Từ năm 2017, trước thực tiễn sản xuất cây ăn quả phát triển mạnh mẽ trên cả nước, xuất khẩu mặt hàng này liên tục tăng trưởng, Bộ NN-PTNT đã giao 3 đơn vị nghiên cứu chủ lực về cây ăn quả gồm Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Cây ăn quả miền Nam và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chủ trì triển khai 3 đề tài nghiên cứu lớn (giai đoạn 2017 - 2021) đối với các đối tượng cây ăn quả chủ lực, có lợi thế xuất khẩu trên cả nước.
Trong đó, Bộ NN-PTNT yêu cầu trung vào việc nghiên cứu, xác định được vùng trồng cũng như dư địa phát triển của từng đối tượng cây ăn quả chủ lực ở 3 vùng sản xuất cây ăn quả lớn gồm Trung du Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ (Đông Nam bộ và ĐBSCL). Bên cạnh đó, xác định được bộ giống phù hợp cho từng vùng, cùng gói quy trình kỹ thuật thích hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.
Cụ thể, Viện Nghiên cứu Rau quả triển khai đề tài nghiên cứu tuyển chọn giống và hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh một số cây ăn quả chủ lực phía Bắc gồm chuối, cam, bưởi, nhãn, vải. Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu một số cây ăn quả của vùng Tây Nguyên gồm chuối, sầu riêng, cam, bơ phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Viện Cây ăn quả miền Nam nghiên cứu chuối, xoài, sầu riêng và nhãn tại các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, các đơn vị đã cơ bản hoàn thành được các nhiệm vụ nghiên cứu, trong đó cơ bản xác định được các giống cây ăn quả chủ lực cho từng vùng, từng địa phương, cùng với quy trình kỹ thuật thâm canh cho sản xuất. Một số đơn vị đã xây dựng được hệ thống vườn cây đầu dòng, nhất là đã phối hợp được với được với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để cung ứng cây giống chất lượng cao đáp ứng nhu cầu mở rộng vùng nguyên liệu, tiêu biểu như chuối, bơ, sầu riêng, chanh leo... tại Tây Nguyên; chuối, xoài, sầu riêng, nhãn tại các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ.
Về một số định hướng cụ thể cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị 3 viện nghiên cứu cần tiếp tục phối hợp với các địa phương nhằm rà soát, đánh giá chặt chẽ hơn nữa tiềm năng, khả năng mở rộng diện tích của các đối tượng cây ăn quả chủ lực cho cả 3 vùng trên cả nước.
Trong đó, cần đặc biệt đánh giá kỹ tiềm năng, sự phù hợp của một số đối tượng cây ăn quả chủ lực tại phía Bắc như cam, bưởi, nhãn, vải, chuối..., bởi đây là vùng có đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, phức tạp. Hiện nay, Bộ NN-PTNT cũng đang giao Viện Nghiên cứu Rau quả có chương trình rà soát, đánh giá quy hoạch cho các vùng cây ăn quả lớn tại các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc.
Đối với các tỉnh Tây Nguyên, lợi thế hiện nay là quỹ đất sản xuất cây ăn quả còn rất lớn, nhất là nhu cầu chuyển đổi, trồng xen, thay thế một số cây ăn quả trên các diện tích cây công nghiệp. Bên cạnh đó, đây cũng là vùng đang thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp chế biến rau quả vào đầu tư.
Vì vậy, cần phải gắn chặt liên kết với các doanh nghiệp cũng như các địa phương tại Tây Nguyên nhằm đưa các giống cây ăn quả có tiềm năng, chất lượng cao ra sản xuất, góp phần chấn chỉnh tình trạng giống cây ăn quả trôi nổi, kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần lưu ý rà soát, đánh giá kỹ khả năng mở rộng diện tích cây ăn quả trên cơ sở đảm bảo nguồn nước tưới, bởi Tây Nguyên là vùng rất khó khăn về nước.
Đối với vùng ĐBSCL, việc phát triển cây ăn quả cũng đang rất nóng, tuy nhiên cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề, nhất là tình hình hạn mặn. Vì vậy, cần tập trung cho việc nghiên cứu, đánh giá khả năng phù hợp, chịu hạn - mặn của một số cây ăn quả chủ lực trong vùng hiện nay như xoài, chuối, sầu riêng, nhãn..., trên cơ sở gắn với triển khai tái cơ cấu nông nghiệp của các địa phương. Bên cạnh đó, cần lưu ý nghiên cứu sâu để có các giải pháp ứng phó hạn - mặn cho cây ăn quả, tiêu biểu như mô hình tạo mương trữ nước ngọt tại các nhà vườn rất hiệu quả...
Về các giải pháp, quy trình kỹ thuật thâm canh cho cây ăn quả, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý việc nghiên cứu quy trình cần phải thận trọng, chặt chẽ, các đơn vị phải chịu trách nhiệm về các quy trình được đưa ra để làm cơ sở chuyển giao, khuyến cáo hướng dẫn cho nông dân, doanh nghiệp áp dụng sau này. Trong quy trình kỹ thuật thâm canh, cần đặc biệt chú trọng vào khâu tỉa cành, tạo tán cho các loại cây ăn quả, bởi đây đang là khâu rất yếu của Việt Nam so với các nước.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, hiện nay, Chính phủ đã có Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về Giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Theo đó đã giao Bộ NN-PTNT xây dựng đề án để phấn đấu đến năm 2030, đưa ngành chế biến rau quả vào số 5 nước hàng đầu thế giới theo nghị quyết của Chính phủ.
Bên cạnh đó vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 703/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, giao Bộ NN-PTNT chủ trì thực hiện Chương trình với nguồn lực rất lớn. Đây sẽ là cơ hội, điều kiện rất thuận lợi để ngành rau quả (nhất là cây ăn quả) tạo ra bước ngoặt phát triển mới. Đồng thời, điều này cũng đang đặt ra nhiệm vụ lớn cho các đơn vị khoa học phải nghiên cứu, đáp ứng được các yêu cầu về quy trình kỹ thuật, các giống cây ăn quả có thế mạnh, có năng suất chất lượng cao nhằm phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.
Tiềm năng cây ăn quả Tây Nguyên
Theo TS Hoàng Mạnh Cường, Trưởng Bộ môn Lâm nghiệp và Cây ăn quả (Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên - WASI), WASI đã tổ chức các hội thảo với ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên và đã thống nhất định hướng quy hoạch chuối, sầu riêng và bơ tại Tây Nguyên.
Theo đó, qua nghiên cứu đánh giá, một số cây ăn quả chủ lực có dư địa, tiềm năng phát triển rất lớn tại tây Nguyên như: Chuối diện tích tập trung hiện có 8.000ha, tiềm năng phát triển thêm khoảng 9.400ha; sầu riêng diện tích tập trung hiện có 19.000ha, tiềm năng có thể mở rộng thêm 16.800ha; cây bơ diện tích tập trung hiện có 19.700ha, tiềm năng mở rộng thêm 15.150ha.
Mặc dù vậy những năm qua, hình thức canh tác cây ăn quả ở Tây Nguyên hầu hết còn manh mún, chưa tập trung và chủ yếu là trồng xen cà phê (bơ, sầu riêng), quy trình canh tác chưa phù với sản xuất...
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu về giống và quy trình kỹ thuật cho một số cây ăn quả chủ lực của Tây Nguyên, đến nay, WASI đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất, thâm canh và chuyển giao quy trình cho 3 doanh nghiệp gồm Hoàng anh Gia Lai, Nafoods, Cty Đăk Nông Sài Gòn, cùng 4 HTX nông nghiệp tại 4 tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Lâm Đồng và Đăk Nông (đối với các cây gồm bơ, sầu riêng, chuối và cam).
Bên cạnh đó, đã nghiên cứu, khảo nghiệm đánh giá và xác định được bộ giống một số cây ăn quả chủ lực phù hợp với nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu, cơ cấu giống rải vụ cho Tây Nguyên như: Cây chuối có giống nội tiêu là chuối tây, Laba, Già hương, Già lùn, chuối Cau; giống có khả năng xuất khẩu là Nam Mỹ, Laba; Cây sầu riêng gồm giống nội tiêu như Ri6, Chín Hóa, Khổ qua xanh và giống xuất khẩu là Dona; cây bơ gồm nhiều giống phù hợp nội tiêu như BLĐ 034, TA1, TA40, Booth 7; giống phù hợp xuất khẩu như Hass, Lambhass, Gem, Reed, Pinkerton, Booth 7...
Hiện nay, WASI cũng đã thu thập và trồng được 6 giống chuối, 5 giống sầu riêng, 12 giống cam và 21 giống bơ được trồng tại Khu thực nghiệm của Viện. Viện đặt mục tiêu bảo tồn, lưu giữ các vật liệu giống và cung cấp chồi, mắt ghép cho doanh nghiệp và nhân rộng các giống chuối, sầu riêng, cam và bơ cho sản xuất của người dân ngay sau khi kết thúc đề tài nghiên cứu.
Hiện nay đề tài đang tiếp tục thu thập, tuyển chọn các giống chuối, sầu riêng, cam và bơ để trồng lưu giữ...