Theo đó, tỉnh Tiền Giang có 2 vùng trồng, với diện tích trên 90ha do các doanh nghiệp: Công ty TNHH Nông sản Thiện Tâm ở xã Long Trung và Công ty Vạn Hoà ở xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) làm đại diện xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc.
Tỉnh Tiền Giang có diện tích cây sầu riêng lớn nhất vùng ĐBSCL diện tích gần 17.000 ha, trong đó sản lượng hiện nay đạt gần 315.000 tấn/năm. Tỉnh Tiền Giang cũng có nhiều doanh nghiệp, HTX đang xây dựng mã số vùng trồng để đưa trái sầu riêng của địa phương xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Còn tại tỉnh Bến Tre, địa phương này cũng có 2 mã số vùng trồng và 2 mã số nhà đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp đợt này do 2 doanh nghiệp làm đại diện.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách) được cấp mã số nhà đóng gói và làm đại diện cho mã số vùng trồng tại xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách với diện tích 54,5ha. Công ty TNHH Green Powers (huyện Giồng Trôm) được cấp mã số nhà đóng gói và làm đại diện mã vùng trồng ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành với diện tích 12,95ha.
Theo ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết: Tỉnh Bến Tre còn 2 mã vùng trồng sầu riêng chuẩn bị gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh giá trực tuyến (online) để cấp mã với diện tích 45,7ha tại xã Phú Đức và xã Tân Phú, huyện Châu Thành.
Hiện nay, tỉnh Bến Tre có diện tích sầu riêng gần 2.500ha, trong đó gần 1.700ha trong thời kì cho trái với sản lượng gần 22.500 tấn/năm. Ông Nam cũng cho biết, canh tác sầu riêng trong thực hiện mã số vùng trồng cũng đơn giản, tương tự hình thức sản xuất theo tiêu chuẩnVietGAP. Tuỳ theo nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp mà đơn vị sẽ hỗ trợ để xây dựng mã số vùng trồng.
Còn tại tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho biết: “Vừa qua, phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đã khảo sát trực tuyến một số vùng trồng sầu riêng trong tỉnh. Tuy nhiên, còn phải thêm một đợt khảo sát dự kiến ngày 26/9 tới thì mới có kết quả”. Ông Phúc cũng cho biết thêm, tỉnh Vĩnh Long đang có trên 3.000ha cây sầu riêng. Nông dân vùng trồng đang háo hức mong đợi vùng trồng được cấp mã số để xuất khẩu sầu riêng thuận lợi hơn.
Việc được phía Trung Quốc cấp mã vùng trồng và mã đóng gói trên trái sầu riêng tại ĐBSCL là cơ hội giúp doanh nghiệp và nhà vườn đưa trái cây này xuất khẩu chính ngạch đạt giá trị cao và ổn định. Hiện nay, nông dân đang tích cực chăm sóc sầu riêng.