Ông Lê Văn Tân, Trường Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho hay, toàn huyện hiện có gần 900ha lúa vụ đông xuân chưa gieo cấy được. “Từ ngày mồng 6 Tết, nông dân các địa phương đã hối hả ra đồng gieo cấy, phấn đấu đến 15/2 phải hoàn thành xong diện tích này để đảm bảo lịch thời vụ”, ông Tân nói.
Nóng lòng đợi nước rút
Vụ đông xuân năm nay, tỉnh Quảng Bình gieo cấy trên 29.000ha với các giống lúa thuần được cơ cấu chính như VNR20, Hà Phát 3, P6, HN6, QS88, PC6, QC03, VN20…
![Từ ngày mồng 6 Tết, các trạm bơm ở cánh đồng Hoa Thủy đã chạy hết công suất để tiêu úng. Ảnh: T. Đức.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/z6296347446596_66a533c814a23275d7ad02da3264e922-200156_120-011904.jpg)
Từ ngày mồng 6 Tết, các trạm bơm ở cánh đồng Hoa Thủy đã chạy hết công suất để tiêu úng. Ảnh: T. Đức.
Lịch thời vụ gieo các giống ở trà sớm bắt đầu từ 25/12 và trà muộn bắt đầu từ 25/1/2025. Tuy nhiên do thời tiết bất lợi nên có một phần diện tích ruộng sâu tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh… chưa gieo cấy được. Trong đó, diện tích gieo cấy muộn chủ yếu tập trung tại huyện Lệ Thủy (900ha) và Quảng Ninh (400ha).
Theo ông Lê Văn Tân, Trưởng Phòng NN-PTNT Lệ Thủy, nguyên nhân do giai đoạn cuối năm 2024 thời tiết mưa lạnh kéo dài, những vùng ruộng sâu không thể tiết nước được nên nông dân không thể gieo cấy. Đến thời điểm này nước rút, các địa phương đấu máy bơm để nước ruộng cạn nhanh hơn, kịp vụ xuống giống.
Vùng ruộng thấp quanh phá Hạc Hải là “rốn” cuối cùng của vụ đông xuân ở Quảng Bình. Những cánh đồng bao quanh phá có tổng diện tích khoảng 1.300ha. Trong đó, diện tích lớn nhất thuộc các xã Hồng Thủy, Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy), mỗi xã khoảng 400ha và Gia Ninh, Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh) mỗi xã khoảng 200ha. Ngoài ra còn có xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) với diện tích khoảng 100ha.
Chúng tôi về xã Hồng Thủy, nơi có diện tích lúa chưa gieo cấy lớn. Theo ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã, do triều cường và mưa kéo dài nên nước trên đồng rút rất chậm. Trong khi đó, hệ thống đê bao Thượng Mỹ Trung bị xuống cấp do những trận lũ các năm trước chưa được khắc phục hết nên việc bơm tiết nước gặp khó khăn.
![Máy bừa, lồng được huy động để khẩn trương làm đất. Ảnh: T. Đức.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/z6296347698315_1e4d98c7bc47c4c00674cffa40e032c8-200249_725-011904.jpg)
Máy bừa, lồng được huy động để khẩn trương làm đất. Ảnh: T. Đức.
“Phải đợi khi triều thấp mới đấu bơm đẩy nước ra đồng được. Hiện chúng tôi đang huy động máy bừa, lồng làm đất. Khâu làm đất xong đến đâu bà con xuống giống đến đó. Vừa ra Tết, con em lao động ở các tỉnh phía Nam chưa trở vào đã tham gia làm đồng nên khoảng chục ngày là cơ bản gieo cấy xong”, ông Huấn chia sẻ.
Những năm trước, xã Hoa Thủy đều cơ bản xuống giống trước Tết Nguyên Đán. Năm nay do nước lớn nên hơn 400ha phải đợi sau Tết mới triển khai làm đất. Ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy cho hay, thời tiết bất lợi nên gieo cấy vụ đông xuân kéo dài, chậm so với thời vụ khoảng 15 ngày.
“Chúng tôi đang chỉ đạo các hợp tác xã chống úng, khẩn trương làm đất để kịp xuống giống. Phấn đấu phải gieo hết diện tích trước ngày 15/2”, ông Hòa nói thêm.
![Đàn cò trắng bay theo máy bừa, lồng trên cánh đồng Hói Định. Ảnh: T. Đức.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/z6296347921145_a4b87cd98846567aba55a29c32b1af70-200307_905-011905.jpg)
Đàn cò trắng bay theo máy bừa, lồng trên cánh đồng Hói Định. Ảnh: T. Đức.
Trên cánh đồng ngoài của Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Bắc (xã Hoa Thủy), tiếng máy bơm điện xả nước rào rào như thác đổ. Ông Hoàng Văn Dinh, Giám đốc Hợp tác xã thường xuyên có mặt trên cánh đồng để chỉ đạo việc bơm tiêu úng và điều động máy cày, bừa bánh lồng khẩn trương hoàn thành khâu làm đất.
Ông Dinh cho hay, chưa năm nào gặp khó trong sản xuất vụ đông xuân như năm nay. Hiện diện tích ruộng của Hợp tác xã còn khoảng 150ha chưa xuống giống được. “Nước cạn đến đâu chúng tôi huy động máy cơ giới hoàn thành khâu làm đến đến đó gieo cấy luôn để kịp thời vụ. Những ngày này có mưa rét nhưng bà con vẫn hối hả ra đồng, không chậm trễ thêm được nữa”, ông Dinh cho hay.
Đấu úng, đưa công nghệ bay vào đồng ruộng
Thời tiết sau Tết Nguyên Đán lúc hửng lúc mưa rét cũng không cản được nông dân xuống đồng.
Ở vùng ruộng Hói Định, bà con thôn Mộc Định (xã Hồng Thủy) vừa tranh thủ gieo sạ xong, bên kia con đê là nơi mấy chiếc mày bừa, lồng đang chạy hết công suất trên cánh đồng còn mênh mông nước. Một đàn cò trắng mấy trăm con bay rập rờn lúc nhanh, lúc chậm theo máy bừa để kiếm mồi.
Ông Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hồng Thủy ngày nào cũng có mặt trên cánh đồng để trực tiếp chỉ đạo sản xuất nói với chúng tôi: “Đàn cò này mấy năm nay cứ sau Tết là về cánh đồng và ngày càng đông hơn. Bà con cũng hết mình để bảo vệ đàn cò này”.
![Đưa thiết bị bay vào cánh đồng xã Hoa Thủy . Ảnh: T. Đức.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/z6296348254280_9a46b9a9d56739f7cc5733d1cf21017f-200344_334-011905.jpg)
Đưa thiết bị bay vào cánh đồng xã Hoa Thủy . Ảnh: T. Đức.
Vùng đồng rộng gần trăm ha này được bao bọc bởi tuyến đê Thượng Mỹ Trung, mấy trạm máy bơm đang được nghỉ ngơi sau những ngày chạy hết tốc lực cả ngày lẫn đêm để tiêu úng. “Khi nước hạ đến mức chạy được máy bừa, lồng thì máy bơm dừng. Sau khi xong khâu làm đất thì tiếp tục bơm cạn nước để bà con gieo. Lúc này cũng để bùn phù sa lắng đọng lại ruộng chứ bơm thì phù sa này trôi ra sông hết”, ông Ngọ lý giải.
Buổi sáng, trời mưa rét, trong màn sương mù, nông dân xã Hồng Thủy đã có mặt sớm trên những cánh đồng vừa được máy bừa, lồng xong. Ông Phạm Văn Hòa (xã Hồng Thủy) lội ruộng dùng cuốc vét rãnh giữa vạt ruộng đã được bơm cạn nước. “Sau khi vét xong thì gieo sạ. Những rãnh này có tác dụng tiêu úng để ruộng khô ráo và hạt giống bật mầm nhanh, tỷ lệ nảy mầm cao hơn”, ông Hòa giải thích.
Ở vùng đồng xã Hoa Thủy bà con cũng đang hối hả không kém. Hoàng Văn Dinh, Giám đốc Hợp tác xã tất bật không kém bà con nông dân. “Làm nông nghiệp mà các khâu cứ cuốn chiếu theo quy trình như công nghiệp. Ngày nào cũng canh nước trên sông Kiến Giang, khi nước hạ thấp là đấu máy bơm rút nước trong nội đồng ngay. Nước vừa cạn là xua máy cày xuống ruộng, xong làm đất bà con hố hả be rãnh tiêu nước trước khi gieo. Vì vậy mà trên cánh đồng chỗ máy đang bơm, nơi máy cày, lồng xuôi ngược, chỗ thiết bị bay rải phân, gieo sạ chao liệng trên bầu trời", ông Thủy chia sẻ.
![Nông dân phấn đấu hoàn thành gieo cấy trước ngày 15/2 để đảm bảo lịch nông vụ. Ảnh: T. Đức.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/10/z6296348483561_b7c69f51884ee1e6c2f6824eafa49afb-200402_350-011905.jpg)
Nông dân phấn đấu hoàn thành gieo cấy trước ngày 15/2 để đảm bảo lịch nông vụ. Ảnh: T. Đức.
Những ngày nắng hửng, ông Dinh hợp đồng với bên dịch vụ cho thiết bị bay ra đồng để rải phân, gieo sạ. Những ngày trời mưa gió, máy không bay được thì bà con xuống ruộng gieo thủ công theo kinh nghiệm. “Phải tính toán từng chút để đẩy nhanh tiến độ gieo cho kịp lịch nông vụ. Dù đã muộn nhưng không thể cho muộn hơn được nữa. Nếu vùng Thượng Mỹ Trung này có hệ thống đê bao, máy bơm đảm bảo thì việc sản xuất của bà con sẽ thuận lợi hơn nhiều”, ông Dinh bộc bạch thêm.
Cũng ra đồng từ sớm, ông Nguyễn Thế Sự (xã Hoa Thủy) nhìn vạt ruộng gần 1ha của gia đình cho biết hôm trước mới bừa, lồng xong, hôm qua thiết bị bay rải phân, ngày mai cho bay gieo sạ. “Nếu thời tiết mưa gió máy bay không đảm bảo được độ đều gieo hạt thì kêu người gieo thủ công. Kiểu gì cũng phải gieo xong, “khóa” vụ đông xuân trước ngày 15/2 này”, ông Sự nói.
Theo anh Trần Mạnh Hùng, cán bộ nông nghiệp xã Hồng Thủy, do thời tiết có mưa rét kéo dài nên làm chậm thời vụ. Những bộ giống đã được đưa vào sản xuất là giống ngắn ngày (125 - 135 ngày) như MHC2, VT404, Phú Ưu 978, VNR20, Thụy Hương…