| Hotline: 0983.970.780

Cần thận trọng phát triển cây mắc ca tại Nghệ An

Thứ Ba 09/08/2022 , 08:01 (GMT+7)

Mắc ca từng được trồng thử ở nhiều đơn vị tại Nghệ An từ năm 2003. Kết quả, cây phát triển tốt, ra hoa sai nhưng lại không đậu quả hoặc ra quả rất ít.

Cây mắc ca được trồng tại Tây Nguyên, nhiều nơi cho kết quả tốt, năng suất rất cao. Ảnh: NNVN.

Cây mắc ca được trồng tại Tây Nguyên, nhiều nơi cho kết quả tốt, năng suất rất cao. Ảnh: NNVN.

Vài nét về cây mắc ca

Không thể chỉ căn cứ vào những đặc tính và giá trị của cây mắc ca về mặt lý thuyết trên sách vở, trên các phương tiện thông tin đại chúng và từ kết quả của các tỉnh khác để xem đó là cơ hội lớn cho nhiều vùng miền tây Nghệ An phát triển mạnh cây mắc ca. Việc phát triển cây mắc ca ở Nghệ An cần phải có đủ cơ sở khoa học trước khi đưa ra chủ trương mở rộng diện tích trên quy mô lớn hàng nghìn ha. 

Về mặt khoa học, trong sản xuất nông nghiệp, trước khi đưa một loại cây trồng vào sản xuất, nhất thiết phải qua các bước từ nghiên cứu khảo nghiệm đến sản xuất thử trên diện hẹp để theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu về sinh trưởng, phát triển qua các mốc thời gian trong từng mùa vụ, trên từng loại đất khác nhau, cũng như đánh giá về sự ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng chống chịu sâu bệnh và cuối cùng là hiệu quả kinh tế...

Nông dân đi thăm mô hình trồng cây mắc ca tại xã Yên Hợp (Qùy Hợp, Nghệ An). Ảnh: TN-MT.

Nông dân đi thăm mô hình trồng cây mắc ca tại xã Yên Hợp (Qùy Hợp, Nghệ An). Ảnh: TN-MT.

Nếu sản xuất thử cho kết quả tốt, mới tiếp tục mở rộng dần diện tích trồng dưới dạng mô hình trình diễn để tổ chức tham quan, hội thảo giới thiệu cây trồng mới trước khi đưa ra chủ trương mở rộng quy mô, trồng trên từng địa bàn cụ thể.

Mắc ca là một cây trồng mới chưa nhiều người biết. Nó là loại cây thân gỗ to cao, có nguồn gốc từ Châu Đại Dương (Úc), tên khoa học Macadania, thuộc họ Proteaceae. Cây có tán rộng, bộ rễ nông, hoa màu trắng hoặc hoa hồng. Hoa nở tập trung từ tháng 2 đến tháng 3, tùy thuộc vào nhiệt độ của từng vùng tiểu khí hậu khác nhau mà có thể nở hoa sớm hơn hoặc muộn hơn.

Mắc ca là cây song tử diệp điển hình, lá mọc vòng, cũng có trường hợp 2 lá mọc đối xứng hoặc 4 lá mọc thành vòng. Hoa lưỡng tính, không có cánh hoa (dạng hoa trần). Quả khô, có hình trụ. Trong vỏ quả chứa hạt, hạt chứa dầu cho thương phẩm gần giống hạt diều. Cây mắc ca có thể trồng thuần hoặc xen trên đất tơi xốp, có tầng đất canh tác càng sâu càng tốt và là cây có vòng đời khai thác từ 90 – 100 năm. Giống cây mắc ca được trồng hiện nay chủ yếu bằng phương pháp ghép cành, nên chỉ sau khi trồng 3 – 4 năm đã ra hoa, kết quả.

Cây mắc ca đã trồng ở Nghệ An có kết quả ra sao?

Năm 2003, cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đích thân vào Nghệ An chỉ đạo trồng thử cây mắc ca ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Hiếu và ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Con Cuông.

Cây mắc ca được một số hộ dân trồng tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Đài Nghĩa Đàn.

Cây mắc ca được một số hộ dân trồng tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Đài Nghĩa Đàn.

Ông Hồ Đình Thế, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Hiếu cho biết: Năm 2003, Công ty trồng rải rác được khoảng 500 cây dọc hai bên đường Quốc lộ 48 từ Nghĩa Đàn lên Quỳ Châu, Quế Phong và tại khuôn viên văn phòng Công ty 20 cây.

Sau trồng 3 năm, cây nào cũng phát triển tốt, ra hoa nhiều và năm nào cũng vậy, cứ vào tháng 2 - 3 là ra hoa. Nhưng, thật đáng tiếc, cây nào cũng ra hoa nhiều, mà đậu quả thì rất ít, thậm chí có cây không có quả hoặc có quả không đáng kể.

Theo lý giải của ông Hồ Đình Thế, sở dĩ cây mắc ca ra hoa nhiều, nhưng tỉ lệ đậu quả rất ít là do cấu tạo hoa mắc ca là hoa trần và thời kỳ ra hoa tháng 2, tháng 3 ở Nghệ An nói chung, khu vực miền tây Nghệ An nói riêng là thời điểm trời có mưa nhiều, kèm theo gió mùa đông bắc tràn về kéo dài, thời gian mưa, ẩm vừa làm trôi và vừa làm dính bết phấn hoa, nên tỉ lệ đậu quả rất thấp… Từ đó, theo ông Hồ Đình Thế, cây mắc ca chỉ nên trồng thành cây rừng phòng hộ thì tốt, vì cây xanh tốt quanh năm. Còn trồng để lấy quả như ở các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh vùng Tây Bắc Nghệ An thì không có hiệu quả.

Ông Nguyễn Ngọc Lam, Giám đốc Công ty MTV Lâm nghiệp Con Cuông (trước đây là Lâm trường Con Cuông) trong một lần kiểm tra tình hình phát triển, ra hoa đậu quả của cây mắc ca. Ảnh: Tư liệu công ty.

Ông Nguyễn Ngọc Lam, Giám đốc Công ty MTV Lâm nghiệp Con Cuông (trước đây là Lâm trường Con Cuông) trong một lần kiểm tra tình hình phát triển, ra hoa đậu quả của cây mắc ca. Ảnh: Tư liệu công ty.

Ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Con Cuông, ông Nguyễn Ngọc Lam – Giám đốc Công ty cho biết: Ngày 7/10/2003, Sở NN-PTNT Nghệ An đã có công văn số 2221/CV-NN giao nhiệm vụ cho Công ty trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện Con Cuông, gồm: Trồng trên đất Công ty 4.057 cây và trồng ở 6 xã 8.000 cây (xã Môn Sơn 2.000 cây, xã Lục Dạ 1.200 cây, xã Yên Khê 2.000 cây, xã Bồng Khê 1.000 cây, xã Mậu Đức 1.000 cây). Tổng số cây được trồng là 12.057 cây, tương đương với diện tích 20 – 21ha. Phần lớn cây mắc ca sau khi trồng được 3 năm đều ra hoa nhiều, nhưng kết quả thì rất ít và thậm chí có cây hầu như không có quả.

Cũng như lý giải của ông Hồ Đình Thế, ông Nguyễn Ngọc Lam cho rằng, sở dĩ cây mắc ca trồng ở đây hoa ra nhiều, nhưng đậu quả ít là do mùa ra hoa của cây mắc ca chủ yếu từ tháng 2 đến tháng 3 hàng năm và chính thời gian sau này thời tiết ở Nghệ An thường là mưa phùn và gió mùa đông bắc kéo dài, ẩm độ không khí cao, thậm chí có cả sương muối.

Đoàn cán bộ huyện Con Cuông (Nghệ An) đi thăm mô hình trồng mắc ca ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) năm 2019. Ảnh: Báo Nghệ An.

Đoàn cán bộ huyện Con Cuông (Nghệ An) đi thăm mô hình trồng mắc ca ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) năm 2019. Ảnh: Báo Nghệ An.

Trong khi đó, cấu tạo hoa mắc ca là hoa trần, không có cánh hoa (giống hoa xoài). Vì vậy khi gặp mưa kéo dài, ẩm độ không khí cao thì phấn hoa đực thối đen hết và quả sẽ rất ít hoặc không có quả. Trong những năm qua, bình quân mỗi cây cho thu hoạch chỉ 5 – 6kg quả, năm nào thời tiết thuận lợi hơn thì cây cho nhiều quả nhất cũng chỉ ở mức 15 - 20kg. Chính vì vậy, một số diện tích cây mắc ca đã bị chặt phá để trồng cây khác có hiệu quả hơn.

Để làm cơ sở cho việc có nên mở rộng diện tích trồng cây mắc ca ở Nghệ An hay không, ngày 1/4/2019 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Con Cuông đã có báo cáo đánh giá thực trạng cây mắc ca đã trồng khảo nghiệm và trồng đại trà ở 6 xã trên địa bàn huyện Con Cuông.

Theo kết luận của báo cáo đó cho thấy: Cây mắc ca phát triển tốt ở Nghệ An, nhưng thời kỳ ra hoa, kết quả không phù hợp với đặc thù thời tiết, khí hậu ở Nghệ An. Vì vậy, hiệu quả kinh tế rất thấp và đó là nguyên nhân nhiều diện tích cây mắc ca đã bị chặt bỏ để trồng lại cây khác có hiệu quả hơn.

Còn theo ông Nguyễn Văn Lập, nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, qua theo dõi cây mắc ca được đem vào trồng thử ở Nghệ An cho thấy không có hiệu quả và không nên có chủ trương mở rộng diện tích trồng loại cây này ở Nghệ An.

Đã nên mở rộng diện tích trồng mắc ca ở Nghệ An?

Mắc ca là cây trồng có nguồn gốc xuất xứ từ bang Queensland (Úc), thuộc vùng khí hậu ôn đới. Mắc ca không phải là cây dễ trồng như các cây cao su, cà phê… GS.TS Lê Đình Khả, người đã gắn bó với cây mắc ca từ những ngày đầu gia nhập vào Việt Nam và đã có nhiều công trình nghiên cứu về cây này khuyến cáo: Thời gian qua, có tình trạng tâng bốc thái quá về giá trị của cây mắc ca và là loại cây dễ trồng, cho thu nhập cao.

UBND huyện Con Cuông (Nghệ An) tổ chức cho cán bộ các xã đi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình trồng cây mắc ca tại xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) năm 2019. Ảnh: Báo Nghệ An.

UBND huyện Con Cuông (Nghệ An) tổ chức cho cán bộ các xã đi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình trồng cây mắc ca tại xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) năm 2019. Ảnh: Báo Nghệ An.

Thực chất, không ít trường hợp họ tung hô mở rộng diện tích trồng mắc ca để bán giống. Mắc ca là loại cây trồng rất khó tính, không phải nơi nào cũng trồng được, đầu tư lớn, rủi ro nhiều. Vì vậy, không chủ quan, không trồng mắc ca theo phong trào. Do đó, cách duy nhất để tránh rủi ro là trước khi quyết định mở rộng diện tích trồng, bắt buộc phải trồng khảo nghiệm thí điểm và chỉ khi nào có kết quả đạt yêu cầu thì mới mở rộng diện tích.

GS.TS Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra Quy hoạch rừng cho hay, qua nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, ở Việt Nam cây mắc ca có thể phát triển tốt ở 2 vùng là Tây Nguyên và Tây Bắc. Còn lại các vùng khác vào mùa cây mắc ca ra hoa có mưa phùn thì cây sẽ rất ít đậu quả, năng suất rất thấp, thậm chí không có thu hoạch.

Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết, cây mắc ca đã được đưa vào trồng ở Nghệ An từ mấy năm nay với diện tích trên dưới 200ha, nhưng kết quả chưa rõ ràng, nơi được, nơi mất, năm được, năm mất, cây có quả, cây không có quả. Nói chung, năng suất bình quân còn rất thấp và không ổn định. Nguyên nhân, theo bà Nhung là do khí hậu thời tiết lúc cây ra hoa không thuận lợi và chế độ đầu tư thâm canh, chăm sóc chưa đạt yêu cầu.

Cây mắc ca được đưa vào trồng tại năm 2021 tại xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An). Ảnh: Tạp chí Nông thôn Việt.

Cây mắc ca được đưa vào trồng tại năm 2021 tại xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An). Ảnh: Tạp chí Nông thôn Việt.

Vì vậy sắp tới, để có cơ sở khoa học cho việc mở rộng diện tích trồng cây mắc ca ở Nghệ An, Sở NN-PTNT sẽ giao nhiệm vụ cho Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Nghệ An trồng thử nghiệm cây mắc ca (cả trồng thuần và trồng xen trên cây chè để kết hợp vừa làm cây che bóng mát cho chè). Nếu thành công thì sẽ có kế hoạch mở rộng dần diện tích trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và khả năng đầu tư ở Nghệ An.

Từ thực tế kết quả trồng thử cây mắc ca ở huyện Con Cuông và một số địa phương ở vùng Phủ Quỳ và ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, bản thân tác giả bài viết này cho rằng, chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để đưa cây mắc ca vào trồng ở Nghệ An trên quy mô lớn hàng trăm, hàng ngàn ha.

Bài học và cái giá phải trả do việc duy ý chí, vội vàng mở rộng diện tích trồng một số cây khi chưa có đầy đủ cơ sở khoa học đã gây ra thiệt hại cho cả nhà nước và cả người sản xuất. Điển hình là việc mở rộng diện tích trồng cây sở, cây cao su xuống vùng đồi núi thấp, vùng bán sơn địa trong những năm trước đây.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm