| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Ào ạt xuống giống sớm

Thứ Tư 21/03/2018 , 10:32 (GMT+7)

Hiện giá lúa đang đứng ở mức cao khiến nhiều nông dân ở ĐBSCL ào ào xuống giống lúa hè thu (HT) 2018 sớm hơn khung thời vụ khuyến cáo.

Nhiều nơi nông dân vừa thu hoạch lúa đông xuân (ĐX), chỉ có 5 - 7 ngày làm đất vội vã là đã gieo sạ lại, không đảm bảo thời gian cách ly giữa các vụ, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh tăng cao.
 

Làm đất vội

Kiên Giang là tỉnh có diện tích đất lúa lớn nhất khu vực ĐBSCL, vụ ĐX này nông dân gieo sạ 289.970 ha, hiện mới bước vào thu hoạch rộ.

16-12-58_nh_2
Nông dân tranh thủ xuống giống vụ HT

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Kiên Giang, đến giữa tháng 3, toàn tỉnh mới thu hoạch được hơn 30% diện tích gieo trồng (khoảng 93.000 ha), trà lúa đang trong giai đoạn trổ - chín trên đồng còn lại rất lớn.

Thế nhưng, nhiều nơi nông dân đã ào ào xuống lúa HT sớm, thậm chí có huyện diện tích gieo sạ đã vượt cả kế hoạch đề ra, trong khi khung thời vụ mới bắt đầu.

Tại huyện Giang Thành, lúa ĐX hiện còn 11.000/29.350 ha chưa thu hoạch, phần lớn là giống lúa dài ngày (ĐS 1, Jasmine 85), khoảng 1 tháng nữa mới thu hoạch dứt điểm. Song bên cạnh đó nhiều diện tích lúa HT đã lên xanh mướt.

Ông Cao Thưởng, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Giang Thành cho biết: Kế hoạch lúa HT sớm của huyện chỉ có 8.300 ha thế nhưng diện tích gieo sạ thực tế đã lên đến 9.500 ha, lúa đã được từ 10 – 25 ngày tuổi, đang trong giai đoạn xanh tốt. Nhiều khả năng diện tích sẽ còn tăng thêm nữa, vì vụ lúa ĐX vừa qua nông dân trúng mùa, trúng giá, lợi nhuận khá tốt.

Ở các huyện trọng điểm về trồng lúa của Kiên Giang như: Tân Hiệp, Hòn Đất, Giồng Riềng... nông dân cũng đang tất bật xuống giống lúa HT sớm, ngay khi lúa ĐX vừa thu hoạch về chưa kịp bán thì lúa giống đã được đem đi ngâm. Nhiều nơi, ruộng vừa cắt xong, rơm rạ còn ướt đốt cháy nham nhở, nông dân đã cho nước vào và dùng máy trục vùi để kịp gieo sạ lại. Điều này làm cho tình trạng lúa bị ngộ độc hữu cơ xảy ra khá phổ biến, nông dân phải tốn khá nhiều chi phí để xử lý.

16-12-58_nh_3
Làm đất qua loa để xuống giống sớm

Tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang), lúa ĐX mới thu hoạch được 6.000/16.435 ha, phải đến cuối tháng 3 này mới thu hoạch dứt điểm. Thế nhưng, nhiều cánh đồng dọc theo tuyến đường Vị Thanh – Cần Thơ, thuộc các xã Vị Thanh, Vị Đông, Vị Bình (huyện Vị Thủy) lúa HT đã được gieo sạ lên xanh.

Ông Phan Văn Bình, Trưởng trạm Trồng trọt – BVTV huyện Vị Thủy cho biết: Lịch gieo sạ lúa HT 2018 của huyện được chia làm 2 đợt, đợt 1 từ 1 - 8/4, đối với vùng phèn và có nguy cơ nhiễm mặn; đợt 2 từ 3 - 10/5, đối với vùng ngọt hóa cặp kênh xáng Xà No. Nông dân vội vã xuống giống trước khung thời vụ là không nên, cần tận dụng thời gian này phơi ruộng, làm đất cho kỹ, đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa tối thiểu là 21 ngày theo khuyến cáo.

Tại TP Cần Thơ, vụ lúa ĐX đang cao điểm thu hoạch. Năm nay trúng mùa trúng giá khiến nông dân bất chấp lịch thời vụ, làm đất sơ sài tranh thủ xuống giống sớm vụ HT để mong bán được giá cao như vụ ĐX. Huyện Thới Lai là vừa thu hoạch lúa ĐX nông dân đã vội vã xuống giống vụ HT.

Anh Trương Thanh Phong ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, canh tác 1,7ha lúa ĐX đang thu hoạch đợi thương lái đến cân. Nhưng anh đã lo chuyện ngâm lúa giống để chuẩn bị gieo sạ vụ kế tiếp.

Anh Phong cho biết: “Năm nay làm lúa ĐX phấn khởi quá, trúng giá cao. Tôi vừa thu hoạch xong cho đốt rơm luôn, đưa nước vào ruộng cho máy xới đến trục đất là xuống giống. Ai cũng xuống giống ào ào nên tôi cũng làm theo”.
 

Nguy cơ lây lan dịch bệnh

Việc nông dân vội vã xuống giống lúa HT quá sớm, không chỉ phá vỡ khung thời, lịch gieo sạ đồng loạt, tập trung né rầy của địa phương, mà còn là điều kiện để sâu, rầy, dịch bệnh lây lan từ vụ này sang vụ khác.

Đáng lo ngại là mật độ rầy nâu di trú, vào bẫy đèn ở nhiều địa phương đang rất cao, trong khi một số nơi, vụ lúa ĐX đã xảy ra dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây thiệt hại với diện tích cả ngàn ha. Ngoài ra, dịch muỗi hành cũng rất đáng lo ngại.

Việc xuống giống sớm sẽ gặp rủi ro cao về dịch bệnh

Bà Nguyễn Thị Kiều, PGĐ Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết: Kế hoạch xuống giống vụ HT của toàn thành phố là 78.100 ha, một số huyện như Thới Lai, Cờ Đỏ và quận Thốt Nốt cơ bản đã thu hoạch xong lúa ĐX. Nông dân tranh thủ thời gian lúa đang có giá cho xuống giống sớm hơn thời gian khuyến cáo của ngành đưa ra khoảng 15 ngày. Với tình hình xuống giống sớm vụ HT như hiện nay rất khó kiểm soát được sâu bệnh.

Ngành nông nghiệp Cần Thơ khuyến cáo các địa phương thu hoạch vụ lúa ĐX xong, tích cực vận động nông dân chuyển đổi trồng cây màu trên nền lúa kém hiệu quả.

Đối với những vùng có điều kiện xuống giống HT cần áp dụng xuống giống né rầy, đồng loạt, tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng, lưu ý tình hình hạn đầu vụ...

Chỉ đạo không xuống giống kéo dài, không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa đan xen. Dự kiến lịch thời vụ gieo sạ lúa HT 2018 như sau: Đợt 1 từ ngày 1 - 7/4; đợt 2 từ 16 - 21/4.

Theo Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang, diện tích lúa ĐX trên địa bàn bị nhiễm sâu bệnh là 23.322 ha, trong đó muỗi hành gần 5.000 ha, tỷ lệ từ 5 - 20% xuất hiện ở các huyện Tân Hiệp, Hòn Đất, Giồng Riềng; rầy nâu 9.386 ha, mật độ từ 750 – 3.000 con/m2, tuổi rầy 3 - 5, xuất hiện ở các huyện Tân Hiệp, Hòn Đất, Giồng Riềng, Châu Thành, Giang Thành và TP Rạch Giá.

TS Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang nhận định, một số ruộng muỗi hành đang xuất hiện, là điều kiện thích hợp để dịch lây lan, nhất là trên các trà lúa đang trong giải đoạn đẻ nhánh. Việc sử dụng thuốc BVTV đối với muỗi hành không đem lại hiệu quả cao. Vì vậy cần hạn chế tối đa để bảo tồn và duy trì nguồn thiên địch có lợi.

Những ruộng bị muỗi hành tấn công, gây hại ở giai đoạn sớm, cần chăm sóc, bón phân đầy đủ để cây lúa có sự đền bù chồi. Đối với rầy nâu, do lúa ĐX đang thu hoạch rộ nên có khả năng di trú sang các trà khác, nhất là những ruộng sạ dày và trồng giống nhiễm. Vì vậy, cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm, phòng trị kịp thời và hiệu quả.

“Những ruộng lúa đã thu hoạch lúa ĐX không nên gieo sạ lại ngay mà phải thực hiện tốt khâu vệ sinh đồng ruộng và cắt đứt nguồn sâu bệnh; nhất là rầy nâu và muỗi hành, đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa tối thiểu từ 15 - 20 ngày”, ông Giàu khuyến cáo.

Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Vụ HT 2018 toàn tỉnh sẽ xuống giống khoảng 228.546 ha. Thời điểm này các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên cơ bản đã thu hoạch dứt điểm vụ lúa ĐX. Nông dân xuống giống sớm vụ HT gần 1 tháng so với lịch thời vụ đưa ra.

Như vậy đối với các diện tích xuống giống sớm sẽ mang lại rủi ro rất cao như rầy nâu, muỗi hành tấn công nhiều ở những trà lúa sớm.

Về lâu dài, ông Thư khuyến cáo vụ HT 2018 tỉnh kiên quyết giảm diện tích đất lúa xuống mà tập trung chuyển sang trồng các cây ngắn ngày như rau màu đảm bảo mang lại hiệu quả cao, giảm áp lực về lượng nước tưới trong mùa khô. Sang vụ TĐ có thời gian xuống giống sớm thu hoạch trước lũ, giảm áp lực làm đê bao chống lũ.

Xem thêm
Lợn cấp cho hộ nghèo bị chết nghi do dịch tả lợn châu Phi

GIA LAI Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pah nghi lợn bị chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đơn vị đã phối hợp lấy mẫu xét nghiệp để kết luận nguyên nhân.

Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).