| Hotline: 0983.970.780

Dân nuôi lợn Trung Quốc vật lộn vì giá đậu nành tăng đột biến

Thứ Ba 12/05/2020 , 07:28 (GMT+7)

Cách nay vài tháng, ông Fang Xinlun còn lo tìm cách bảo vệ đàn lợn 4.000 con khỏi dịch tả châu Phi nhưng giờ lại tiếp tục điêu đứng bởi đại dịch Covid-19.

Đang tái đàn mạnh thì gặp Covid-19

Nỗi lo dịch tả lợn đã khiến ông Fang (chủ một trại lợn ở Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam) cấm tiệt cả người nhà hoặc bạn bè bén mảng đến khu vực trang trại của mình, thậm chí ông còn không dám đi ăn hàng vì sợ lại tha dịch về cho lợn. Nhưng hiện nay ông Fang cũng như những hộ chăn nuôi lợn khác còn đối mặt với một thách thức mới và gay go hơn nhiều là giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt do đậu nành, nguyên liệu chính phải nhập khẩu bị gián đoạn cung- cầu vì coronavirus.

Người chăn nuôi lợn ở Trung Quốc đang tái đàn mạnh sau dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Reuters

Người chăn nuôi lợn ở Trung Quốc đang tái đàn mạnh sau dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Reuters

Theo ông Fang, kể từ tháng Tư đến nay giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 5%, mức tăng đủ khiến cho những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ như ông cảm thấy bất an. Hiện trại lợn của ông Fang mỗi tháng xuất chuồng khoảng 300 con lợn với giá khoảng 32 nhân dân tệ, tương đương 4,50 USD/cân hơi. Nếu như mọi việc diễn ra suôn sẻ thì năm nay đàn lợn của gia đình sẽ mang về khoảng 10 triệu tệ (1,4 triệu USD) nhưng tương lai nghề này ngày càng không chắc chắn.

“Giá thức ăn chăn nuôi dự kiến ​​sẽ còn tăng và bất ổn trong những tháng tới cùng với chi phí nhân công tăng theo”, ông Fang lo lắng.

Hồi tháng trước, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã cảnh báo về việc tăng giá thức ăn cho lợn do nguồn cung đậu nành và ngô bị thắt chặt. Giá đậu tương tại thị trường Trung Quốc đã tăng 22%, từ 4.100 tệ lên 5.000 tệ mỗi tấn vào tháng 3.

Chuyên gia phân tích cao cấp về protein động vật Pan Chenjun thuộc ngân hàng Rabobank, cho biết sự tăng vọt của giá đậu tương ở Trung Quốc là do mất cân bằng giữa cung và cầu cũng như sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu do coronavirus gây ra. Theo thống kê của freetrade.com.cn, trang web do Trung tâm công nghiệp thức ăn chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp điều hành, hiện Trung Quốc vẫn phải lệ thuộc nhập khẩu tới trên 80% đậu tương từ nước ngoài.

“Rất khó để dự đoán xu hướng giá cao sẽ còn kéo dài trong bao lâu, đặc biệt là khi các mặt hàng này ở mãi tận Nam Mỹ và Mỹ vẫn đang bị ảnh hưởng từ các lệnh giới hạn xuất khẩu đã tác động đến thương mại toàn cầu”, ông Pan nói.

Darren Cooper, chuyên gia kinh tế cao cấp của công ty nghiên cứu ngũ cốc quốc tế có trụ sở tại Anh cho biết, Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi “hiệu ứng trễ” do các lô hàng đậu nành bị gián đoạn do mùa mưa ở Brazil, trong khi nguồn cung trong nước khan hiếm đẩy giá lên cao.

Tổng kho dự trữ ngũ cốc quốc gia Trung Quốc Sinograin đã phải xuất 500.000 tấn đậu nành vào tháng trước cung cấp cho các khu vực chăn nuôi thuộc sở hữu nhà nước để duy trì sản lượng trong khi chờ hàng nhập khẩu từ Brazil bị chậm trễ về nước. Theo Reuters, có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc đã tăng cường đi mua gom hàng từ các quốc gia khác ngoài Brazil trong nhiều tuần qua.

“Trong tháng Tư, lượng xuất khẩu đậu nành của Brazil  đạt 16,3 triệu tấn ngay giữa mùa dịch coronavirus và chủ yếu sang Trung Quốc. Lượng nhập đậu tương của Trung Quốc trong quý 1 năm nay đã tăng 6,2% so với cùng kỳ lên 17,792 triệu tấn nhưng trong tháng Ba chỉ có 4,28 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2015”, theo số liệu hải quan.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong quý 1/2020 Trung Quốc chỉ mua 882.000 tấn đậu tương của nước này, mặc dù Mỹ hiện vẫn là nhà cung cấp đậu tương lớn thứ hai thế giới. Như vậy con số này đã giảm đáng kể so với mức 6,21 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, nhu cầu đậu tương của Trung Quốc tăng cao là do hoạt động tái đàn lợn sau đợt dịch tả kéo dài đang phục hồi nhanh chóng. Trong khi cơ cấu đậu nành trong tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc chiếm tới 83%, còn lại là các sản phẩm phụ trợ…

Dịch tả lợn châu Phi đã làm thiệt hại tới 60% tổng đàn lợn của Trung Quốc trong năm 2019 kéo theo nhu cầu tiêu thụ đậu nành cũng như nhiều loại ngũ cốc giảm mạnh nhưng việc chăn nuôi đang phục hồi trở lại thì gặp đại dịch Covid-19 lại gây ra những khó khăn khác.

Thương chiến bị khơi lại

Trong diễn biến khác, theo các điều khoản của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một, trong đó bao gồm việc Bắc Kinh dự kiến ​​sẽ mua lại khối lượng lớn đậu nành từ đối tác thuộc gói hàng hóa và dịch vụ Mỹ trị giá 200 tỉ USD trong 2 năm 2020- 2021 nhưng sự cù nhây của Trung Quốc đã khiến Tổng thống Donald Trump hôm 6/5 nổi giận dọa hủy thỏa thuận này.

Bất chấp nhu cầu đậu tương trong nước bị thiếu hụt nhưng Trung Quốc vẫn dè dặt nhập khẩu mặt hàng này từ Mỹ. Ảnh: AP

Bất chấp nhu cầu đậu tương trong nước bị thiếu hụt nhưng Trung Quốc vẫn dè dặt nhập khẩu mặt hàng này từ Mỹ. Ảnh: AP

Theo cam kết giữa đôi bên, Bắc Kinh sẽ phải mua ít nhất 76,7 tỉ USD hàng hóa của Mỹ trong năm nay, tuy nhiên kể từ đầu năm đến nay lượng nhập khẩu của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ lại bị giảm 5,9% so với năm ngoái. Cụ thể, mức giảm là 11,1% trong tháng 4 và 85,5% trong tháng 3, trong khi lượng nhập từ các quốc gia khác lại tăng lên- điều khiến ông Trump không hài lòng.

Theo giới quan sát, từ tháng 4 đến 5/5, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đặt mua tới 1,41 triệu tấn đậu nành của Mỹ nhưng hiện mới chỉ đạt tổng cộng trên 10.000 tấn, con số chưa bằng 1/10 so của cùng kỳ năm ngoái. Bắc Kinh viện cớ rằng Covid-19 chính là nguyên nhân khiến Trung Quốc bị "xao lãng" việc thực thi cam kết với Mỹ.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Hàng nghìn người Trung Quốc mua phải vàng giả trên mạng

Giá vàng tăng vọt trong thời gian qua đã gây ra một cơn sốt vàng thỏi, cùng với đó là số vụ lừa đảo bán vàng giả ở Trung Quốc.