Ngày 18/8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) làm việc với tỉnh Tiền Giang về việc chỉ đạo, triển khai công tác PCTT tại địa phương năm 2020.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã nghe báo cáo của Ban Chủ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang về công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn năm 2016 – 2020, toàn tỉnh Tiền Giang đã đầu tư 4.090 tỷ đồng cho công trình thủy lợi để phục vụ công tác PCTT.
Từ năm 2016-2019, trên địa bàn Tiền Giang đã tiến hành xử lý 415 điểm sạt lở bờ sông, bờ kênh với tổng chiều dài khoảng 42.612m, kinh phí gần 232 tỷ đồng. Trong các tháng đầu mùa mưa 2020, tình hình sạt lở trên địa bàn các huyện phía Tây đã xuất hiện 92 điểm sạt lở bờ sông, kênh rạch với tổng chiều dài 3.607 m, ước tổng kinh phí xử lý 83,4 tỷ đồng.
Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Tiền Giang, địa phương vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Cơ sở vật chất, phương tiện, trang tiết bị, công cụ hỗ trợ về phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, chưa đảm bảo; tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản, diện tích đất bị mất ngày càng tăng; tình hình thiên tai, xâm nhập mặn hiện đang ảnh hưởng rất lớn đời sống dân sinh và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Tuy nhiên, do nguồn lực của Tiền Giang còn nhiều hạn chế, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét ghi vốn đầu tư công giai đoạn trung hạn 2021-2025 để hỗ trợ tỉnh đầu tư các dự án trọng yếu PCTT tại địa phương.
Ông Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Đỉnh lũ năm 2020, ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc có khả năng ở trên mức báo động 1 và xuất hiện vào cuối tháng 9. Khả năng xuất hiện lũ lớn là không nhiều, tuy nhiên nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây tác động tiêu cực đến vùng ĐBSCL.
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, ông Trần Hồng Thái đề nghị tỉnh Tiền Giang tập trung vào 13 nội dung theo đề cương báo cáo. Trong thời gian vừa qua, công tác phòng, chống thiên tai vẫn tồn tại một số hạn chế như: chính quyền, người dân ở một số vùng còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng chống thiên tai; nguồn lực cho phòng chống thiên tai còn hạn chế; công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của các địa phương chưa gắn với công tác phòng chống thiên tai… và đặc biệt do tình hình dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp.
Do đó, ông Trần Hồng Thái đề nghị tỉnh Tiền Giang phải xem công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo, không chủ quan để hướng tới xã hội an toàn trước thiên tai.