| Hotline: 0983.970.780

Đề án cây, con chủ lực nhạt nhòa do... 'rải mành mành'

Thứ Năm 25/08/2022 , 07:15 (GMT+7)

NGHỆ AN Lựa chọn quá nhiều cây, con, trong khi nguồn lực đầu tư ít, thiếu tập trung... nên Đề án Phát triển cây, con chủ lực của Nghệ An chưa thực sự tạo được chuyển biến.

Đề án phát triển cây, con chủ lực ở Nghệ An được ban hành lần thứ nhất tháng 5/2014. Sau 6 năm thực hiện, kết quả đạt được còn nhiều hạn chế. Vì vậy, lần thứ hai UBND tỉnh Nghệ An đã có những điều chỉnh, bổ sung cho sát thực tế với tình hình mới trong giai đoạn 2020 - 2025. Sau hai năm thực hiện, đề án đã tạo ra được một số chuyển biến, nhưng nhìn chung chưa thật sự tạo được chuyển biến như mong muốn.

50% cây, con chưa đạt mục tiêu

Đề án phát triển cây, con chủ lực giai đoạn 2014 đến 2020, Nghệ An xác định 21 cây, con. Trong đó trồng trọt có 10 cây (lúa, ngô, lạc, sắn, mía, chanh leo, cam, chè, cao su, cây thức ăn chăn nuôi). Chăn nuôi có 11 con (trâu, bò thịt, lợn, gia cầm, bò và bê sữa, sản phẩm sữa tươi, tôm, cá nước ngọt, hươu). Lâm nghiệp có diện tích trồng rừng nguyên liệu và cây dược liệu. Sau 6 năm thực hiện, trong số 21 cây, con chủ lực thì chỉ có 7 cây và 4 con đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

nghe-an-co-vu-lua-xuan-duoc-mua-lon-nhat-khong-theo-quy-luat-1531_20200512_854-154846

Sản xuất lúa là một trong số những cây chủ lực đạt được các mục tiêu của đề án của Nghệ An. Ảnh: TL.

Số cây đạt và vượt kế hoạch đề ra có các cây: Lúa, ngô, mía, sắn nguyên liệu, diện tích rừng nguyên liệu, cây thức ăn chăn nuôi. Trong đó có những cây đạt và vượt kế hoạch khá, như: Cây lúa sản lượng đạt 946.160 tấn/kế hoạch 936.650 tấn; sản lượng ngô đạt 271.208/kế hoạch 270.000 tấn; sản lượng sắn đạt 403.000/kế hoạch 400.000 tấn… Các chỉ tiêu về chăn nuôi có 4 con chủ lực đạt và vượt kế hoạch đề ra, gồm có: Trâu, bò, gia cầm và cá nước ngọt, đều có sản lượng đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ 100 - 150%.

Như vậy, còn gần 50% số cây, con chủ lực trong số 21 cây, con chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, gồm: Cây lạc, sản lượng đạt 40.600 tấn/kế hoạch 56.000 tấn; cây chanh leo đạt 8.500 tấn/kế hoạch 45.000 tấn; thịt lợn đạt 163.000/180.000 tấn; sản lượng sữa tươi đạt 250.000/850.000 tấn; đàn bò và bê sữa đạt 60.000/kế hoạch 137.000 con; sản lượng tôm đạt 8.200/kế hoạch 13.000 tấn.

Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, thay vì 21 cây con chủ lực như trước đây, Sở NN-PTNT Nghệ An đã tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý và những người sản xuất có kinh nghiệm và nhất trí loại bỏ 10 loại cây, con vừa kém hiệu quả, vừa chưa thực sự thiết thực; giữ lại 11 cây, con tiếp tục được tổ chức chỉ đạo phát triển mạnh, gồm nhóm các cây lương thực; nhóm cây rau, củ, quả, nhóm cây nguyên liệu; nhóm cây ăn quả; nhóm cây nguyên liệu gỗ và nhóm cây dược liệu. 5 con chủ lực gồm có gia súc lớn (trâu, bò, dê), lợn thịt, gia cầm, tôm nuôi, cá nước ngọt. Các cây con được đưa ra khỏi danh sách cây, con chủ lực, có: Lạc, chanh leo, cây thức ăn chăn nuôi, cao su, hươu.

photo-1-15681018008521404857384

Chanh leo từng được đặt kỳ vọng lớn, nhưng đến nay ngày càng đi xuống do chưa có những chiến lược phát triển bài bản. Ảnh: TL.

Sau 2 năm có sự sửa đổi Đề án từ 21 cây con xuống còn 11 cây, con, tuy có tạo ra được một số chuyển biến tích cực về thương hiệu, về quy trình canh tác để đạt chuẩn OCOP… nhưng kết quả vẫn còn rất khiêm tốn và chưa có sự chuyển biến như mục tiêu kế hoạch đề ra.

Điển hình nhất là cây cam, cây có thế mạnh ở Nghệ An với thương hiệu cam Vinh nổi tiếng khắp cả nước, thế nhưng trong năm 2021, đã có trên 1.000ha cam ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Con Cuông đã bị bà con nông dân chặt bỏ do sâu bệnh, do không được đầu tư chăm sóc tốt nên thoái hóa dần. Cây mía, cây chè cũng đang có chiều hướng giảm dần cả diện tích, năng suất và sản lượng. Đàn lợn và bò do ảnh hưởng của dịch bệnh liên tiếp xẩy ra và giá cả thức ăn tăng cao đang hạn chế rất nhiều đến việc phát triển.

Lựa chọn cây, con chủ lực "rải mành mành"

Thứ nhất: Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhiều cán bộ khoa học, cán bộ kỹ thuật và một số nhà quản lý, nguyên nhân cơ bản của tình trạng nói trên là do định hướng, lựa chọn phát triển cây, con chủ lực quá nhiều, quá dàn trải, nên từ việc tổ chức chỉ đạo thực hiện đến nguồn lực hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách bị phân tán, không đạt yêu cầu mục tiêu đề ra.

Thứ hai: Chưa thực sự làm tốt mối liên kết giữa "4 nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp). Trong đó, chưa chú trọng sự liên kết có trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân để khuyến khích phát triển sản xuất.

Đồi dứa ở Quỳnh Lưu chuẩn bị vào mùa thu hoạch

Lựa chọn cây, con quá nhiều, trong khi thiếu nguồn lực đầu tư hỗ trợ khiến nhiều cây trồng thực sự có thế mạnh của Nghệ An không thể bứt phá. Ảnh: ST.

Thứ ba: Còn xem nhẹ vai trò đóng góp của khoa học kỹ thuật ngay từ khi xây dựng dự án đến tổ chức thực hiện. Điều đó được thể hiện rõ qua việc rất ít được tổ chức lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý có kinh nghiệm, có trình độ nghề nghiệp. 

Thứ tư: Đầu tư thâm canh cho cây, con chủ lực còn nhiều hạn chế. Ngoài các cơ chế chính sách của tỉnh ban hành để phát triển cây, con chủ lực giai đoạn 2014 – 2020 bình quân mỗi năm 80 tỉ đồng, giai đoạn 2021 – 2025 sẽ là 90 – 100 tỉ đồng và mỗi năm tăng thêm 20% để đến năm 2025 mức hỗ trợ đạt 120 tỉ đồng. Nhưng, người dân xem ra đang ỉ lại sự hỗ trợ của nhà nước, còn từng hộ dân bỏ vốn ra để đầu tư đúng, đủ như quy trình sản xuất cây, con đề ra thì chưa đủ, chưa nhiều. Vì vậy, năng suất và sản lượng cây, con đạt được còn rất hạn chế, hiệu quả thấp. 

Thứ năm: Công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện chưa thật chặt chẽ, thiếu cụ thể và không liên tục. Việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương chỉ đạo thực hiện nội dung đề án còn lỏng lẻo. Vì vậy, sau gần 8 năm thực hiện đề án, kết quả đạt được còn quá khiêm tốn, chưa thật sự đem lại hiệu quả như mong muốn.

Phải xác định đâu là cây, con chủ lực thực sự

Bất cứ địa phương nào khi nói đến việc mở rộng sản xuất hay phát triển cây, con chủ lực, điều đầu tiên phải tính đến đó là điều kiện đất đai, khí hậu, lao động, nguồn lực đầu tư, khối lượng hàng hóa sản xuất ra, khả năng tiêu thụ… Không thể tổ chức sản xuất theo ý chí chủ quan hoặc chạy theo phong trào.

Vì vậy, đề án phát triển cây, con chủ lực ở Nghệ An đang thực hiện hiện nay theo chúng tôi, tỉnh và Ban quản lý Đề án cần tập trung lưu ý và chỉ đạo tốt mấy vấn đề sau đây:

Mùa thu hoạch cam ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An

Cây cam thực sự là cây có tiềm năng, lợi thế ở Nghệ An, song lại chưa có sự chú trọng quan tâm đầu tư về chính sách, khiến nhiều vùng cam ngày càng tàn lụi. Ảnh: ST.

Một là tiếp tục rà soát lại một lần nữa những cây, con chủ lực thực sự. Cần phải xác định rõ ràng thế nào là cây, con chủ lực? Đã là cây, con chủ lực, cây con đó phải chiếm một tỷ lệ lớn trong đời sống, trong sản xuất kinh doanh có hiệu quả, phải mang tính cạnh tranh, tính đặc thù của địa phương và tính bền vững.

Đưa vào quá nhiều cây, con chưa đúng đối tượng là chủ lực thì đầu tư sẽ dàn trải, thiếu tập trung, thiếu kết nối giữa các nguồn lực khoa học, khó thu hút doanh nghiệp. Vì vậy khó kết nối chuỗi, trong khi chúng ta chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, cho nên sản phẩm đầu ra giá trị thấp, bấp bênh, chất lượng không cao, tính cạnh tranh kém…

Vì vậy cần rà soát lại những cây, con nào thực sự đúng nghĩa là cây, con chủ lực thì để lại, còn lại mạnh dạn loại ra, để tập trung nguồn lực đầu tư mạnh vào những cây, con chủ lực thực sự nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Với Nghệ An cây chủ lực có thể là: Lúa gạo chất lượng cao, cam hàng hóa, dứa chế biến và xuất khẩu… Con chủ lực, nên tập trung vào con trâu, bò (cả bò thịt và bò sữa), lợn, tôm và cá nuôi…

Do nguồn lực đầu tư có hạn, tỉnh phải xác định thứ tự ưu tiên để hỗ trợ đúng từng đối tượng cần được ưu tiên trước và nhiều hơn. Trong nguồn lực đầu tư, cần có sự đầu tư nhiều vào hạ tầng và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết có trách nhiệm giữa "4 nhà" (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp), coi đây là yếu tố tiên quyết để người dân yên tâm đầu tư vào sản xuất. Trong "4 nhà" nói trên, nhà nông và nhà doanh nghiệp giữ vai trò quyết định thành công và bền vững, phải hành động với quyết tâm “cùng thắng, cùng chia sẻ trách nhiệm khi gặp rủi ro”.

Xem thêm
Nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn, giá bán tăng 4 - 5 ngàn đồng/kg

HÀ TĨNH Nuôi lợn theo hướng tuần hoàn trên nền đệm lót sinh học chuồng luôn khô thoáng, không mùi hôi, không nước thải, giá cao hơn lợn nuôi truyền thống từ 4 - 5 ngàn đồng/kg.

Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.