| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư gần 4 tỷ đồng nuôi tôm khép kín trong nhà màng

Thứ Sáu 15/12/2023 , 10:56 (GMT+7)

HÀ TĨNH Dù đã thận trọng nhưng ngay vụ đầu thả nuôi, anh Nguyễn Viết Khánh vẫn mất trắng 300 triệu đồng. Rút kinh nghiệm ở vụ thứ 2, mô hình thu lãi gần 700 triệu đồng.

Anh Khánh bén duyên với công nghệ nuôi tôm khép kín trong nhà màng từ năm 2022. Ảnh: Thanh Nga.

Anh Khánh bén duyên với công nghệ nuôi tôm khép kín trong nhà màng từ năm 2022. Ảnh: Thanh Nga.

Anh Nguyễn Viết Khánh (sinh năm 1976) ở xã Đan Trường (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) bén duyên nghề nuôi tôm công nghệ cao trên cát hơn chục năm về trước. Mặc dù đầu tư thâm canh, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thuê những kỹ sư thủy sản dày dặn kinh nghiệm để chăm sóc tôm nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không đáng kể.

Theo anh Khánh, nguyên nhân chủ yếu do không quản lý được môi trường ao nuôi. Vào mùa mưa bão, gặp những trận mưa lớn, tôm bị “sốc” nhiệt chết hàng loạt, thiệt hại nặng nề.

Đầu năm 2022, sau khi tham quan, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình nuôi tôm khép kín trong nhà màng, tháng 9/2022, anh mạnh dạn đầu tư gần 4 tỷ đồng xây dựng 7 bể tròn nổi khung thép có mái che, mỗi bể rộng chừng 700m2 để chuyển đổi sang nuôi tôm công nghệ mới. Phía trong nhà nuôi tôm được đầu tư hệ thống sục khí nhằm cung cấp đủ oxy trong quá trình nuôi cùng hệ thống lọc nước tuần hoàn.

Đến tháng 12/2022, anh Khánh thả giống nuôi thử nghiệm vụ đầu tiên trong nhà. Vụ này anh thận trọng thả giống với số lượng ít để theo dõi quá trình phát triển của tôm. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm cùng nhiều yếu tố khác nên chủ mô hình vẫn mất trắng hơn 300 triệu đồng.

Rút kinh nghiệm, vụ hè thu năm 2023, anh tiếp tục thả gần 1 triệu con tôm giống, nuôi với mật độ thấp, từ 10 - 15 vạn/bể, cộng với tuân thủ các yếu tố về quy trình kỹ thuật nên vụ nuôi này anh thắng lớn. Với sản lượng đạt 14 tấn, doanh thu hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí, anh lãi gần 700 triệu đồng (sau gần 4 tháng thả nuôi).

7 bể tròn nổi khung thép có mái che, mỗi bể rộng chừng 700m2 được anh Khánh đầu tư để chuyển từ nuôi tôm ngoài trời vào trong nhà. Ảnh: Thanh Nga.

7 bể tròn nổi khung thép có mái che, mỗi bể rộng chừng 700m2 được anh Khánh đầu tư để chuyển từ nuôi tôm ngoài trời vào trong nhà. Ảnh: Thanh Nga.

Chủ mô hình chia sẻ, tôm là loài nhạy cảm với thời tiết, dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là giai đoạn đầu xuống giống nên việc nuôi trong nhà kín đảm bảo sức khỏe cho tôm trong giai đoạn này là yếu tố quyết định thắng lợi của vụ nuôi. Thời tiết ở Hà Tĩnh vốn được ví như “chảo lửa, túi mưa” nên nuôi tôm trong nhà có mái che sẽ đảm bảo tính ổn định nguồn nước vào mùa đông, còn mùa hè có lưới lan đảm bảo độ thoáng khí, chống nóng cho tôm; khống chế được yếu tố bất lợi của thời tiết, giảm thiểu dịch bệnh và đảm bảo khâu thu gom chất thải.

“Để nuôi tôm thành công, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất là rất cần thiết. Ngoài ra, người nuôi cũng cần lựa chọn con giống chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ; tuân thủ quy trình phòng ngừa dịch bệnh và kỹ thuật chăm sóc”, anh Nguyễn Viết Khánh nhấn mạnh.

Thành công bước đầu của mô hình hộ anh Khánh đã thu hút người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi. Anh Lê Bá Thuận ở huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, gia đình anh đang nuôi 4ha tôm ngoài trời nhưng rất bấp bênh, mất nhiều hơn được. Khi hay tin mô hình nuôi tôm trong nhà màng của anh Khánh thành công, anh đến tìm hiểu để về đầu tư chuyển đổi, áp dụng cho 4ha tôm của gia đình.

Mô hình nuôi tôm trong nhà của anh Khánh được nhiều người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh tới tham quan, học tập để áp dụng. Ảnh: Thanh Nga.

Mô hình nuôi tôm trong nhà của anh Khánh được nhiều người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh tới tham quan, học tập để áp dụng. Ảnh: Thanh Nga.

“Điều kiện thời tiết ở Thừa Thiên - Huế cũng tương tự như Hà Tĩnh nên tôi nghĩ khi đưa tôm vào nuôi trong nhà màng sẽ hạn chế thấp nhất tác động xấu của yếu tố bên ngoài đến con tôm”, anh Thuận nhận định, đồng thời cho biết sau khi trở về, 90% anh sẽ vay thêm vốn đầu tư xây dựng nhà màng, chuyển từ nuôi tôm ngoài trời vào nuôi trong nhà.

Thời điểm này, anh Nguyễn Viết Khánh đang tập trung chăm sóc tôm nuôi vụ đông. Đây là vụ nuôi khó nhưng mang lại giá trị kinh tế cao. Sau những trận mưa lớn vừa qua, nhờ có mái che nên vụ nuôi này không bị ảnh hưởng, tôm đã đạt kích cỡ 90 con/kg, dự kiến khoảng 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Nghi Xuân, mô hình nuôi tôm công nghệ khép kín trong nhà màng của anh Nguyễn Viết Khánh là giải pháp công nghệ mới, giúp người nuôi ứng phó trước sự biển đổi khó lường của thời tiết, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Tuy nhiên, người nuôi trồng cần nghiên cứu kỹ quy trình, kỹ thuật nuôi khi áp dụng mô hình này một cách phù hợp nhằm tránh rủi ro trong sản xuất.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất