Tuy nhiên, để dưa hấu Việt Nam rộng đường hơn xuất sang thị trường Trung Quốc, người trồng dưa cần phải thay đổi tư duy canh tác mới đáp ứng được những yêu cầu mới của thị trường lớn này.
Thuận lợi
Theo ông Lê Đình Chiến, một thương lái dưa hấu lớn ở Diên Khánh - Khánh Hòa, vụ dưa vừa qua thị trường Trung Quốc “ăn” dưa hấu Việt Nam khá mạnh, xuất khẩu thuận lợi, không còn bị “tắc” tại cửa khẩu Lạng Sơn như trước đây.
Nông dân Bình Định đang thu hoạch dưa hấu. Ảnh: Đăng Lâm. |
“Từ tháng 11 âm lịch năm ngoái đến nay tình hình xuất khẩu của dưa hấu Việt Nam sang Trung Quốc ổn định, thậm chí có thời điểm giá tăng rất cao. Vào cuối tháng 3 âm lịch năm nay, dưa hấu được thị trường Trung Quốc ăn mạnh đột biến, theo đó giá thu mua dưa trong nước cao ngất ngưởng, đến 11.000đ – 12.000đ/kg. Một tháng sau, sức tiêu thụ có yếu hơn, nhưng giá vẫn cao ở mức 7.000đ – 7.500đ/kg. Từ cuối tháng 5 âm lịch đến nay sức mua giảm mạnh nên giá dưa hiện nay chỉ còn 5.000đ/kg. Tuy nhiên, với cái giá này, năng suất chỉ cần đạt 35 tấn/ha thì người trồng dưa đã có lãi khá. Nếu ruộng dưa nào đạt năng suất 40 – 45 tấn/ha thì mức lãi cao hơn, do đó vụ dưa vừa qua người trồng dưa ai nấy đều phấn khởi”, ông Chiến cho hay.
Theo các thương lái, dưa hấu trồng ở miền Trung và Tây Nguyên có thời điểm thu hoạch “né” nhau nên việc thu mua được thuận lợi. Địa phương thu hoạch dưa hấu sớm nhất trong năm là tỉnh Gia Lai. Cuối tháng 10 âm lịch là người trồng dưa ở các vùng quanh Pleiku đã rậm rịch hái dưa. Khoảng 1 tháng sau thì đến lượt dưa ở Phú Bổn và Phú Túc (cũng thuộc tỉnh Gia Lai) thu hoạch. Khi Gia Lai hết dưa thì đến người trồng dưa ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đông Hòa (Phú Yên) bắt đầu hái quả. Và hiện nay thì người trồng dưa hấu ở Bình Định vẫn còn đang thu hoạch cho đến cuối tháng 8 âm lịch.
“Vụ này năng suất không cao bằng vụ trước, do thời tiết quá nóng. Trời nóng thì dưa hấu nhanh chín. Thời gian sinh trưởng ngắn chỉ 52 – 53 ngày nên quả dưa không kịp lớn, dẫn tới năng suất kém. Vụ này ai làm giỏi lắm mới đạt từ 40 – 45 tấn/ha, còn hầu hết chỉ đạt 35 tấn/ha”, anh Nguyễn Văn Lê, một người chuyên trồng dưa hấu ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), cho hay.
Con đường dưa hấu Việt đi vào thị trường Trung Quốc hiện có chút khác biệt so với trước đây là buộc phải dán tem. Về vấn đề này, thương lái Lê Đình Chiến bộc bạch: Việc Trung Quốc buộc dưa hấu Việt Nam dán tem không có gì rắc rối, thương lái chỉ tốn thêm 1 triệu đồng mua 9.000 con tem do Trung Quốc phát hành để dán cho 1 xe dưa 25 tấn, đồng thời tốn thêm 600.000đ tiền công dán, vị chi 1 xe dưa thương lái mất thêm 1,6 triệu tiền chi phí nữa. Bù lại, dưa hấu dán tem đi vào thị trường Trung Quốc được thuận lợi hơn.
Nông dân dán tem cho dưa hấu trước khi xuất sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Đăng Lâm. |
“Trình tự nhập dưa vào Trung Quốc vẫn như trước đây. Trước khi đưa dưa sang Trung Quốc, tôi liên hệ với người môi giới tại cửa khẩu Lạng Sơn, người này nhận tem gửi về cho tôi. Khi xe dưa qua đến cửa khẩu, cũng người này lo thủ tục cho xe dưa vào thị trường Trung Quốc. Tem bán cho mỗi xe dưa có 1 mã số khác nhau, tem của xe dưa này không được dán cho dưa của xe khác, nếu nhập nhằng thì xe dưa sẽ không được ngành chức năng Trung Quốc chấp nhận cho qua cửa khẩu”, ông Chiến chia sẻ.
Tuy nhiên, trong tâm tư của các thương lái Việt Nam hiện vẫn còn điều trăn trở, đó là từ trước đến nay dưa hấu được thương lái đưa vào thị trường Trung Quốc theo kiểu ai mua bao nhiêu bán bấy nhiêu, chưa có tổ chức nào đứng ra kết nối. Do vậy, hiện họ đang cần lắm những doanh nghiệp đứng ra ký kết hợp đồng tiêu thụ với các đối tác Trung Quốc. Có như vậy con đường xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam sang Trung Quốc mới hanh thông, bền vững.
Phải thay đổi tư duy canh tác
Theo ông Nguyễn Tiến Lãng, cán bộ Cty TNHH Thương mại Trang Nông (Khánh Hòa), trong thời gian tới, dưa hấu Việt Nam sẽ còn bắt buộc tuân thủ nhiều quy định khác nữa. “Dẫu có nhiêu khê nhưng buộc phải làm, để nông sản của Việt Nam quen dần với những yêu cầu khắt khe của các thị trường trên thế giới, nhất là về an toàn thực phẩm”, ông Lãng nói.
Cũng theo ông Lãng, riêng quy định về việc truy xuất nguồn gốc dưa hấu hiện Trung Quốc đang còn “thả lỏng”. Bởi Trung Quốc quá am tường bối cảnh SXNN của Việt Nam, là còn quá manh mún; chưa “khu vực hóa”, chưa “chuyên canh hóa” từng loại cây trồng như các nước khác trên thế giới. Do đó, nếu làm gắt về quy định truy xuất nguồn gốc thì Việt Nam khó đáp ứng được ngay. Bởi dưa hấu của Việt Nam hầu hết được canh tác theo kiểu “du canh”, người ở Bình Định lên Gia Lai, vào Phú Yên thuê đất trồng, xong 1 vụ lại đi nơi khác thuê đất trồng tiếp. Bởi trồng dưa hấu nhiều vụ trên cùng một chân đất sẽ không có hiệu quả do dịch bệnh phát sinh. Do vậy, việc truy xuất nguồn gốc dưa hấu Việt Nam là rất khó.
Những con tem dán lên chưa hấu do Trung Quốc phát hành. Ảnh: Đăng Lâm. |
Bởi đó, nếu cứ khăng khăng truy xuất nguồn gốc dưa hấu của Việt Nam thì Trung Quốc mất nguồn cung lớn. Thực tế cho thấy, cây dưa hấu rất kỵ lạnh, mà mùa lạnh ở Trung Quốc thì rất “tê tái”, nên cây dưa hấu không thể sống nổi. Do vậy, Trung Quốc phải nhập khẩu dưa hấu của Việt Nam là điều đương nhiên.
Ông Nguyễn Tiến Lãng nhận định: Trong thời gian tới, dưa hấu Việt Nam sẽ không còn thong thả đi vào thị trường Trung Quốc như hiện nay. Sau dán tem, Trung Quốc sẽ còn yêu cầu dưa hấu Việt Nam phải được đóng thùng khi vận chuyển, không lót rơm như trước đây. Bởi dưa hấu nằm lẫn với rơm sẽ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi dưa hấu buộc phải đóng thùng thì sẽ có thêm quy định khác là mỗi thùng chỉ chứa 3 quả, và mỗi thùng dưa nặng không quá 10kg. Như vậy, mỗi quả dưa chỉ “được phép” nặng hơn 3kg một chút. Còn về lâu dài thì dưa hấu Việt Nam cũng sẽ phải đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.
"Người trồng dưa chúng ta phải tính tới việc phải sản xuất với quy trình như thế nào để có được những quả dưa có trọng lượng đúng quy chuẩn, có độ đồng đều cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là khẳng định được nguồn gốc xuất xứ thì mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Nếu không, trong tương lai dưa hấu Việt Nam khó “có cửa” đi vào thị trường Trung Quốc”, ông Lãng bộc bạch. |
Chuẩn hóa quy trình “Ngay từ bây giờ nông dân trồng dưa hấu cần phải thay đổi tư duy canh tác để tránh tình trạng tự mình hại mình. Điều mấu chốt nhất trong quy trình SX là phải tránh lạm dụng phân hóa học, thuốc BVTV, nhất là thuốc kích thích. Điều đặc biệt cần tuân thủ là phải dừng dùng thuốc BVTV cho ruộng dưa ít nhất là 10 ngày trước khi thu hoạch, để dưa được đảm bảo tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, có như vậy dưa hấu của Việt Nam mới “trụ” được với thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc” (Ông Nguyễn Tiến Lãng) |