Về thôn Văn Giáo, xã Quảng Phúc (Quảng Xương, Thanh Hóa) những ngày đầu năm Nhâm Dần 2022, trái ngược với không khí người người nhà nhà hồ hởi du xuân, đón Tết, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hiệp vẫn cần mẫn chăm sóc đàn thỏ New Zealand của mình cùng với ước vọng về một năm mới đủ đầy, thịnh vượng từ nguồn thu nhập mà loài vật nuôi này mang lại.
Anh Hiệp chia sẻ: Anh là con thứ hai trong gia đình thuần nông, đông người, mặc dù bố mẹ lao động vất vả nhưng luôn trong tình trạng “chưa ráo mồ hôi đã hết tiền”. Trước thực tế đó, sau khi tốt nghiệp THPT, anh đã quyết định dừng việc học lên cao, đi làm đỡ đần bố mẹ. Tuy nhiên, qua thời gian bôn ba với nhiều ngành nghề khác nhau nhưng thu nhập vẫn ít ỏi, bấp bênh, anh quyết định trở về quê hương tìm cách làm giàu trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.
Nhận thấy diện tích đất vườn của gia đình rộng, trồng lạc, ngô… đều không mang lại hiệu quả, anh đã tiến hành cải tạo, phát triển chăn nuôi.
Đầu năm 2020, anh biết đến giống thỏ New Zealand, một giống thỏ nhập nội, dễ nuôi, thích nghi tốt với khí hậu Việt Nam, có khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, được thị trường ưa chuộng… Với số vốn tích cóp được, anh vay mượn thêm từ người thân, bạn bè mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng nuôi thỏ với diện tích gần 300 m2.
Anh Hiệp cho biết: Giai đoạn bắt đầu nuôi gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm. Thỏ nuôi mãi không lớn, hay mắc bệnh tiêu chảy, lông thỏ không được óng mượt, việc xử lý phân, nước thải chưa tốt nên khu vực nuôi rất nhiều mùi hôi ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường xung quanh…
Để khắc phục tình trạng đó, anh đã mày mò tìm hiểu thông tin qua các sách dạy kỹ thuật nuôi thỏ, mạng xã hội, báo chí, truyền hình… Nghe thấy ở đâu có trang trại, mô hình nuôi thỏ thành công trong và ngoài tỉnh anh lại lặn lội tìm đến học hỏi kinh nghiệm.
Sau thời gian kiên trì, miệt mài tích lũy, kiến thức nuôi thỏ của anh ngày càng thuần thục, đàn thỏ phát triển khỏe mạnh, tỷ lệ sinh sản của các cặp thỏ bố mẹ tăng cao. Từ đó, anh đã chủ động được con giống, việc nuôi gối đàn cũng trở nên thuận lợi hơn.
Theo anh Hiệp, yếu tố cốt lõi để đảm bảo nuôi thỏ New Zealand thành công là khâu giống và phòng bệnh cho thỏ phải được đặc biệt lưu ý. Về chuồng nuôi, luôn phải duy trì sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp về mùa đông. Bên cạnh đó, lượng nước tiểu của thỏ rất nhiều nên anh phải lắp đặt hệ thống băng tải để xử lý liên tục trong ngày. Sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phân, giảm mùi hôi, đều đặn hàng tuần phun cồn sát khuẩn chuồng trại…
“Thỏ thường mắc các bệnh ngoài da, đường ruột…, nếu không phòng bệnh tốt, khi thỏ mắc bệnh, việc chữa trị vừa tốn kém, thỏ vừa chậm lớn. Thậm chí, nếu không xử lý kịp thời, thỏ có thể chết trong thời gian rất ngắn”, anh Hiệp cho hay.
Về thức ăn, thỏ New Zealand là loài ăn tạp, thức ăn đa dạng. Tuy nhiên, lượng thức ăn chỉ bằng 30 - 40% trọng lượng cơ thể, thức ăn thừa của thỏ cần loại bỏ và thay bằng thức ăn mới để tránh ôi thiu ẩm mốc làm thỏ dễ mắc bệnh tiêu chảy.
Về nước uống, phải sử dụng nước sạch và được thay liên tục hàng ngày. Nhiều người cho rằng thỏ không cần uống nước là sai lầm vì nước rất cần cho trao đổi chất, tuy nhiên cần tuân thủ lượng vừa phải.
“Thỏ chết không phải là do uống nước, ăn rau cỏ ướt mà do uống phải nước bẩn, ăn rau bị nhiễm độc”, anh Hiệp cho biết kinh nghiệm
Anh Hiệp thông tin thêm, để tiết kiệm diện tích, tăng số lượng lồng nuôi, anh đã thiết kế lồng nuôi thành 2 tầng. Thời kỳ cao điểm chuồng nuôi của anh luôn duy trì từ 1.000 - 1.200 thỏ các loại. Hiện, do tình hình dịch bệnh Covid-19, để giảm áp lực tiêu thụ trước sự biến động thất thường của thị trường, anh đã chủ động duy trì đàn từ 250 - 300 thỏ thịt, 150 thỏ giống.
Trung bình một thỏ mẹ New Zealand sinh sản từ 6 - 9 lứa/năm, mỗi lứa khoảng 7 - 10 con. Thỏ con sau khi nuôi hơn 3 tháng sẽ đạt trọng lượng bình quân 2,3 - 2,5kg/con là có thể xuất bán.
Hiện tại, trung bình mỗi tháng anh xuất bán 6 tạ thỏ thịt với giá bán từ 75.000 - 85.000 đồng/kg, bán lẻ có thể đạt 100.000 - 110.000 đồng/kg. Ngoài ra anh còn bán thỏ giống với giá thành 140.000 - 150.000 đồng/cặp 2 con. Sau khi trừ đi chi phí, anh thu về từ 15 - 17 triệu đồng/tháng.
Mặc dù thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nói chung, thỏ nói riêng chịu tác động không nhỏ của dịch Covid-19, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhưng ưu điểm là khả năng quay vòng vốn nhanh, sản phẩm chế biến từ thỏ được người tiêu dùng đánh giá rất cao nên việc nuôi thỏ vẫn có lãi khá. Thời gian tới, khi thị trường tiêu thụ ổn định, tình hình chắc chắn sẽ thuận lợi hơn.
Anh Hiệp cũng chuẩn bị sẵn sàng để mở rộng diện tích chuồng nuôi, tăng đàn, đảm bảo nguồn cung liên tục cho thị trường...