Bạc Liêu xuất hiện ổ dịch đầu tiên
Ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu cho biết, trên địa bàn vừa phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên huyện Vĩnh Lợi và đã được tiêu hủy xong vào sáng nay 1/6.
Theo ông Thông, vào chiều 31/5, nhận được tin báo của người dân, cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đàn lợn đang nuôi của hộ ông Phạm Văn Mười, tại ấp B1, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, kết quả dương tính bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Ngay sau đó, cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương, hộ gia đình, tiến hành tiêu hủy 10 con lợn (gồm 7 con lợn nái) theo đúng quy định của thú y.
Kết quả mẫu xét nghiệm dương tính với DTHCP tại Bạc Liêu |
Cùng với đó, ngành thú y triển khai thực hiện các giải pháp khoanh vùng, khống chế dịch bệnh; tăng cường tuần tra, giám sát, lập các chốt ngăn chặn, kiểm soát khâu vận chuyển, nhập lợn vào địa bàn; đồng thời tiến hành sát trùng khu vực xung quanh ổ dịch…
Theo cơ quan thú y, việc lây nhiễm dịch tả châu Phi có nhiều khả năng từ mầm bệnh lợn ngoài tỉnh, vì trước đó các địa phương giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu gồm Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi với số lượng lớn.
Bạc Liêu có đàn lợn tương đối lớn, nhưng do đặc thù chăn nuôi của người dân theo hộ gia đình, hệ thống chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, con giống, việc phòng, chống dịch bệnh chưa được quan tâm, ý thức người chăn nuôi còn nhiều hạn chế.
Hơn nữa, Bạc Liêu là vùng sông nước, sông ngòi chằng chịt, chuồng trại xây dựng ven sông rạch, khâu vệ sinh, xử lý môi trường không đảm bảo... nên khả năng lây lan, phát tán dịch tả lợn châu Phi ra diện rộng là rất cao.
Tiền Giang lo ngại heo chết vứt xuống sông
Chiều ngày 1/6, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đã chủ trì cuộc họp nhằm triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch tả heo Châu Phi.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các huyện nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Sở NN-PTNT xây dựng kịch bản xử lý khi xảy ra dịch bệnh; phối hợp với các sở, ngành liên quan để xây dựng mức giá thuê nhân công cho các đội xử lý khi xảy ra dịch…
Bên cạnh đó, ông Hưởng cũng yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường hỗ trợ quản lý chặt việc giết mổ và buôn bán thịt heo tại lò mổ và ngoài thị trường.
Đối với tình trạng heo chết vứt bừa bãi xuống sông, rạch phải tính toán phương án xử lý và trục vớt tránh lây lan nguồn bệnh.
Trước đó, ngày 30/5, hộ nuôi tại xã Long Khánh (thị xã Cai Lậy) phát hiện lợn nuôi có dấu hiệu của bệnh dịch tả đã báo ngành thú y. Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu xét nghiệm, có 3/5 mẫu dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Trong ngày 1/6, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu huỷ đàn nuôi nhiễm bệnh.
Tăng cường công tác kiểm dịch tại các chốt |
Đến chiều 31/5, tại hộ ông Nguyễn Thành Chiến, ấp Mỹ Hiệp (xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang) chủ đàn heo cho biết, đàn heo ông đang nuôi đã có dấu hiệu bị DTHCP khoảng 1 tuần nay.
Đàn heo này có 20 con, 7 con heo đã chết. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang đã cho lấy mẫu kiểm tra đàn heo bị bệnh này. Bước đầu cho kết quả dương tính với dịch tả heo Châu phi.
Theo Sở NN-PTNT, Tiền Giang hiện có khoảng 35.000 hộ chăn nuôi heo với hơn 560.000 con, trong đó, chăn nuôi hộ gia đình chiếm hơn 99%.
Trên địa bàn tỉnh đã có 5 chốt kiểm dịch cấp tỉnh tại các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ và 1 chốt kiểm dịch cấp huyện do UBND huyện Tân Phước thành lập.