Những năm gần đây, hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong ao nổi có mái che đang được người dân các vùng nuôi tôm trên địa bàn huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đầu tư phát triển. Hình thức này đã góp phần giúp người nuôi vượt qua khó khăn, thách thức mà nghề nuôi tôm đang phải đối diện như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh…
Anh Đặng Thanh Tân (thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn) đầu tư nuôi tôm công nghệ cao theo 3 giai đoạn trên tổng diện tích hơn 2ha, trong đó hệ thống ao nổi có mái che là 5.000m2.
Anh Tân chia sẻ, nuôi tôm công nghệ cao trong ao nổi có mái che chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng giúp hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, điều hòa nhiệt độ ao nuôi nên các hộ có thể nuôi được 3 vụ/năm, gia đình nào khéo gối vụ có thể nuôi được 4 vụ/năm (miền Bắc thường có mùa đông lạnh, nhiệt độ hạ thấp nên nếu nuôi tôm trong ao không có mái che chỉ nuôi được 1 - 2 vụ/năm). Nhờ đó, hiệu quả kinh tế của người nuôi được tăng lên.
Bên cạnh đó, khi nuôi theo hình thức này, người nuôi thuận lợi kiểm soát được nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi thông qua việc xử lý kỹ lưỡng tại hệ thống ao lắng, phụ trợ. Đồng thời, kiểm soát được nguồn thức ăn, giảm lượng thức ăn thừa, dễ dàng vệ sinh ao nuôi, chủ động nguồn nước... Nhờ đó, giảm được tỉ lệ hao hụt đầu con, kiểm soát, giảm thiểu rủi ro mầm bệnh.
“Nuôi tôm công nghệ cao bảo khó cũng đúng mà dễ cũng đúng. Khó là chi phí đầu tư ban đầu lớn, không phải hộ nào cũng có đủ nguồn vốn để làm. Bên cạnh đó, nuôi theo hình thức này người nuôi cũng cần phải thực sự tâm huyết, thường xuyên trau dồi kiến thức về kỹ thuật nuôi, cách thức vận hành các thiết bị hiện đại…
Dễ là khi cơ sở vật chất đã ổn định, người nuôi nắm vững được kỹ thuật thì không khó để vận hành, kiểm soát được toàn bộ quá trình sản xuất, từ đó giúp giảm chi phí, công lao động. Chẳng thế mà từ chỗ chưa biết nuôi tôm công nghệ cao là gì, đến hiện tại, trung bình hàng năm tớ đã nuôi được 3 vụ tôm với sản lượng từ 25 - 30 tấn. Năm 2022, sau khi trừ chi phí tớ có lãi khoảng 1,2 tỷ đồng”, anh Tân cho hay.
Anh Dương Viết Luynh, người cùng thị trấn Bình Minh sau nhiều năm bôn ba làm nghề xây dựng, đến năm 2017, anh bắt đầu chuyển hướng nuôi tôm công nghệ cao trong ao nổi có mái che với diện tích khu nuôi 25.000m2. Trong đó, hệ thống ao nổi có mái che là 6.000m2, còn lại là hệ thống ao phụ trợ. Sản lượng tôm trung bình hàng năm anh xuất ra thị trường khoảng 40 - 45 tấn.
Theo anh Luynh, để nuôi tôm công nghệ cao thành công, người nuôi phải đảm bảo được các yếu tố như ao nuôi cần được thiết kế và xây dựng phù hợp với đặc tính của tôm (kích thước, độ sâu, độ thông gió, hệ thống lọc và tuần hoàn nước…); có nguồn tôm giống chất lượng; thức ăn phù hợp; nguồn nước cấp vào ao nuôi đảm bảo; người nuôi phải nắm vững kỹ thuật nuôi; thiết bị nuôi hiện đại; có nguồn lực tài chính…
Trong đó, nước dùng cho ao nuôi đóng vai trò đặc biệt quan trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Khi nuôi trong ao nổi lót bạt, nước sẽ được thay hàng ngày, do đó hệ thống nước cung cấp cho ao nuôi phải luôn chủ động, không bị ô nhiễm. Trước khi nước được đưa vào ao nuôi cần xử lý kỹ lưỡng bằng thuốc tím, chế phẩm vi sinh tại hệ thống ao lắng và ao phụ trợ. Các chỉ số như độ pH, NH3 hay H2S... trong nước phải được kiểm soát và ghi chép hàng ngày. Đồng thời, cần lắp đặt thêm quạt nước để cung cấp đủ oxy cho tôm.
Về kỹ thuật nuôi, anh cũng như hầu hết các hộ đều áp dụng phương pháp nuôi tôm theo các giai đoạn, ban đầu thả tôm với mật độ cao (1.500 - 2.000 con/m2), sau đó san dần sang các ao với mật độ thưa hơn (phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển của tôm) và giai đoạn về đích khoảng 100 con/m2.
Anh Luynh chia sẻ, ưu điểm nổi trội của nuôi tôm công ghệ cao là nuôi được tôm vụ đông. Lúc này, nguồn cung khan hiếm nên giá bán tôm luôn ở mức cao từ 350.000 - 380.000 đồng/kg (thông thường các vụ trong năm chỉ từ 150.000 - 200.000 đồng/kg).
“Giá trị của việc nuôi được vụ tôm đông mang lại không cần phải bàn cãi, nhiều hộ nhờ vụ tôm này mà phất lên. Tuy nhiên, nếu hộ nào chủ quan, lơ là, ỷ lại vào hệ thống cơ sở vật chất mà không sát sao với đàn tôm thì nguy cơ trắng tay hoàn toàn có thể xảy ra” anh Luynh khẳng định.
Ông Vũ Minh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Bình cho biết, đến hết năm 2022, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh hơn 1.800ha, trong đó có trên 64ha nuôi tôm công nghệ cao. Sản lượng tôm nuôi đạt hơn 3.300 tấn.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh đạt diện tích nuôi tôm công nghiệp từ 350 - 450ha, đến năm 2030 đạt từ 700 - 800ha.