Sản xuất lúa giống cung cấp cho thị trường
Do nhu cầu đòi hỏi SX lúa chất lượng đáp ứng thị trường XK nên nông dân ĐBSCL đã có ý thức tuyển chọn các loại giống dễ tiêu thụ, được giá cao như OM 6976, OM 4218, OM 5451, OM 4900, Jasmine 85, IR50404 và nếp các loại. Năng suất lúa thuần đạt từ 7 - 8 tấn/ha và lúa nếp 9 - 10 tấn/ha. Các loại giống được nông dân tìm mua tại các trung tâm giống, đại lý, HTX, tổ hợp tác...
Ông Trần Thanh Tú ở xã An Bình A, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết, gia đình ông chuẩn bị xuống giống hơn 1ha với lượng giống khoảng 200kg, giá giống tăng nhẹ so với năm trước khoảng 200 đồng/kg. Nhiều năm trước gia đình chọn mua giống nguyên chủng cao hơn giống xác nhận từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, sau đó trồng và để lại giống cho vụ sau. Đã qua 2 mùa nên phải thay đổi giống để đảm bảo năng suất, chất lượng gạo.
Tùy theo nơi cung cấp giống mà giá lúa giống các loại có thể tăng nhẹ từ 2 - 5% so với năm trước. Cụ thể, Jasmine 85 cấp xác nhận từ 12.000 - 14.000 đồng/kg và cấp nguyên chủng từ 14.700 - 15.500 đồng/kg. Các giống lúa IR50404, OM 2517, OM 5451… phổ biến ở mức 10.500 - 11.500 đồng/kg đối với cấp xác nhận và khoảng 12.700 - 13.500 đồng/kg cấp nguyên chủng. Lúa giống OM 7347, OM 6976, OM 4218 khoảng 12.000 - 12.500 đồng/kg đối với cấp xác nhận và 14.000 - 15.000 đồng/kg cấp nguyên chủng.
Nông dân chọn mua giống chất lượng cao
Bà Phạm Thị Liên, chủ cửa hàng cung cấp giống ở thị xã Tân Châu, An Giang cho biết, bình quân mỗi vụ lúa bà cung ứng cho thị trường từ 15 - 20 tấn giống xác nhận, giá vụ này tăng 200 - 300 đồng/kg. Mặc khác, năm nay diện tích xả lũ nhiều, nông dân không sản xuất vụ 3 nên thiếu hụt giống.
Nguyên nhân khác làm giá lúa giống tăng do tập quán của nông dân thích sạ dày, mật độ từ 180 - 200 kg/ha. Trong khi ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân xuống giống mật độ vừa phải, từ 8 - 10 kg/công (1 công = 1.000m2 ) nhằm giảm chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu... Việc sạ dày làm tăng lượng giống cho vụ ĐX và dẫn đến việc thiếu hụt tạm thời và giá tăng.
Để tránh tình trạng khan hiếm giống và lưu hành giống trôi nổi kém chất lượng, các ngành chức năng khuyến cáo bà con đến các nơi tin cậy để chọn giống, sạ thưa, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV để tạo nông sản an toàn. |
Nông dân Ngô Hữu Hiệp làm 2ha lúa ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết, năm nay giá lúa bấp bênh quá, vụ TĐ vừa rồi ông trồng giống IR 50404, khi thu hoạch kêu bán vô cùng khó khăn. Rút kinh nghiệm, từ vụ ĐX năm nay ông quyết định chọn giống lúa chất lượng cao để cuối vụ dễ bán, giá cao.
Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp mới xuống giống vụ ĐX khoảng 30%/205.000ha. Năm nay tỷ lệ sử dụng giống xác nhận tăng từ 5 - 10% so với các năm trước.
Sở khuyến khích mở rộng cánh đồng lớn và cánh đồng liên kết để tăng lợi nhuận, giảm giá thành cho người sản xuất. Bình quân mỗi năm Đồng Tháp cần 70.000 tấn giống/3 vụ, riêng vụ ĐX năm nay tỉnh đã chủ động được hơn 20.000 tấn giống.
Nhìn chung năm nay lượng giống khá ổn định, các DN sản xuất giống trong tỉnh đủ đáp ứng nhu cầu trên 50% giống xác nhận đạt chất lượng xuất khẩu.
Năm nay thị trường lúa giống khá ổn định
Ông Nguyễn Văn Hồng, GĐ Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp cho biết, hiện bắt đầu vào vụ ĐX, thị trường lúa giống bắt đầu nóng lên từng ngày. Theo dự báo, giá lúa giống có tăng nhẹ hơn so với cùng kỳ. Nguyên nhân do năm nay đầu vụ mưa nhiều gây ngập úng làm chết lúa, nhiều hộ phải mua giống sạ lại. Theo ông Hồng, bình quân mỗi năm năm Cty tiêu thụ trên 3.000 tấn lúa giống các loại, riêng vụ ĐX 2016 - 2017 tiêu thụ khoảng 1.000 tấn giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh, chủ yếu các giống VD20, Nàng Hoa 9, Jasmine 85... Theo xu hướng hiện nay nông dân chọn giống lúa chất lượng tốt phục vụ XK.