| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh an toàn sinh học trong chăn nuôi heo

Thứ Hai 01/07/2019 , 13:05 (GMT+7)

Nhiều giải pháp “nóng” và kiến nghị được các chuyên gia nêu ra tại hội thảo “An toàn sinh học và giải pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi tại các tỉnh phía Nam”, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Đồng Nai tổ chức cuối tuần qua.

15-38-50_nh_1
Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp quan trọng phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Theo Cục Thú y, tính đến cuối tháng 6/2019, bệnh dịch tả heo Châu Phi (ASF) đã xảy ra ở 4.420 xã, 463 huyện của 60 tỉnh, thành phố. Đến thời điểm này, ngành chức năng cũng đã tiêu huỷ hơn 2,8 triệu con heo với tổng trọng lượng hơn 166.000 tấn.

Đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng, an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp rất quan trọng nhằm phòng chống dịch bệnh, các biện pháp bao gồm cả kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa, hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân sinh học xuất hiện tự nhiên hoặc do con người tạo ra gây hại đến con người, vật nuôi, hệ sinh thái.

Việc chăn nuôi an toàn sinh học sẽ giúp ngăn chặn được nguồn dịch từ bên ngoài xâm nhập vào đàn vật nuôi; đồng thời giảm bớt sự lây lan những mầm bệnh từ trong đàn vật nuôi ra môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, có nhiều vướng mắc trong công tác phòng chống dịch ASF mà các đại biểu đề cập tại hội thảo, đó là quá trình tiêu huỷ, các biện pháp vệ sinh chuồng trại, cách ly dịch bệnh, thời gian tái đàn sau khi công bố hết dịch…

Đặc biệt, đối với việc xử lý thức ăn thừa sau khi tiêu hủy heo như thế nào hay các chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp đang được rất nhiều người chăn nuôi quan tâm.

Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, quy định bắt buộc khi heo mắc dịch ASF sẽ phải tiêu hủy hết đàn heo kể cả thức ăn chăn nuôi trong trại để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Nếu đem nguồn thức ăn dư thừa hay chưa sử dụng qua trại khác cũng đồng thời mang theo mầm bệnh đến đó.

Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng, nếu khi tiêu huỷ heo bệnh và tiêu huỷ luôn toàn bộ thức ăn chưa sử dụng, thì sẽ khiến chuột mất đi nguồn thức ăn, chúng sẽ di chuyển đến nơi khác tìm thức ăn khiến dịch bệnh càng lây lan nhanh và rộng.

“Có rất nhiều nguyên nhân khiến dịch ASF phát tán, trong đó có loài chuột. Do vậy, để ngăn ngừa dịch tả heo châu Phi lây lan thì khi tiến hành tiêu hủy heo bệnh các nông hộ có thể nên giữ lại một phần thức ăn chưa sử dụng để làm mồi giữ chân và sử dụng thuốc diệt chuột bỏ vào số thức ăn trên để tiêu diệt loài vật này”, ông Vinh nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, Công ty TNHH Anova cũng đưa ra các biện pháp thực hiện cụ thể, như cần tiêm phòng bệnh truyền nhiễm, tẩy ký sinh trùng định kỳ, công tác vệ sinh chuồng trại định kỳ, cuối kỳ theo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Mặt khác, phải cách ly con bệnh để chăm sóc riêng. Vệ sinh kim, ống tiêm, thu gom, xử lý, tiêu huỷ xác chết, tăng sức kháng bệnh đặc biệt trong thời điểm khi thời tiết thay đổi, lúc có dịch bệnh trong khu vực.

TS.Nguyễn Văn Bắc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề xuất, đến nay ở Việt Nam đã có 10% heo của 60/63 tỉnh thành bị tiêu hủy nhưng thực tế vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, do đó cần phải tìm ra nguyên nhân chính của dịch tễ ở Việt Nam là gì thì truyền thông mới có hiệu quả và đưa ra giải pháp mới chính xác.

“Theo tôi, cần phải nghiên cứu ngay ra phần mềm mang tính quốc gia để làm sao từng hộ chăn nuôi, từng trang trại căn cứ vào đó biết được rằng an toàn sinh học ở mức độ nào và nguy cơ nào sẽ xảy ra…”, TS.Bắc nêu vấn đề.

Đề cập đến vấn đề chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai Nguyễn Trí Công đề nghị: “Hiện nay, tất cả các nông hộ hay trang trại chăn nuôi với quy mô lớn hay nhỏ đều có vay vốn ngân hàng, nhưng về chính sách hỗ trợ cũng chưa đi đến đâu hết. Ngân hàng thực tế không thể cho vay mới nhưng cần phải khoanh hay giãn nợ ngay cho người nuôi giúp họ giảm bớt áp lực về tài chính...”.

Theo ông Công, việc phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn gặp nhiều khó khăn như chưa có vacxin phòng bệnh, đường lây truyền của mầm bệnh phức tạp, vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao. Đồng thời, công tác khai báo, cung cấp thông tin của cơ sở chăn nuôi về tổng đàn vật nuôi và tình hình dịch bệnh còn chưa đầy đủ, kịp thời…

Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị các Trung tâm Khuyến nông, Chi cục chăn nuôi - Thú y cần tiếp tục hỗ trợ cho người chăn nuôi trong các vấn đề phòng chống dịch bệnh, tiêu hủy heo bệnh theo đúng quy trình, giúp người dân tối ưu hoá giải pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi heo, nhất là những trang trại chưa có dịch bệnh. Đặc biệt, tại thủ phủ chăn nuôi heo Đồng Nai càng phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch ASF nhằm giảm thiểu thiệt hại...

Xem thêm
Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất