| Hotline: 0983.970.780

Vì sao khó tuyển thú y xã?

Thứ Tư 06/07/2022 , 07:05 (GMT+7)

Cuối năm 2021, Nghệ An đã có nghị quyết khôi phục lại hệ thống cán bộ thú y xã. Tuy nhiên, hiện mới chỉ tuyển được 285/460 người do tuyển dụng rất khó khăn.

Muốn làm không đủ yêu cầu, đủ yêu cầu lại không muốn làm

Bài liên quan

Hệ thống cán bộ thú y cấp xã là một lực lượng cực kỳ quan trọng, không thể thiếu trong việc phòng, chống dịch bệnh động vật. Chính đội ngũ cán bộ thú y xã là những người trực tiếp làm nhiệm vụ giám sát, xử lý các ổ dịch, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở, hướng dẫn vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi, tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm hàng vụ, hàng năm. Mỗi lần dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra, đội ngũ cán bộ thú y vất vả chẳng kém gì đội ngũ cán bộ y tế xã, phường khi có dịch bệnh xảy ra ở con người.

Đến nay, việc tuyển dụng để khôi phục lại hệ thống cán bộ thú y cấp xã của Nghệ An vẫn hết sức chật vật do thiếu người đủ tiêu chuẩn phù hợp. Ảnh: Tư liệu.

Đến nay, việc tuyển dụng để khôi phục lại hệ thống cán bộ thú y cấp xã của Nghệ An vẫn hết sức chật vật do thiếu người đủ tiêu chuẩn phù hợp. Ảnh: Tư liệu.

Sau những bất cập do không còn cán bộ thú y cấp xã, ngày 9/12/2021, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND. Trong đó quyết định chức danh Thú y vào nhóm chức danh bán chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ tuyển dụng lại được 285 cán bộ thú y xã, trong khi nhu cầu toàn tỉnh là 460 người. Như vậy, toàn tỉnh vẫn còn thiếu 175 cán bộ thú y cấp xã.

Ông Nguyễn Trọng Hưng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết, là huyện có tổng đàn gia súc, gia cầm vào loại lớn nhất tỉnh nhưng đến nay toàn huyện mới tuyển dụng lại được 18/39 cán bộ thú y xã, còn lại 21 xã vẫn trống cán bộ thú y.

Theo ông Hương, nguyên nhân khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ thú y xã là theo quy định, người được tuyển dụng phải có bằng tốt nghiệp cấp 3, trung cấp chuyên ngành thú y trở lên, trong khi những người vừa trẻ, vừa có đủ bằng cấp lại không muốn làm. Trong khi đó, có rất nhiều người đã có thâm niên và kinh nghiệm làm việc trong ngành thú y lại không thể tuyển dụng lại được do không đáp ứng được yêu cầu về bằng cấp. Việc thiếu cán bộ thú y cấp xã đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay.

Đa số cán bộ thú y có kinh nghiệm không đủ tiêu chuẩn để tuyển dụng lại, trong khi lực lượng trẻ khỏe, có đủ yêu cầu lại không mặn mà với công việc thú y xã. Ảnh: NNVN.

Đa số cán bộ thú y có kinh nghiệm không đủ tiêu chuẩn để tuyển dụng lại, trong khi lực lượng trẻ khỏe, có đủ yêu cầu lại không mặn mà với công việc thú y xã. Ảnh: NNVN.

Đối với các huyện miền núi, việc bố trí lại chức danh thú y xã lại càng khó khăn hơn nhiều. Sau nhiều lần, nhiều tháng ra thông báo tuyển dụng, đến nay xã Chi Khê, huyện Con Cuông chỉ nhận được một bộ hồ sơ ứng tuyển. Nhưng, rất đáng tiếc người nộp hồ sơ xin được ứng tuyển vào chức danh thú y xã lại không đáp ứng tiêu chí về trình độ, bằng cấp.

Có huyện mới tuyển được 1 người

Bà Nguyễn Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Khê cho biết, do chưa tuyển được người vào vị trí chức danh thú y xã, nên thời gian qua, việc phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong xã gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt trong các đợt tiêm phòng theo chủ trương của tỉnh và huyện, UBND xã phải thuê người làm, cho dù nguồn kinh phí rất khó khăn hạn hẹp, nhưng xã vẫn phải thuê, tuy nhiên do việc phải thuê dịch vụ nên công tác tiêm phòng đạt tỉ lệ thấp, và xã cũng đành phải chấp nhận.

Một số huyện, nhất là huyện miền núi của Nghệ An, việc tuyển dụng lại cán bộ thú y xã càng khó khăn, có huyện hiện mới chỉ tuyển được 1 người. Ảnh: TL.

Một số huyện, nhất là huyện miền núi của Nghệ An, việc tuyển dụng lại cán bộ thú y xã càng khó khăn, có huyện hiện mới chỉ tuyển được 1 người. Ảnh: TL.

Theo bà Lô Thị Tâm, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Con Cuông: Đến thời điểm này, toàn huyện chỉ mới có 5/13 xã tuyển dụng được cán bộ thú y. Người vừa có tâm, vừa muốn làm, vừa có kinh nghiệm trong nghề không được tuyển dụng lại do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn bằng cấp. Trong khi đó, những người trẻ khỏe, có đủ bằng cấp lại không mặn mà với công việc thú y cấp xã, mà thích đi làm ăn xa hoặc công việc khác có thu nhập cao hơn, kể cả đi làm công nhân ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có 3 địa phương là huyện Quỳ Châu, huyện Nghĩa Đàn và Thị xã Cửa Lò là đã tuyển dụng đủ chỉ tiêu cán bộ thú y xã, còn lại 18 huyện/thành, thị chưa tuyển đủ người vào vị trí này. Trong đó, một số huyện có tỉ lệ tuyển dụng đạt rất thấp như: Kỳ Sơn mới tuyển dụng được 1/21 xã, Nghi Lộc 7/29 xã, Thanh Chương 20/38 xã, Anh Sơn 3/21 xã…

Ông Đặng Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương nhanh chóng khôi phục hệ thống thú y cấp xã, phường và thị trấn. Riêng Sở NN-PTNT đã trực tiếp xuống từng huyện, thành, thị để đốc thúc việc tuyển dụng, tuy nhiên tình hình tuyển dụng vẫn gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn nhất là quy định về tiêu chí tuyển dụng.

Chế độ chính sách, thu nhập của cán bộ thú y xã chưa đủ sức thu hút lực lượng trẻ có trình độ. Ảnh: TL.

Chế độ chính sách, thu nhập của cán bộ thú y xã chưa đủ sức thu hút lực lượng trẻ có trình độ. Ảnh: TL.

Cụ thể đối với vùng đồng bằng, người được tuyển dụng phải có bằng trung cấp chuyên ngành thú y trở lên, vùng miền núi phải có bằng sơ cấp thú y trở lên. Có thể nói tiêu chí quy định không sai, nhưng vì cơ chế chính sách, chế độ phụ cấp… chưa đáp ứng được tương xứng cho người làm công tác thú y ở cơ sở, nên một số lượng khá lớn người có đầy đủ bằng cấp và sức khỏe tốt không mặn mà. Đa số người đủ tiêu chuẩn đều muốn sử dụng chuyên môn của mình sang làm dịch vụ, như mở cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thăm khám chữa bệnh cho gia súc, gia cầm khi có người mời gọi…

Xem thêm
Nuôi lợn nông hộ có thêm phao nhờ vacxin ASF: Còn nước còn tát không ngờ vớ được 'bí kíp'

HÀ NỘI Tháng 3/2024, những hộ nuôi lợn tại thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội) đều mất trắng, chỉ sót lại đúng trại của gia đình anh Hoàng Văn Chuyển.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.