| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nuôi tôm Semi-Biofloc

Thứ Hai 07/03/2022 , 08:37 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Phát triển mạnh nuôi tôm theo công nghệ Semi-Biofloc mang nhiều lợi ích như cho phép thâm canh cao, giảm ô nhiễm và nguy cơ dịch bệnh, giảm chi phí sản xuất...

Lợi ích nhiều mặt

Trong năm 2020 - 2021, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai các ao nuôi tôm thực nghiệm thuộc chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ, đồng thời triển khai kế hoạch khuyến ngư với các mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng thâm canh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ Semi-Biofloc. Bước đầu, các mô hình nói trên đã cho thấy kết quả khả quan.

Mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc của ông Nguyễn Tất Tùng ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: KNBĐ.

Mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc của ông Nguyễn Tất Tùng ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: KNBĐ.

Theo ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, công nghệ Semi-Biofloc được hiểu là làm sạch, ổn định môi trường nước bằng vi tảo. Khối Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho tôm nuôi; đồng thời ức chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh do ô nhiễm môi trường nước, nhờ đó hạn chế việc tôm bị chết do dịch bệnh.

Để đưa công nghệ Semi-Biofloc vào nuôi tôm thẻ chân trắng, người nuôi phải chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, gồm: Hệ thống ao nuôi có phủ bạt, mái che; hệ thống xử lý nước; hệ thống quạt sấy. Đồng thời áp dụng quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn: Nuôi tôm giống sau khi ương 25 - 30 ngày đạt kích cỡ từ 600 - 800 con/kg rồi chuyển sang ao nuôi. Mật độ thả nuôi là 180 - 200 con/m2. Trong quá trình nuôi, người nuôi áp dụng ủ mật rỉ đường tạo độ kết dính thức ăn; nuôi cấy floc cung cấp cho ao nuôi.

Trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã nghiên cứu, phối hợp cùng các địa phương chuyển giao quy trình, kỹ thuật công nghệ Semi-Biofloc cho nông dân, thông qua các mô hình trình diễn nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm thâm canh và bán thâm canh. Kết quả thực hiện các mô hình chẳng những đã mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn cải thiện được môi trường, nâng cao thu nhập cho người nuôi.

Nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ Semi-Biofloc mang lại hiệu quả lớn cho người nuôi. Ảnh: KNBĐ.

Nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ Semi-Biofloc mang lại hiệu quả lớn cho người nuôi. Ảnh: KNBĐ.

Theo ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu ứng dụng hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm thâm canh, bán thâm canh ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc theo hướng phát triển bền vững tại Bình Định”, áp dụng công nghệ Semi-Biofloc vào nuôi tôm thẻ chân trắng không những mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi mà còn góp phần cải thiện môi trường.

Công nghệ Semi-Biofloc giúp tăng năng suất gấp đôi so với nuôi truyền thống. Sản lượng nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc tăng là do mật độ thả nuôi có thể đạt từ 180 - 200 con/m2. Trong khi nuôi theo cách truyền thống mật độ nuôi khống chế chỉ từ 100 - 150 con/m2; nuôi quảng canh còn thấp hơn, chỉ từ 50 - 60 con/m2. Chi phí đầu vào giảm từ 10 - 15% so với nuôi truyền thống do giảm được chi phí thuốc kháng sinh phòng bệnh, chi phí hao hụt thức ăn. Đồng thời, hạn chế được sử dụng lượng nước ngầm so với nuôi truyền thống nhờ ổn định môi trường nước bằng vi tảo.

“Người nuôi dễ tiếp nhận công nghệ Semi-Biofloc chứ không có gì khó. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu, người nuôi cần nắm thật chắc quy trình xử lý ao nuôi; theo dõi lượng nước, thực hiện tốt kỹ thuật ủ mật rỉ đường và nuôi cấy khối floc.

Ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc mang lại nhiều lợi ích kinh tế so với các quy trình nuôi truyền thống đang áp dụng tại Bình Định. Bởi, năng suất nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc đạt 20 - 40 tấn/ha/vụ, mỗi ký tôm nuôi có thể giảm chi phí khoảng 10 - 15% so với quy trình cũ”, ông Nhựt chia sẻ.

Hướng đến nuôi tôm bền vững

Trên cơ sở kết quả đạt được từ những mô hình triển khai trong năm 2021, bước sang năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định sẽ phối hợp với 3 địa phương gồm huyện Phù Cát, huyện Phù Mỹ và Thị xã Hoài Nhơn xây dựng 3 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc với quy mô 1.500 m2.

Nuôi tôm theo truyền thống mật độ nuôi khống chế chỉ từ 100 - 150 con/m2 nên năng suất thấp hơn nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc. Ảnh: V.Đ.T.

Nuôi tôm theo truyền thống mật độ nuôi khống chế chỉ từ 100 - 150 con/m2 nên năng suất thấp hơn nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện Trung tâm cùng với 3 địa phương nói trên đã lên kế hoạch lựa chọn các hộ nuôi đáp ứng đủ yêu cầu, xây dựng phương án, triển khai mô hình trong tháng 3/2022. Việc triển khai các mô hình với mục tiêu nhằm đưa công nghệ Semi-Biofloc đến với người nuôi tôm một cách rộng rãi. Các hộ dân có thể tham quan học hỏi kỹ thuật từ các mô hình trình diễn, từng bước áp dụng công nghệ này.

“Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ đã phối hợp với xã Mỹ Thành lựa chọn, đánh giá lại tiêu chí của hộ tham gia mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc. Xã Mỹ Thành có khoảng 300ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Việc thí điểm mô hình này mang cơ hội chuyển đổi nghề nuôi tôm theo hướng bền vững đến với người nuôi tôm trên địa bàn.

Đầu tháng 3/2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Bình Định xuống kiểm tra lại mô hình lần cuối trước khi triển khai”, ông Phạm Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ cho hay.

Ông Nguyễn Tất Tùng, người từng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc vào nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát) rất tâm đắc với công nghệ nuôi tiên tiến này. Vụ tôm năm nay, ông Tùng tiếp tục duy trì và ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc với 8 ao nuôi có quy mô quy mô 19 ha.

 Hiện nay, công nghệ Semi-Biofloc đang được người nuôi tôm nhiều địa phương ở miền Trung mở rộng áp dụng do mang lại rất nhiều lợi ích. Ảnh: Kim Sơ.

 Hiện nay, công nghệ Semi-Biofloc đang được người nuôi tôm nhiều địa phương ở miền Trung mở rộng áp dụng do mang lại rất nhiều lợi ích. Ảnh: Kim Sơ.

“Với công nghệ nuôi mới này, nghề nuôi tôm của tôi đã tiến một bước rất dài. Vấn đề mấu chốt trong áp dụng mô hình nuôi tôm theo công nghệ Semi-Biofloc là phải tuân thủ về kỹ thuật giữ và kiểm soát được nhiệt độ, chất lượng nước trong hồ nuôi. Cơ chế phân hủy chất dinh dưỡng nhờ các vi khuẩn có lợi, vừa tạo được nguồn dinh dưỡng cho tôm, vừa tiết kiệm tiền chi phí thức ăn. Ap dụng công nghệ Semi-Biofloc giúp môi trường trong ao nuôi được kiểm soát tốt, hiệu quả kinh tế nhờ đó tăng lên”, ông Tùng phấn khởi chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, trong cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tập trung phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường; xây dựng vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao Semi-Biofloc.

Tôm thẻ chân trắng là đối tượng chính trong nuôi trồng thủy sản theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bình Định. Với vai trò là đơn vị hỗ trợ trong chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tích cực xây dựng các mô hình, tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại và tập huấn cho người nuôi tôm trong việc ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc để nâng cao hiệu quả, từng bước hình thành vùng nuôi tôm đảm bảo an toàn sinh học.

Một mô hình nuôi tôm công nghệ Semi-Biofloc ở Khánh Hòa. Ảnh: Kim Sơ.

Một mô hình nuôi tôm công nghệ Semi-Biofloc ở Khánh Hòa. Ảnh: Kim Sơ.

“Khi nghề nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh ở Bình Định ổn định với diện tích khoảng 1.000 ha, sẽ góp phần tăng nguồn thu cho hàng ngàn hộ nuôi tôm, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động phổ thông tại các vùng nông thôn ven biển, bãi ngang. Ngoài ra, công nghệ Semi-Biofloc có hiệu suất sử dụng protein cao, lượng mùn bã hữu cơ rắn sau vụ nuôi tôm đã giảm đáng kể hàm lượng nitrogen vô cơ gây ô nhiễm môi trường.

Nuôi tôm công nghệ Semi-Biofloc còn hạn chế khai thác nguồn nước mặt và nước ngầm nuôi tôm. Bởi, ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc vào nuôi tôm chỉ sử dụng khoảng 60% lượng nước so với quy trình cũ, phù hợp với tình trạng nguồn nước ngày càng khan hiếm trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Công nghệ Semi-BioFloc sẽ hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh trong vụ nuôi”, ông Huỳnh Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định.

Xem thêm
Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.