| Hotline: 0983.970.780

Để biển không còn rác thải sinh hoạt của tàu cá

Thứ Hai 18/12/2023 , 17:32 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Ngư dân Bình Định làm quen với việc thu gom rác thải nhựa trên tàu cá trong mỗi chuyến biển, đưa về cảng cá xử lý nhằm làm giảm ô nhiễm môi trường biển.

“Bức” ngư dân ra khỏi thói quen xấu

Sau hơn 20 ngày theo ngư dân ra Biển Đông trong chuyến đánh bắt với nghề lưới vây, tôi thấu hiểu cách xử lý rác thải của gần 20 thuyền viên lao động trên tàu cá. Đang bận bịu với mẻ lưới 5 - 7 tấn cá, không có thời gian nghỉ tay, nếu mệt quá ngư dân thọc tay vào túi quần lấy ra lon nước tăng lực "bò húc" vội vã khui, vội vã uống rồi tiện tay quăng vỏ lon xuống biển.

Hội thảo khởi động 'Chương trình thu gom chất thải nhựa từ tàu cá về bờ' được tổ chức tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Hội thảo khởi động “Chương trình thu gom chất thải nhựa từ tàu cá về bờ” được tổ chức tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nếu mẻ lưới quá nhiều cá không kịp ăn trưa, ngư dân lại lôi từ túi quần ra gói mì tôm để ăn sống, vỏ gói mì tôm cũng được quăng xuống biển. Chai nước suối uống cạn, vỏ chai rồi cũng trôi lềnh bềnh trên biển....

Đó chỉ là những đơn cử về rác thải sinh hoạt của ngư dân trên tàu cá và biển được xem như là “cái túi đựng rác”. Việt Nam đang có gần 87.000 tàu đánh bắt thủy sản, mỗi tàu xả rác thải ra biển mỗi ít, rác thải rắn thì không thể tự hủy. Vậy là biển ngập ngụa rác.

Theo Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, kết quả điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong lĩnh vực thủy sản tại Việt Nam khẳng định, rác thải từ các nghề đánh bắt thủy sản trên biển rất nhiều, nhưng từ trước đến nay ngư dân chưa có thói quen đưa rác thải về bờ để xử lý, mà hầu hết đều cho xuống biển. Rác thải là ngư lưới cụ hư hỏng, khay đựng cá, phuy nhựa chứa nước ngọt, dây thừng; trong khai thác còn cho nhiều rác thải sinh hoạt như chai nhựa, can nhựa đựng nước, vỏ gói mì tôm, túi nilon, thùng xốp…

Rác thải nhựa khó phân hủy cứ lênh đênh trên biển từ năm này sang năm khác, tạo áp lực lớn cho môi trường biển. Đã đến lúc ngư dân phải ý thức là nếu môi trường biển bị ô nhiễm thì nguồn lợi thủy sản sẽ giảm dần. Đáng quan ngại là khi quốc tế không thu mua thủy sản đánh bắt tại những vùng biển bị ô nhiễm, đến lúc ấy ngư dân mới thấy thiệt hại thuộc về phần mình.

Tặng 200 túi đựng rác thải nhựa trên tàu cá cho ngư dân Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Tặng 200 túi đựng rác thải nhựa trên tàu cá cho ngư dân Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

“Nhiều khi ngư dân chủ quan nghĩ rằng một cái đót thuốc lá hoặc một gói dầu gội đầu có khối lượng nhỏ như vậy mà cho xuống đại dương mênh mông thì chẳng tác hại gì mấy. Thế nhưng đó là những loại rác rất khó phân hủy, mỗi khi mỗi ít, dồn lại hàng chục năm thì đại dương sẽ ngập ngụa những loại rác thải, gây hại môi trường biển.

Do đó, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản đã phối hợp với ban quản lý các cảng cá trong nước tổ chức các hội thảo nhằm vận động ngư dân đưa rác thải sinh hoạt trong những chuyến biển về cảng cá xử lý để giảm áp lực ô nhiễm môi trường biển”, ông Phạm Tuấn Anh, cán bộ Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản chia sẻ.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển cho ngư dân

Mới đây, ngành chức năng Bình Định đã tổ chức hội thảo tập huấn nâng cao nhận thức về quản lý chất thải nhựa, bảo vệ môi trường biển cho các tàu cá của ngư dân trong tỉnh. Mô hình này nằm trong khuôn khổ phi dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại TP Quy Nhơn” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ giai đoạn 2022 - 2024.

Các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ của Bình Định được các chuyên gia dự án giới thiệu về mô hình thí điểm thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ. Dự án cũng đã hỗ trợ 200 túi đựng rác thải để các chủ tàu trang bị trên tàu cá; trao thiết bị hỗ trợ mô hình thu gom rác thải nhựa và ra mắt tổ thu gom rác thải nhựa Cảng cá Quy Nhơn.

Túi đựng rác thải nhựa được trang bị trên tàu cá của ngư dân Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Túi đựng rác thải nhựa được trang bị trên tàu cá của ngư dân Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) cũng vừa khánh thành và đưa vào hoạt động nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá. Nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn được xây dựng mới với các hạng mục: Khu nhà kho thu gom, phân loại, đóng gói rác thải nhựa có diện tích 96m2; phòng thay đồ của nhân viên thu gom rác; sân bê tông hơn 117m2; hệ thống tường rào; thiết bị điện, nước, vệ sinh… với tổng mức đầu tư hơn 683 triệu đồng do dự án tài trợ.

Theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định, việc hỗ trợ triển khai thí điểm “Chương trình thu gom chất thải nhựa từ tàu cá về bờ” nằm trong khuôn khổ Dự án “Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại TP Quy Nhơn” được UNDP triển khai trên 200 tàu cá của ngư dân Bình Định. Trong đó, các loại chất thải nhựa trên mỗi chuyến biển từ 200 tàu cá nói trên sẽ được thu gom đến nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn thông qua tổ thu gom rác thải của cảng cá.

Khánh thành và đưa vào hoạt động nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Khánh thành và đưa vào hoạt động nhà thu gom rác thải nhựa tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Rác thải nhựa thu gom từ tàu cá cập cảng sẽ được phân loại, vận chuyển đến cơ sở thu hồi vật liệu để tái chế, góp phần tạo giá trị gia tăng cho rác thải nhựa và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại TP Quy Nhơn, nhất là giảm thiểu rác nhựa đại dương và tạo diện mạo mới cho Cảng cá Quy Nhơn trong công tác bảo vệ môi trường.

“Khi ngư dân thu gom rác thải trên tàu cá mỗi chuyến biển mang về cảng cá, chúng tôi sẽ phân ra loại rác thải nào có thể tái chế, tái sử dụng và sẽ được bán cho các cơ sở thu mua phế liệu; loại rác hữu cơ dễ phân hủy sẽ được tận dụng làm phân compost; loại rác thải khó phân hủy sẽ được đưa đi xử lý”, ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định cho hay.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.