| Hotline: 0983.970.780

Dây mơ rễ má

Thứ Bảy 08/09/2018 , 14:05 (GMT+7)

Xin bắt đầu bằng câu chuyện cãi vã giữa hai bố con anh Vũ Quốc Uy ở làng tôi. Uy yêu cô Phan Thị Hằng. Cả hai đều thuộc loại “thanh mai trúc mã”. 

Nhà quê, dẫu đã “đổi mới” đến trên 30 năm, nhưng chuyện trai gái yêu nhau, vẫn khá kín đáo, chứ không công khai, lộ liễu như ở thành thị, nên chuyện Uy và Hằng yêu nhau, hẹn hò nhau, ngoài một số bạn bè của hai người, thì đôi bên gia đình chưa biết.

Chỉ đến khi Uy mở lời xin bố mẹ “có cơi trầu” sang “nói chuyện người lớn” với bố mẹ Hằng, thì sóng gió mới nổi lên. Bố Uy nghiêm giọng:

- Mày với nó có họ. Không lấy nhau được.

- Con họ Vũ, còn Hằng họ Phan, sao lại có họ được?

- Vợ của cố nội nó họ Vũ, gọi cố nội mày bằng bác ruột. Tức là cụ nội mày bằng vai với cố nội con Hằng, mà lại là vai trên. Tao bằng vai với ông nội nó, còn mày bằng vai với bố nó. Theo thứ bậc, bố nó phải gọi mày bằng anh. Nó phải gọi mày bằng bác. Nay mày lấy nó, thì ra bác cháu lấy nhau à? Tao cấm. Cấm tuyệt đối, nghe chưa.

Uy thộn mặt ra. Cố, rồi cụ, ông bà của anh và Hằng đều mất từ đời tám hoánh nào rồi. Chả có ai nói anh với Hằng có họ cả. Chỉ nghĩ đến việc phải chia tay người yêu, ruột gan anh đã đau như cắt. Đau khổ quá đâm liều, anh cãi lại bố:

- Luật Hôn nhân và Gia đình quy định họ hàng 4 đời thì được lấy nhau. Con cứ lấy Hằng đấy.

- Mày đừng có giở luật ra với tao. Luật là của Nhà nước chứ không phải là của làng. Ở cái làng này, năm chứ sáu, bảy đời cũng không lấy nhau được. Ai bảo trước khi ngỏ lời với cháu gái mày, mày không “nghiên cứu” kỹ? Trong làng, phi nội tắc ngoại”.

Chuyện “phi nội tắc ngoại” hay chuyện “dây mơ rễ má” ở làng quê là thế. “Phi nội tắc ngoại”, nghĩa là bước ra khỏi ngõ, gặp bất cứ ai trong làng, thì người đó không có họ với mình về đằng nội, ắt là người có họ với mình về đằng ngoại, không họ gần thì họ xa. Ví như tôi họ Vũ, thì các con tôi đương nhiên mang họ Vũ theo đằng nội. Nhưng thân sinh ra mẹ tôi họ Bùi Quang, vì thế mà mấy bố con tôi cũng có họ với những người họ Bùi Quang về đằng ngoại. Thân mẫu của mẹ tôi họ Lê. Thế là mấy bố con tôi cũng “dính” họ hàng với họ Lê, theo nghĩa họ ngoại của đằng ngoại. Trở lại với bên nội nhà tôi. Bà nội tôi họ Đỗ, chi Đỗ Văn. Thế là cả chi họ nhà tôi có họ ngoại với họ Đỗ Văn, các con tôi là chắt ngoại của họ ấy. Bố vợ tôi họ Bùi Huy, nên các con tôi, đương nhiên là cháu ngoại của họ Bùi Huy. Mẹ vợ tôi họ Đỗ, chi Đỗ Viết. Và thế là tôi và các con đều trở thành họ hàng với họ Đỗ Viết. Chỉ một cái gia đình nhỏ của tôi, mà đã dây mơ rễ má tới các dòng họ Bùi Quang, Lê, Bùi Huy, Đỗ Văn, Đỗ Viết rồi. Cả làng chỉ có mấy chục dòng họ. Nếu “truy tìm” ngược lên sáu bảy đời, thì tôi dám chắc tôi có họ với cả làng. Không chỉ tôi, mà các gia đình khác cũng thế. Không chỉ riêng làng tôi, mà các làng quê khác cũng không ngoại lệ.

Chuyện “phi nội tắc ngoại” là hệ quả của một nếp sống khép kín, trong một thời gian rất dài của các làng quê Việt Nam. Nếp sống đó đã tạo ra cái quan niệm “Trâu ta ăn cỏ đồng ta/ Dù tươi dù héo, đồng nhà vẫn hơn”. Một thứ tư tưởng A.Q đích thực, chỉ làng ta là nhất. Chính tư tưởng đó đã khiến người ta chỉ thích dựng vợ gả chồng cho con cái ở ngay trong làng, cùng lắm là trong xã (Có con mà gả chồng gần/ Có bát canh cần, nó cũng mang cho/ Đem con đi gả chồng xa/ Nữa mai mẹ héo cha già, cậy ai).

Thời trước, những anh trai làng xa dám “xé rào” đến làng lấy vợ hay những chị ở xa đến làng làm dâu, sẽ bị từ họ hàng đến làng xóm soi mói rất ghê. Cho đến bây giờ, cái quan niệm “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn” vẫn chưa hết. Chuyện “phi nội tắc ngoại” có điều hay là nó làm tăng tính cộng đồng trong làng xóm, đã bó bện càng thêm bó bện. Họ hàng, dẫu xa vẫn hơn người dưng (một giọt máu đào, hơn ao nước lã). Một nhà có việc, cả họ xa họ gần, dây mơ rễ má kéo đến, nhìn ra đủ mặt cả làng. Công việc lớn đến đâu cũng trở nên nhẹ nhàng. Nhưng nó cũng có rất nhiều cái dở, mà cái dở đầu tiên ai cũng nhìn thấy, đó là nó sinh ra tư tưởng “hòa cả làng”, ngại va chạm, vì nhìn đâu cũng thấy họ hàng, dây mơ rễ má cả. Điều đó khiến cho cái xấu, cái ác không mấy khi được ngăn chặn. Điều thứ hai là nó tạo ra một cách hành xử rất cực đoan. Một người làng khác đi qua làng mình, nếu chẳng may va chạm với người làng, thì lập tức cả làng cả xóm kéo ra bênh vực người làng mình, kể cả khi người làng mình sai, vì “có sai, nó cũng là người làng, phi nội tắc ngoại”. Và thứ ba, là cái sai thể hiện rõ nhất trong các cuộc bầu bán...

(Kiến thức gia đình số 36)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?