Các Dự án Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp đang triển khai gồm Dự án Phục hồi và quản lý rừng bền vững rừng phòng hộ (JICA2), Dự án Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2 (KfW8), Dự án Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tại Kiên Giang và Cà Mau (Kiên Giang và Cà Mau) và Dự án Dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR).
Tổng nguồn vốn cho 4 dự án là trên 7.500 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là hơn 1.600 tỷ đồng, vốn nước ngoài 5.900 tỷ đồng. Riêng trong năm 2020, tổng kế hoạch vốn được Bộ NN-PTNT giao trên 156 tỷ đồng, trong đó ODA 65 tỷ đồng và vốn đối ứng 91 tỷ đồng.
Kết quả giải ngân, đến nay Dự án JICA2 đã giải ngân được xấp xỉ 3,7/11 tỷ đồng, đạt 32%, trong đó vốn trong nước giải ngân được trên 3,1 tỷ đồng, đạt 28%, vốn nước ngoài giải ngân được 575 triệu đồng, đạt 100%.
Dự án KGCM giải ngân 3,7/29 tỷ đồng, đạt 13%, trong đó vốn trong nước giải ngân được 3,7/15 tỷ đồng, đạt 25%, vốn nước ngoài chưa giải ngân.
Dự án FMCR, giải ngân trên 5,3/93 tỷ đồng, đạt 6%, trong đó, vốn trong nước giải ngân được 5,3/6 tỷ đồng, đạt 9%, vốn nước ngoài chưa giải ngân.
Dự án KfW8 giải ngân được trên 5,2/22 tỷ đồng, đạt 23%, trong đó vốn trong nước giải ngân được 1,3/5 tỷ đồng, đạt 27%, vốn nước ngoài giải ngân được trên 3,8/17,6 tỷ đồng, đạt 22%.
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp cho biết, trong những tháng cuối năm 2020, Dự án KGCM phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và nhà tài trợ, thực hiện tuyển chọn tư vấn quốc tế, dự kiến kế hoạch trao thầu tư vấn quốc tế vào tháng 12/2020 để sớm giải ngân được nguồn vốn ODA.
Với Dự án KfW8, Ban quản lý dự án Trung ương sẽ phối hợp với Văn phòng tư vấn tăng cường đôn đốc, kiểm tra và hỗ trợ các tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động dự án theo Kế hoạch năm 2020 được giao.
Dự án FMCR tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai gói thầu lập phương án và thi công rà, phá bom mìn, vật nổ khu vực trồng mới rừng trên cạn ven biển cho 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Hoàn thành việc lựa chọn đơn vị tư vấn lập bản đồ cấp xã và kiểm chứng phục vụ cho trồng rừng và quản lý rừng tại các xã vùng dự án làm cơ sở sớm giải ngân nguồn vốn ODA.
Dự án JICA2, tiếp tục chỉ đạo, giám sát việc chăm sóc rừng lần 2 của năm 2020. Chỉ đạo Ban quản lý dự án JICA2 các tỉnh bàn giao rừng sau giai đoạn đầu tư, chỉ đạo các đơn vị liên quan (chủ rừng mới) xây dựng phương án quản lý rừng sau đầu tư, ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng dài hạn theo quy định.
Ông Đỗ Quang Tùng chia sẻ, ngay sau khi được Bộ NN-PTNT giao vốn năm 2020, các dự án đã đôn đốc, chỉ đạo Ban quản lý dự án các tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện khối lượng trên hiện trường để có thể giải ngân nhanh các nguồn vốn được giao năm 2020.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các hoạt động gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ thực hiện và giải ngân chậm do một số nguyên nhân.
Đầu tiên là do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn cả nước đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện các hoạt động hiện trường cũng như tiến độ giải ngân của các dự án.
Đặc biệt, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế trong những ngày vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động tại hiện trường, hầu hết mọi hoạt động tại khu vực này đều phải tạm dừng một thời gian.
Bên cạnh đó, Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến các hoạt động có tính chi chất thường xuyên, mua sắm trang thiết bị, hội thảo tập huấn và nâng cao năng lực sử dụng nguồn vốn vay của một số dự án thuộc Ban phải điều chỉnh nguồn vốn thực hiện hoặc cắt giảm, cùng với đó phải mất nhiều thời gian xin ý kiến các Bộ ngành rà soát để báo cáo Chính phủ phê duyệt điều chuyển nguồn vốn ODA và đối ứng.
Cụ thể, Dự án KGCM thời gian bắt đầu thực hiện dự án chậm, nên có nhiều biến động về đất đai, hiện trạng rừng, sạt lở đất ven biển nên dự kiến phải mất nhiều thời gian cho việc điều tra khảo sát trước khi triển khai các hoạt động. Ngoài ra, theo Hiệp định thì phải có tư vấn quốc tế thì mới được triển khai các hoạt động, trong khi đó, việc tuyển chọn tư vấn quốc tế không đảm bảo tiến độ do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19.
Dự án FMCR hiện đang tiến hành triển khai lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu đã được Bộ phê duyệt nhưng quá trình thẩm định, lấy ý kiến về chuyên môn và ý kiến không phản đối của Nhà tài trợ mất rất nhiều thời gian dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình lựa chọn đơn vị tư vấn để tiến hành triển khai các bước công việc của dự án.
Dự án KfW8, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường xuất khẩu gỗ nguyên liệu giảm, đặc biệt là thị trường Trung Quốc dẫn đến giá thu mua gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng giảm mạnh nên các hộ gia đình tại tỉnh Yên Bái và Bắc Kạn không muốn thực hiện hoạt động tỉa thưa các diện tích rừng trồng đã đăng ký tham gia dự án.
Việc đề xuất điều chỉnh dự án gặp khó khăn do nhà tài trợ KfW chưa thống nhất phương án điều chỉnh, thay thế các hoạt động của các tỉnh đề xuất bị vướng Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp đã kiến nghị điều chỉnh kế hoạch 2020 sang 2021 để sau khi có tư vấn quốc tế và hoàn thành các thủ tục phê duyệt điều chuyển nguồn vốn sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành khối lượng công việc theo kế hoạch.