| Hotline: 0983.970.780

Đâu rồi vườn nhãn cổ Bạc Liêu?

Thứ Ba 03/02/2009 , 09:30 (GMT+7)

Cách trung tâm thị xã Bạc Liêu 6km về hướng biển, trên con đường nhựa Cao Văn Lầu, về phía trái chính là vườn nhãn cổ Bạc Liêu...

Cách trung tâm thị xã Bạc Liêu 6km về hướng biển, trên con đường nhựa sạch đẹp mang tên cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, người sáng tác bản Dạ cổ Hoài Lang, phía tay phải là sân chim Bạc Liêu, về phía trái là đến vườn nhãn Bạc Liêu - điểm thu hút khách phương xa đến tham quan… Trong đó, có khu vườn nhãn cổ đến nay đã trên trăm tuổi là niềm tự hào của người dân địa phương.

Vườn nhãn cổ Bạc Liêu rộng khoảng 230 ha, chạy dài trên 11km đi qua 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông (thuộc thị xã Bạc Liêu). Ngày trước vùng này là đất giồng cát được hình thành qua quá trình bồi lắng của thiên nhiên và do con người đắp đê lấn biển. Đây là loại đất có độ thoát thủy tốt, mực thủy cấp sâu, tầng canh tác dày... được đánh giá khá thích hợp cho việc trồng cây ăn trái và các loại hoa màu. Các cụ già kể lại, ông Trương Hưng (người Hoa) là người đầu tiên mang 2 giống nhãn Su-bíc và Tu-huýt từ Trung Quốc sang trồng trên đất giồng cát Bạc Liêu.

Giống Su-bíc cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, rất thơm và ngọt. Còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt. Cả 2 giống nhãn đều thích nghi và phát triển rất tốt trên đất giồng cát, nhất là giống Su-bíc được nhiều người ưa chuộng. Thế là nhiều người nhân rộng diện tích nhãn Su-bíc. Từ Hiệp Thành qua Vĩnh Trạch Đông nơi nào có đất giồng cát là có nhãn mọc lên. Chưa hết, người dân xứ biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng) thấy giống nhãn này thơm ngon, nên cũng qua tìm giống mang về Vĩnh Châu trồng thử.

Tại ấp Chòm Xoài, xã Hiệp Thành (quê hương xứ nhãn) có vườn nhãn của gia đình ông Trương Kiết (hậu duệ đời thứ ba của ông Trương Hưng) rộng đến 3ha, lớn nhất ở Hiệp Thành. Khu vườn do các cụ đời trước trồng để lại, đến nay tuổi thọ đã trên trăm năm. Tại đây có một cây nhãn do cụ Trương Hưng trồng đầu tiên, giờ trở thành cây nhãn cổ thụ gốc to 2 người ôm không xuể. Ông Trương Kiết xem cây nhãn này như là báu vật của ông bà để lại, hàng ngày ra vào chăm sóc chu đáo.

Trước đây, cả khu vực trồng nhãn không có nước tưới, bởi phía trước là biển còn sau lưng là đất giồng cát. Cây nhãn phải sống nhờ vào nước mưa nhưng vẫn xanh tốt và ra hoa kết trái sum suê, hàng năm cứ đến tháng 5 là nhãn trổ bông và sau 4 tháng bắt đầu thu hoạch; mỗi năm chỉ có duy nhất 1 vụ. Từ năm 1965 đến nay, người dân Hiệp Thành làm được hệ thống nước tưới bằng giếng khoan, từ đó chủ động lịch thời vụ cho nhãn ra trái sớm hơn.

Theo ước tính của những người trồng nhãn, trung bình 1 cây nhãn cổ có thể cho đến 300-400kg/vụ. Những năm nhãn được giá từ 8.000-10.000 đồng/kg trở lên thì nhiều hộ trồng nhãn có mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, thậm chí có hộ đạt đến cả trăm triệu đồng. Bà Quách Thị Hân ở ấp Xiêm Cán, xã Vĩnh Trạch Đông cho biết: “Những năm gần đây giá nhãn trên thị trường liên tục bị rớt, cộng với sự già cỗi, thoái hóa, giống bị lẫn tạp và thường xuyên bị sâu bệnh tấn công làm cho năng suất giảm dần. Hiệu quả kinh tế thấp, hàng loạt nhà vườn đốn bỏ nhãn cổ để chuyển sang trồng các loại cây khác...”.

Nếu như mười năm trước đây, vào những ngày Tết Nguyên đán, Lễ Đoan Ngọ, Trung thu… vườn nhãn dập dìu du khách trong và ngoài nước, nay thì số lượng đến với vườn nhãn Bạc Liêu rất ít. Nguyên nhân chính là vườn nhãn bị thu hẹp dần, đìu hiu, xơ xác. Ngay cả vườn nhãn cổ của ông Trương Kiết cũng đã phá bỏ hơn 50% diện tích. Nhiều vườn không ai chăm sóc, chết gần hết.

Khôi phục và giữ lại vườn nhãn cổ Bạc Liêu đang là vấn đề cấp bách. Rất may gần đây có khoảng 15 hộ ở Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông đã tự thiết kế lại vườn nhãn cổ. Tại đây, vườn nhãn cao, thoáng mát và diện tích rộng thích hợp làm nơi cắm trại, dã ngoại, nghỉ ngơi... nhất là du khách ở các tỉnh xa thường đến vào mùa hè để thưởng thức nhãn cổ Bạc Liêu chín rộ.

Xem thêm
Rét đậm rét hại, người chăn nuôi vẫn yên tâm

HÀ TĨNH Những ngày này, Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm, rét hại nhưng người chăn nuôi vẫn yên tâm vì đã sớm chủ động nhiều giải pháp phòng chống đói rét cho vật nuôi.

Đã rõ nguyên nhân hàng chục con trâu bò chết tại Quảng Trị

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã xác định được nguyên nhân khiến hàng chục con trâu bò chết bất thường. Số lượng trâu bò chết vẫn chưa dừng lại.

Trên 3,5 nghìn ha lúa đông xuân bị ngập úng

QUẢNG TRỊ Tính đến trưa 9/2, Quảng Trị có gần 3.550ha lúa đông xuân đang giai đoạn đẻ nhánh bị ngập úng từ 20 – 30cm, nơi sâu trên 40cm.

Viện KHKT nông nghiệp miền Nam ký hợp tác với ngành nông nghiệp Đồng Nai

ĐỒNG NAI Trong không khí đầu năm mới, Viện KHKT nông nghiệp miền Nam và Sở NN-PTNT Đồng Nai tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm giúp tỉnh phát triển sản xuất nông nghiệp.

Bình luận mới nhất