăm sóc, nhổ cỏ.

Cánh đồng từ xã An Định (huyện Tuy An) chạy dài lên xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) ốc bươu vàng đẻ trứng đỏ trên đám lúa chét. Chỉ tay vào cánh đồng trước nhà, ông Phan Văn Tấn ở xã An Định phân trần, thời gian này năm ngoái, cánh đồng trước nhà vẫn còn ngập sâu gần một mét nước, ngâm nhiều ngày. Còn mùa lụt này, nước tráng qua, chưa ngâm được một buổi rồi rút xuống bàu. Ruộng không có nước lụt ngâm thì nông dân làm ruộng cao lo ngại vào vụ sạ, chuột và ốc bươu vàng cắn phá lúa.

Nông dân dọn lúa chét, chuẩn bị làm đất gieo sạ vụ đông xuân.

Nông dân dọn lúa chét, chuẩn bị làm đất gieo sạ vụ đông xuân. Ảnh: Lê Trâm.

Theo kinh nghiệm nhiều nông dân, ốc bươu đen đẻ trứng ngay mặt nước nên bị các loại cá ăn mồi, còn ốc bươu vàng đẻ trứng trên cao, hay đu đẻ trứng trên cây lúa chét, cách mặt nước cả gang tay nên chúng đẻ trăm trứng còn nguyên trăm trứng. Mùa mưa, nước lụt lớn băng đồng ngập lúa chét, dòng chảy sẽ nhấn chìm ổ trứng ốc bươu vàng, gặp cá sẽ ăn nguyên ổ trứng. Gặp năm lũ nhỏ, ốc bươu vàng nở ra to chỉ bằng chân nhang đã cắn phá lúa.

Tập trung bắt ốc bươu vàng, diệt chuột

Những năm gần đây, ốc bươu vàng cắn phá lúa gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp, đây đang là nỗi lo của nhiều nông dân. Ông Nguyễn Văn Trung ở xã Xuân Sơn Nam cho biết: Vụ đông xuân năm ngoái, lúa vừa gieo sạ nhú mầm đã bị ốc bươu vàng cắn phá, nhất là những nơi còn đọng nước thì ốc bươu vàng trồi lên cắn phá sạch. Có vụ ốc bươu vàng cắn phá phải sạ lại lần 2.

Theo nhiều nông dân, ốc bươu vàng “hiểm” lắm, chúng chui dưới bùn khó mà tiêu diệt, phải bỏ tiền mua thuốc đặc trị phun mới hiệu quả. Thế nhưng có năm đã phun thuốc diệt ốc bươu vàng nhưng gặp mưa rửa trôi, thuốc không còn tác dụng, phải phun lại lần 2, rất tốn kém.

Những ngày qua, nhiều nông dân ở TP Tuy Hòa, Thị xã Đông Hòa ra đồng cắt lúa chét để thu gom, tiêu diệt ổ trứng ốc bươu vàng, có tốp người dàn hàng ngang lội ruộng bắt ốc bán cho người nuôi tôm hùm đã góp phần tiêu diệt ốc bươu vàng.  

Ngoài ốc bươu vàng, nông dân lo ngại nạn chuột cắn phá lúa. Trên cánh đồng phường Phú Đông, Phú Lâm (TP Tuy Hòa), nhiều người mang xô chậu múc nước đổ nước vào hang, chuột ngợp thở trồi đầu ra để bắt. Ông Nguyễn Văn Nghĩa ở phường Phú Đông đang bắt chuột cho hay: "Mưa to nước tràn đồng, khu vực ruộng trũng ngập đầu “ông Tý”, chuột lớn bơi đuối nước bị chết, chuột con trong hang cũng chết sạch. Còn ruộng cao, chuột đào hang ẩn nấp nên phải tiêu diệt chúng để bảo vệ mùa màng. “Sâu ăn lá còn ra lá lúa mới, còn chuột cắn cây lúa đứt tiện gốc. Trên cánh đồng cao, lụt không ngập tới, chuột sinh sôi, nếu không diệt chuột thì nguy cơ giảm năng suất, mất mùa".

Nông dân xã An Ninh Đông, huyện Tuy An cày ải chuẩn bị gieo sạ lúa đông xuân. Ảnh: LÊ TRÂM

Nông dân xã An Ninh Đông, huyện Tuy An cày ải chuẩn bị gieo sạ lúa đông xuân. Ảnh: Lê Trâm.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, ốc bươu vàng gây hại làm giảm mật độ lúa và nghiêm trọng hơn có thể làm cây lúa mất khả năng sinh trưởng. Không như các loại sâu bệnh hại khác, ốc bươu vàng cắn phá lúa từ khi mới nảy mầm, vì vậy cần tập trung diệt chúng ngay từ giai đoạn đầu. Ốc cái từ 2 - 3 tháng tuổi bắt đầu sinh sản. Chúng đẻ trứng thành từng ổ, mỗi ổ khoảng 200 - 300 trứng trong khoảng 3 giờ. Nếu điều kiện thích hợp, số lượng trứng có thể lên tới 500 - 600 trứng/ổ.

Ốc non nở, lớn rất nhanh và trở thành kẻ phàm ăn. Ốc bươu vàng thường cắn ngang cây lúa non hay chồi non từ ngay sau khi sạ cho đến khi cây lúa được 30 ngày tuổi, hoạt động chủ yếu vào sáng sớm, chập tối và ban đêm. Còn đối với phòng trừ chuột, nông dân diệt chuột trước khi gieo sạ, tranh thủ các đợt mưa lụt, chuột tập trung tại các gò, bờ ruộng cao để diệt trừ.

Ông Nguyễn Văm Minh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên khuyến cáo, các địa phương cần vận động nhân dân tiến hành sớm các khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng, cày dầm, vùi lấp gốc rạ, cỏ dại, lúa chét, lúa cỏ và thu dọn tàn dư thực vật nhằm tiêu diệt mầm mống sâu bệnh, hạn chế lây lan sang vụ sau.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, vụ lúa đông xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh gieo sạ 26.500ha. Khu vực chủ động tưới trong hệ thống thuỷ nông các hồ đập, tập trung gieo sạ từ ngày 20/12 đến 10/1/2023. Tùy theo thời gian sinh trưởng của từng giống lúa và điều kiện cụ thể, bố trí gieo sạ gọn, tập trung theo từng vùng để thu hoạch lúa khoảng trung tuần tháng 4/2023. Các khu vực cao, ngoài hệ thống thuỷ nông các hồ đập thuộc các huyện Tuy An, Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Thị xã Sông Cầu có thể tiến hành gieo sạ từ đầu tháng 12/2022.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.