| Hotline: 0983.970.780

Đề án tái đàn lợn sau dịch bệnh hơn 200 tỷ chậm bố trí kinh phí

Thứ Bảy 09/07/2022 , 09:33 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Dù chính quyền các huyện và người dân đều mong muốn sớm triển khai đề án tái đàn lợn nhưng việc UBND tỉnh chậm bố trí kinh phí dẫn đến khó khăn trong thực hiện.

Việc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chậm bố trí kinh phí đã ảnh hưởng đến kế hoạch tái đàn lợn sau dịch bệnh của các địa phương. Ảnh: CĐ.

Việc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chậm bố trí kinh phí đã ảnh hưởng đến kế hoạch tái đàn lợn sau dịch bệnh của các địa phương. Ảnh: CĐ.

Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn Châu Phi. Dịch bệnh đã làm giảm đáng kể tổng đàn lợn trong tỉnh; ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của người chăn nuôi; làm mất cân đối cung - cầu sản phẩm thịt lợn, đẩy giá tăng cao, ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân.

Nhằm kiểm soát dịch bệnh, thực hiện tái đàn lợn góp phần ổn định sản xuất, bình ổn giá thịt lợn, cơ bản cung cấp đủ thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, ngày 29/7/2020, tỉnh Thừa Thiên – Huế ban hành Kế hoạch tái đàn lợn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi sau dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020-2025.

Tổng kinh phí để thực hiện Kế hoạch hơn 210 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện, vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn vay Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, vốn của các chủ đầu tư. Trong đó, ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ 43,4 tỷ đồng; ngân sách huyện hỗ trợ 18,6 tỷ đồng.

Mục tiêu chung của Kế hoạch, từ năm 2020, giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng dần số cơ sở chăn nuôi tập trung trang trại. Từng bước phục hồi tổng đàn lợn trong tỉnh.

Đến năm 2025, có ít nhất 50% tổng đàn lợn trong tỉnh chăn nuôi theo quy mô trang trại, đảm bảo các yêu cầu về an toàn sinh học và quy định về bảo vệ môi trường; có trên 80% hộ, cơ sở chăn nuôi nằm ngoài khu vực dân cư theo quy định. Phấn đấu tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt trên 207.000 con vào năm 2025.

Thực hiện chủ trương trên, đến nay các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới đã triển khai đề án tái đàn lợn và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã ban hành báo cáo số 1130/SNNPTNT-CCCNTY ngày 20/5/2022 Tiến độ thực hiện “Kế hoạch tái đàn lợn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi sau dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2025”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi đề án tái đàn lợn của các huyện nêu trên được phê duyệt, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn chưa bố trí ngân sách cấp tỉnh cho các huyện triển khai thực hiện.

Ngành chăn nuôi của tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng nặng nề sau dịch bệnh. Ảnh: CĐ.

Ngành chăn nuôi của tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng nặng nề sau dịch bệnh. Ảnh: CĐ.

Trước thực trạng cấp bách của việc tái đàn lợn, trong năm 2021, một số huyện như Quảng Điền, Phú Lộc đã chủ động bố trí ngân sách cấp huyện để triển khai với số tiền 998.168.000 đồng (trong đó huyện Phú Lộc là 500 triệu đồng để hỗ trợ cho 11 hộ chăn nuôi của 5 xã với số lượng 400 con lợn giống nuôi thịt; huyện Quảng Điền là 498 triệu đồng hỗ trợ cho 04 hộ với số lượng 19 lợn nái và 162 lợn thịt).

Năm 2022 huyện Quảng Điền đã bố trí ngân sách cấp huyện là 414.000.000 đồng cho việc triển khai đề án lợn. Qua kết quả sản xuất bước đầu, các hộ nuôi lợn đạt trọng lượng trên 90 kg mới xuất chuồng với giá bán đạt được 65.000 đồng/kg đã cho lãi từ 1.000.000 - 1.200.000 đồng/con, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Từ những kết quả đạt được, chính quyền địa phương và người dân đều có nguyện vọng tỉnh sẽ sớm bố trí kinh phí hỗ trợ để triển khai đề án.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, theo kế hoạch triển khai đề án của các huyện từ năm 2021-2022, đã có 139 hộ đăng ký tham gia đề án với số lượng 354 lợn nái và 1982 lợn thịt.

Trong đó huyện A Lưới có 50 hộ đăng ký nuôi mới lợn nái và 20 hộ đăng ký tuyển chọn lợn nái hậu bị từ vùng giống nhân dân với quy mô 02 lợn nái/hộ; huyện Quảng Điền có 24 hộ đăng ký tham gia với 79 lợn nái và 882 lợn thịt; huyện Nam Đông có 45 hộ/ 9 xã đăng ký tham gia mô hình với số lượng 135 lợn nái và 1100 lợn thịt).

Dù chính quyền địa phương và người dân đều rất mong muốn triển khai đề án tái đàn lợn nhưng hiện tại chỉ mới dừng lại ở bước triển khai cho các hộ đăng ký tham gia, chưa thực hiện việc nhập giống để nuôi do kinh phí của đề án chưa được UBND tỉnh phân bổ để thực hiện trong khi nguồn lực các địa phương còn nhiều khó khăn.

Xem thêm
Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.