| Hotline: 0983.970.780

Đổi đời từ đất rừng

Thứ Sáu 11/11/2022 , 10:21 (GMT+7)

An Giang Ông Võ Văn Quít từng nghèo khó, nay được no ấm, hạnh phúc là nhờ “mẹ thiên nhiên” cưu mang đùm bọc, một phần là công ơn của Hạt Kiểm lâm hỗ trợ cây giống. 

Ông Út Quít chăm sóc vườn cây ăn trái trồng xen dưới tán rừng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Út Quít chăm sóc vườn cây ăn trái trồng xen dưới tán rừng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giữ từng tấc đất rừng

Xuất thân từ một gia đình nghèo trên vùng Bảy Núi - An Giang, ông Võ Văn Quít (Út Quít) ngày đêm âu lo không biết phải làm gì để lo cho con ăn học. Sau nhiều đêm trăn trở ông đã chọn cách trồng rừng  xen cây ăn trái và làm rẫy mới để thoát nghèo. Từ ý tưởng đó, ông đã quyết định chọn một khu đất khô cằn dưới chân núi Cấm thuộc ấp Ba Xoài, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên để khai hoang lập nghiệp.

Ông Út Quít kể: "Đầu năm 1980, vừa đặt chân đến vùng đất núi hoang vu nầy, vợ chồng tôi đã vắt kiệt sức, quyết tâm bám lấy từng tấc đất, tấc rừng. Suốt ngày cần cù nhẫn nại, ngày nắng cũng như mưa, cuốc tới đâu gieo mầm cây tới đó với hy vọng mình thương rừng, rừng sẽ không phụ mình".

Lúc đầu ông Út Quít khai hoang, chỉ giữ lại những cây lâu năm như sao, dầu, câm se, bằng lăng, chòi mòi, dâu rừng, mít núi…Đồng thời trồng thử xen dưới tán rừng các loại cây ngắn ngày như khoai mì, đậu và một ít rau màu. Vì khu vực này con hoang vu và khô cằn vào mùa nắng hạn, trồng cây đã khó, việc chăm sóc, giữ gìn càng khó hơn. Hơn nữa khỉ và heo rừng lúc nào cũng rình rập phá phách khiến ông phải đương đầu với “lũ giặc rừng” một cách quyết liệt mới bảo vệ được thành quả lao động. Đó là chưa kể tới rắn rết, muỗi mòng, thiếu nước sinh hoạt đã làm cho nhiều người không chịu nỗi cảnh cơ cực phải bỏ núi ra đi.

Vườn rừng 5ha của ông Út Quít dưới chân núi Cấm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vườn rừng 5ha của ông Út Quít dưới chân núi Cấm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Út Quít nhớ lại: “Những ngày đầu, chưa có chỗ tá túc, vợ chồng tôi phải thức dậy từ 3 - 4 giờ sáng, cơm đùm cơm gói, lội bộ hơn chục cây số đường rừng đến đây cuốc đất, trồng cây. Đến khi cây ớt ra trái, cây cà ra nụ thì sức hút của mảnh đất nầy đối với vợ chồng tôi ngày càng gắn bó như một duyên nợ từ kiếp trước”.

Tại đây, cuộc sống lúc đầu còn nhiều cam go và thử thách, nhưng ngày ngày vợ chồng ông vẫn miệt mài với con dao, lưỡi cuốc và làm bạn với cỏ cây mà lòng lúc nào cũng nuôi một khát vọng “đổi đời” từ đất rừng. Nhìn ông, từ một nông dân nghèo, chỉ có hai bàn tay trắng mà chí lớn khiến nhiều người cảm phục về sức bền bỉ chịu đựng và nghị lực phi thường của một người nặng lòng với núi.

Có thể nói mỗi tấc đất gia đình ông Út Quít đang sở hữu, coi mỗi gốc cây, luống rẫy nơi đây đều thấm đẫm bao mồ hôi và nước mắt của vợ chồng, con cái ông. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, khai khẩn đến đâu, trồng cây đến đó, lần hồi ông đã sang thêm nhiều đất cát của những người bên cạnh.   Lúc đầu ông trồng các loài cây ngắn ngày như: mãng cầu ta, chuối, đu đủ xen kẽ các loài rau, đậu rồi dần dần trồng thêm xoài, sầu riêng. Nhưng do thời tiết khắc nghiệt, nhất là mùa nắng nóng đã làm cho cây cối, hoa màu chậm phát triển, thu nhập chẳng được bao nhiêu.

Rừng trả ơn người

Từ năm 1996 được sự hỗ trợ của Hạt Kiểm lâm huyện Tinh Biên, ông đã nhận 1.000 gốc xoài, bưởi đem về trồng trên 5ha đất đồi dọc theo triền núi. Mục đích của ngành kiểm lâm là nhằm phủ xanh vùng đất trống và đồi núi trọc. Sau 3 - 5 năm, khi cây cho trái sẽ giải quyết được vấn đề thu nhập cho bà con có công chăm sóc và bảo vệ rừng.

Ông Út Quít cho biết: Hồi đó, khi kiểm lâm mời bà con mình đến nhận xoài giống về trồng, ai cũng ngán ngại vì nhiều lý do khác nhau, nhất là nước tưới, không có kỹ thuật, trồng rồi bán cho ai. Riêng ông thì rất hăng hái tham gia dự án trồng xoài với quyết tâm gìn giữ và hy vọng rừng sẽ trả ơn người.

Từ khi có con đường bê tông dài 2,5km, hàng ngày ông Út Quít đều dùng xe gắn máy vận chuyển trái cây từ núi xuống đất rất thuận tiện. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Từ khi có con đường bê tông dài 2,5km, hàng ngày ông Út Quít đều dùng xe gắn máy vận chuyển trái cây từ núi xuống đất rất thuận tiện. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đúng như ước nguyện của ông Út Quít, chỉ sau 4 – 5 năm trồng thử nghiệm, hầu hết những cây xoài, cây bưởi do ông chăm sóc đều bắt đầu ra bông, nhưng do thiếu nước, hạn hán gay gắt nên cây phát triển chậm, thậm chí èo uột khiến ông ngày đêm buồn rầu vì không có nước tưới. Bỗng một hôm, trong lúc làm cỏ, dọn rừng, ông đã phát hiện trên vách núi có một lớp rêu xanh bám dầy. Càng đến gần ông càng thấy nước rịn ra, sờ tay vào cảm thấy mát lạnh. Hai cha con nhìn nhau vừa mừng vừa ngạc nhiên như đang đứng trước một kho báu. Thế là hai hai người dùng búa, đục, xà beng, hùng hục khoét sâu vào vách đá liên tục mấy ngày liền. Càng đục sâu, nước rịn ra càng nhiều, từng giọt, từng giọt trong veo. Vốc một miếng rửa mặt và uống thử, ông cảm thấy thanh khiết, trong lành như nước suối. 

Từ mạch nước ngầm dẫn đến chân núi dài khoảng 600m, đi ngang qua một hố bom rộng lớn đang bị cát, đá lấp đầy. Ông liền bỏ công ra vét sạch để làm hồ chứa nước. Từ hố bom ông tiếp tục đặt ống cao su xuống tận các khu vườn. Nhờ xuất phát trên cao nên dòng nước đổ mạnh chẳng thua gì nước máy, tha hồ mà tưới, tưới suốt ngày đêm, không bao giờ cạn, dù là mùa khô hạn.

Từ niềm vui đó, ông đã lần hồi trồng thêm các giống xoài đặc sản như Đài Loan, cát Hòa Lộc, mít, dâu... Do đó lợi nhuận của gia đình ông mỗi năm đều tăng lên, bình quân một năm thu nhập trên 300 triệu đồng.

Bằng mồ hôi, trí tuệ và công sức của mình, hơn hai mươi năm qua, ông đã góp phần thiết thực vào việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải tạo đất đai và bảo vệ môi sinh, môi trường. Không những vậy, ông còn trồng thêm dược thảo như nghệ xà cừ, sa nhân, lá mối… dưới tán rừng nhằm tăng thêm thu nhập và góp phần khôi phục tính đa dạng sinh học. Đặc biệt là tạo được độ ẩm, hạn chế cháy rừng. Giờ đây, bao nhiêu nhọc nhằn, gian khổ của vợ chồng ông đều được rừng trả ơn một cách xứng đáng.

Ông Út Quít còn trồng thêm dược thảo như: nghệ xà cừ, sa nhân, lá mối… dưới tán rừng nhằm tăng thêm thu nhập và góp phần khôi phục tính đa dạng sinh học. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Út Quít còn trồng thêm dược thảo như: nghệ xà cừ, sa nhân, lá mối… dưới tán rừng nhằm tăng thêm thu nhập và góp phần khôi phục tính đa dạng sinh học. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy có được của ăn, của để nhưng ông Út Quít không quên những ngày gian khổ. Sau mỗi lần thu hoạch ông đều dành ra một phần nhỏ để đóng góp vào Hội Chữ thập đỏ hoặc các cơ sở từ thiện ở địa phương. Ông  Út Quít tâm sự: “Trước đây mình từng sống trong cảnh nghèo nàn túng thiếu, nay được no ấm, hạnh phúc một phần là nhờ bà mẹ thiên nhiên cưu mang đùm bọc, một phần là công ơn của Hạt Kiểm lâm. Đó là những ân nhân mà suốt đời này mình không bao giờ quên được”. 

Vợ chồng ông Út Quít đã bỏ ra trên 100 triệu đồng để làm một con đường tráng xi măng từ chân núi lên tới vườn rẫy dài 2,5 km. Ông còn xây thêm 3 hồ chứa nước mưa dọc theo đường lên núi, mỗi hồ chứa 50m3 nước để phòng khi hỏa hoạn có nước chữa cháy. Con đường này không những mang lại lợi ích cho gia đình ông mà còn giúp cho bà con dưới chân núi có thể vận chuyển hàng hóa lên xuống núi thuận lợi, dễ dàng bằng xe hai bánh, không còn phải gánh gồng vất vả như trước đây nữa.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.