| Hotline: 0983.970.780

Đầu ra dưa hấu vẫn ổn định trong mùa dịch

Thứ Hai 06/04/2020 , 13:15 (GMT+7)

Đang bước vào vụ thu hoạch lại đúng thời gian căng thẳng của dịch Covid-19, tuy nhiên người trồng dưa hấu ở Quảng Nam đã bớt lo âu vì dưa vẫn bán được.

Hiện nay, người trồng dưa ở huyện Phú Ninh đã bước vào vụ thu hoạch. Ảnh: Lê Khánh.

Hiện nay, người trồng dưa ở huyện Phú Ninh đã bước vào vụ thu hoạch. Ảnh: Lê Khánh.

Vào thời điểm này, người trồng dưa hấu ở huyện Phú Ninh đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Năm nay, toàn huyện trồng gần 300ha dưa hấu ở các xã Tam Phước, Tam Lộc, thị trấn Phú Thịnh…

Vụ dưa hấu này, người dân xuống giống và thu hoạch trong thời gian dịch Ccovid-19 nên không ít hộ tỏ ra lo lắng việc tiêu thụ.

Ông Nguyễn Nguyên (trú thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh) cho biết, vào đầu vụ, gia đình ông đã xuống giống hơn 4 sào dưa hấu.

Tuy nhiên, vì lo ngại dịch bệnh Covid-19, dưa sẽ không bán được, sợ ảnh hưởng đến kinh tế nên ông quyết định nhổ bỏ 3 sào dưa để trồng các loại cây khác, chỉ còn lại hơn 1 sào và bây giờ đang tiến hành thu hoạch.

Cũng theo ông Nguyên, so với năm ngoái thì dưa năm nay mặc dù trọng lượng trái nhỏ hơn nhưng chất lượng trái cũng rất tốt, năng suất cũng ổn định. Hơn 1 sào của gia đình ông thu được khoảng 1,4 tấn dưa. Vừa qua, thương lái đến ruộng nhà ông đặt mua hết toàn bộ số dưa với giá 5.000 đồng/kg.

Năng suất dưa năm nay tại huyện Phú Ninh đạt khoảng 26 – 27 tấn/ha. Ảnh: Lê Khánh.

Năng suất dưa năm nay tại huyện Phú Ninh đạt khoảng 26 – 27 tấn/ha. Ảnh: Lê Khánh.

“Lúc đầu tôi cứ sợ rằng dịch như thế này thì chắc không có ai đến mua dưa nhưng khi ruộng nhà tôi đến lúc thu hoạch thì họ đã tới hỏi mua và đặt tiền cọc trước, phần nào giúp người dân chúng tôi yên tâm. Thời điểm này giá dưa như vậy là cũng được rồi, trừ chi phí cũng có lãi một ít”, ông Nguyên nói.

Theo người dân địa phương, toàn bộ số dưa thu hoạch của bà con nông dân trong huyện Phú Ninh đều được các thương lái thu mua hết.

Nếu như năm ngoái, dưa đầu vụ thường có giá từ 6.500 – 7.000 đồng/kg thì năm nay dưa hạ xuống 2 giá còn 4.500 – 5.000 đồng/kg, ở mức trung bình.

Mức giá được thương lái thu mua dưa trả cho nông dân từ 4.500 – 5.000 đồng/kg. Ảnh: Lê Khánh.

Mức giá được thương lái thu mua dưa trả cho nông dân từ 4.500 – 5.000 đồng/kg. Ảnh: Lê Khánh.

Với mức giá này, tính bình quân mỗi sào sau khi trừ chi phí thì người trồng dưa cũng lãi vài triệu đồng, cao hơn so với trồng lúa.

Gia đình anh Nguyễn Văn Liến (trú thị trấn Phú Thịnh), vụ dưa năm nay trồng 6 sào. Hiện các ruộng dưa đang bắt đầu thu hoạch, thương lái đã đến liên hệ với anh để mua 1 sào dưa đầu tiên.

“Mỗi sào, tính tất cả chi phí cũng hết tầm 2 triệu đồng. Sào dưa của tôi vừa rồi thu hoạch được 1,3 tấn và được thương lái thu mua với giá 4.500 đồng/kg nên lãi gần 4 triệu đồng/sào.

Với diện tích dưa của nhà tôi thì khoảng 10 ngày nữa sẽ thu hoạch xong. Hy vọng là trong tình hình dịch bệnh như thế này giá dưa vẫn ổn định để người trồng dưa khỏi chịu thiệt hại”, anh Liến chia sẻ.

Trao đổi với PV, ông Võ Thanh Anh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Ninh cho biết, dưa hấu trên địa bàn huyện Phú Ninh vẫn bán được do phía Trung Quốc vẫn còn mở cửa khẩu. Bình thường, vào buổi chiều, các thương lái đến đặt cọc mua dưa để sáng hôm sau người dân thu hoạch và chuyển lên xe.

“Năng suất dưa năm nay của địa phương đạt khoảng 26 – 27 tấn/ha. Hiện nay, diện tích dưa của địa phương đã thu hoạch được hơn 50%.

Mỗi ngày, người dân xuất bán cho thương lái khoảng hơn 100 tấn với giá thu mua thấp nhất là 4.500 đồng/kg. Dự kiến, hơn 10 ngày nữa thì diện tích dưa sẽ thu hoạch hết”, ông Anh nói.

Xem thêm
Ứng dụng ruồi lính đen trong chăn nuôi: [Bài 1] Tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn bền vững

Ruồi lính đen không chỉ mở ra cho ngành chăn nuôi nhiều cơ hội về nguồn thức ăn ổn định, mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn phế phụ phẩm.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.