| Hotline: 0983.970.780

Đau tay được chỉ định xét nghiệm... viêm gan B

Thứ Ba 18/10/2011 , 16:24 (GMT+7)

Thấy đau tay trái, anh Toàn (Hưng Yên) đến một phòng khám tư nhân ở phố Nối. Tuy nhiên, anh đã rất sốc khi nhìn phiếu xét nghiệm có đến 8 mục: công thức máu, viêm gan B, axít uric, ure...

Phiếu xét nghiệm của anh Toàn có 10 mục thì anh được chỉ định làm đến 8 mục

Thấy đau tay trái, không mang được đồ nặng, anh Toàn (28 tuổi, Hưng Yên) đến một phòng khám tư nhân ở phố Nối. Tuy nhiên, anh đã rất sốc khi nhìn phiếu xét nghiệm có đến 8 mục: công thức máu, viêm gan B, axít uric, ure...

Anh Toàn cho biết, sau khi được bác sĩ khám sơ qua, anh được chỉ định đi làm xét nghiệm. Tuy nhiên, anh đã giật mình khi nhìn vào tờ phiếu. Cả phiếu có 10 mục thì bác sĩ chỉ chừa xét nghiệm công thức máu và X-quang bàn tay, còn bắt làm toàn bộ từ công thức máu, axít uric, Creatinine, Ure, Bilirubil, GPT, Ca+ và Hbsag.

Thấy vô lý vì mình đi khám đau tay trái, không chụp X-quang lại bắt đi xét nghiệm một loạt những thứ không liên quan, anh Toàn lên gặp bác sĩ thì nhận được câu trả lời "phải xét nghiệm để xem có nhiễm trùng máu không" và không có kết luận gì khác.

"Bực quá tôi không làm xét nghiệm nữa mà về luôn dù đã mất tiền. Về nhà tự lấy cao xoa bóp thì tôi thấy cũng đỡ", anh Toàn nói.

Theo các chuyên gia y tế, xét nghiệm Creatinine và ure là để đánh giá chức năng thận, Bilirubil và GPT là để đánh giá chức năng gan, Ca+ là nồng độ canxi trong máu...

Những trường hợp bệnh nhân được chỉ định làm một loạt các xét nghiệm không cần thiết như trường hợp của anh Toàn không phải hiếm gặp. Thậm chí tình trạng này xảy ra khá phổ biến tại các bệnh viện, đặc biệt là với những người đi khám bảo hiểm y tế.

Hay như trong năm 2006, theo thống kê của Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các bệnh viện ngoài công lập khám và chữa bệnh cho gần 3 triệu lượt người bệnh thì gần như 100% bệnh nhân được làm xét nghiệm.

Một báo cáo khác của Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) tại Hội thảo khoa học kinh tế y tế được tổ chức mới đây cũng cho thấy, ở một số bệnh viện có tình trạng chỉ định thực hiện xét nghiệm hàng loạt (máu, nước tiểu, X-quang, siêu âm, điện tim) cho tất cả bệnh nhân bảo hiểm y tế, không phân biệt bệnh lý. Có bệnh viện trên 50% bệnh nhân được chỉ định siêu âm hoặc cứ có tai nạn là chụp CT scan não ngay, không căn cứ dấu hiệu lâm sàng.

Cũng vì việc lạm dụng các xét nghiệm này mà có nơi chi phí cho chẩn đoán hình ảnh chiếm tới 40% tổng số tiền thanh toán bảo hiểm y tế. Không những thế, người bệnh khi đi khám cũng gặp phải tình trạng phải làm lại các xét nghiệm, X-quang, siêu âm... đã được làm ở các bệnh viện khác.

Tại hội nghị tổng kết hai năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế tổ chức ngày 17/10 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cũng thừa nhận tình trạng lạm dụng xét nghiệm, kê đơn, lạm dụng quỹ Bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế.

Nhiều bệnh viện có tình trạng chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy móc thiết bị được trang bị từ nguồn vốn xã hội hóa rộng rãi, quá mức cần thiết với tình trạng bệnh lý. Đặc biệt là thống kê các chi phí không thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế, thống kê số lượng dịch vụ nhiều hơn số lượng thực tế chỉ định, tính sai giá thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế tiêu hao… để đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: “Năm vừa qua Bảo hiểm xã hội đã thu hồi hàng chục tỷ đồng tiền lạm dụng xét nghiệm từ các cơ sở khám chữa bệnh. Đây là một con số không hề nhỏ. Đấy là mới chỉ kiểm tra những cơ sở có nghi ngờ hoặc các đợt kiểm tra theo kế hoạch”.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, tại các cơ sở y tế, tình trạng lạm dụng xét nghiệm, kê đơn thuốc bảo hiểm y tế còn phức tạp và khó kiểm soát… Chính người bệnh là đối tượng bị thiệt thòi.

Theo ông, muốn xóa bỏ lạm dụng xét nghiệm, kê đơn thuốc thì cần phải bằng luật pháp. Bản thân mỗi bệnh viện cũng cần phải tăng cường hệ thống giám sát, tăng cường hình thức kỷ luật nếu phát hiện sai phạm.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thì cho rằng để chống lạm dụng thì cần phải có các thước đo đánh giá mức độ lạm dụng. Tại Bệnh viện Bạch Mai hiện đã xây dựng được 204 phác đồ chẩn đoán và điều trị chuẩn của 14 chuyên ngành làm thước đo loại trừ việc lạm dụng. Đồng thời, bệnh viện cũng thường xuyên tổ chức bình bệnh án, cảnh báo các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất