Theo Reuters, đậu nành được xếp ở vị trí thứ hai trong “top 5” mặt hàng chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, cùng với đồng, quặng sắt, dầu thô và vàng.
Giới phân tích cho rằng, bột đậu nành sẽ được coi là mặt hàng nông sản hàng đầu của năm 2021, khi nhu cầu dự kiến sẽ tăng cao nhờ đàn lợn đang phục hồi nhanh chóng sau sự tàn phá do dịch tả lợn châu Phi gây ra vào các năm 2018 và 2019.
“Ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng và phục hồi và giá lợn hơi vẫn ở mức tương đối cao, đồng nghĩa với việc các cơ sở chăn nuôi mới sẽ tiếp tục bùng nổ, mặc dù lượng nhập khẩu đậu tương trong năm 2020 đã ghi nhận mức kỷ lục”, chuyên gia phân tích cấp cao StoneX của hãng Darin Friedrichs cho biết.
“Theo đó việc chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang các trang trại quy mô lớn khi Trung Quốc tái cấu trúc ngành chăn nuôi lợn sẽ đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ bột đậu nành tăng lên”, vị này dự báo.
Trước đó, báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng cho biết, sự phục hồi của ngành chăn nuôi lợn và gia cầm Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đậu nành tại nền kinh tế này tăng nhanh trong năm 2021.
Dự kiến trong năm tới Trung Quốc sẽ phải cần tối thiểu 18 triệu tấn đậu nành để sử dụng cho ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến dầu ăn, bất chấp sản xuất trong nước được dự báo cũng sẽ tăng 0,7 triệu tấn trong năm tới do mở rộng thêm 0,4 triệu ha và tổng diện tích đậu tương cả nước sẽ đạt 9,5 triệu ha.
Những năm trước đây hoạt động nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc thường tăng mạnh vào ba tháng cuối năm, và nguồn hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn là Mỹ và Brazil.
Tuy nhiên, do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung nên trong năm 2020, kim ngạch nhập khẩu đậu tương từ Mỹ của Trung Quốc đã chựng lại trong nửa đầu năm. Theo số liệu từ Mỹ, các giao dịch mua đậu tương của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay chỉ đạt tổng giá trị 7,274 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 36,5 tỷ USD/năm được hứa hẹn trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.