Theo đó, hai bên sẽ hợp tác đẩy mạnh truyền thông về các hoạt động phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm và bền vững, nhất là xây dựng chuỗi giá trị khép kín đối với sản phẩm gia súc và gia cầm từ thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, quy trình chăm sóc, giết mổ, chế biến..; phát triển thương hiệu thịt heo, gia cầm, thủy sản “made in Việt Nam” đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật của các thị trường, hướng tới xuất khẩu.
Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng tại Việt Nam; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại Tây Nguyên và các khu vực khác; liên kết với các hộ chăn nuôi, trang trại nhằm cung ứng heo giống chất lượng, chuyển giao khoa học công nghệ và kỹ thuật hiện đại nhằm nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả bền vững trong lĩnh vực chăn nuôi heo.
Một nội dung khác cũng được hai bên chú trọng truyền thông trong thời gian tới, đó là xây dựng và phát triển hợp tác xã nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và hợp tác xã chăn nuôi hiện đại. Báo Nông nghiệp Việt Nam và De Heus Việt Nam sẽ đẩy mạnh thông tin về những kinh nghiệm của Hà Lan trong tổ chức sản xuất, hình thành những vùng chuyên canh cây trồng chuyên dụng làm thức ăn chăn nuôi; tận dụng phụ phẩm tại các nhà máy giết mổ, chế biến thủy sản để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Các hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng cho các xã viên và ban lãnh đạo hợp tác xã nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ứng dụng công nghệ số, công nghệ 4.0 trong quản lý, vận hành khu chăn nuôi, giảm chi phí nhân công, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn sản phẩm; truy xuất nguồn gốc và minh bạch hóa toàn bộ quy trình sản xuất… Từ đó, xây dựng các hợp tác xã nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, hợp tác xã chăn nuôi hiện đại.
Ông Gabor Fluit – Tổng Giám đốc De Heus châu Á chia sẻ: De Heus Việt Nam là nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam. Công ty cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chuyên dụng phục vụ ngành công nghiệp nuôi biển; nuôi trồng thủy sản, nhất là hai đối tượng nuôi chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra.
“Hàng năm Việt Nam nhập khẩu lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi rất lớn (khoảng 10 tỷ USD). Thực hiện chiến lược phát triển bền vững, chúng tôi đang triển khai các giải pháp nhằm từng bước chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, hạn chế nhập khẩu ngũ cốc từ Nam Mỹ, Bắc Mỹ (phải vận chuyển đường dài) để giảm rủi ro”, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.
Để làm được điều đó, Tổng Giám đốc De Heus châu Á cho rằng, chúng ta phải làm sao để nông dân thấy được lợi nhuận tốt hơn từ trồng bắp, khoai mì so với các cây trồng khác. Chúng ta phải cung cấp cho họ giống cây trồng tốt, tối ưu hóa chi phí sản xuất, giảm chi phí và đầu ra sản phẩm ổn định.
Thời gian tới, De Heus sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT để tổ chức các vùng nguyên liệu bắp, khoai mì ở Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum. Đồng hành còn có Tổ chức hỗ trợ phát triển Agriterra nhằm hỗ trợ các tổ chức nông dân trong việc nâng cao khả năng kinh doanh của các thành viên, cải thiện thu nhập và lợi ích của các thành viên, tạo ra môi trường hợp tác một cách có lợi, cũng như hỗ trợ xây dựng các kế hoạch đầu tư để mang lại lợi nhuận cho các thành viên.
Ông Johan van de Ban – Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam cho biết: "Để đồng hành và phát triển cùng người chăn nuôi độc lập, chúng tôi đã và đang đầu tư rất lớn cho nghiên cứu, tìm các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người chăn nuôi.
Ví dụ, ở Long An, chúng tôi đầu tư một trại nghiên cứu để giảm sử dụng kháng sinh phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gà công nghiệp. Tại Vĩnh Long, chúng tôi có một trung tâm có lẽ là lớn nhất châu Á chuyên nghiên cứu về các giải pháp dinh dưỡng, bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản của Việt Nam nói riêng và một số quốc gia châu Á".
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, khẳng định: "Là cơ quan ngôn luận của Bộ NN-PTNT, Báo Nông nghiệp Việt Nam luôn luôn cổ vũ, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp để hướng tới nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững vì sự thịnh vượng chung".
“Tôi đã được sang Hà Lan thăm các cơ sở sản xuất của Tập đoàn Hoàng gia De Heus và thực sự ấn tượng với triết lý kinh doanh của Tập đoàn, trong đó, người chăn nuôi luôn được đặt ở vị trí trung tâm. Tôi tin tưởng rằng, với những giá trị nền tảng, giá trị khoa học công nghệ, giá trị văn hóa và bề dày truyền thống, Tập đoàn De Heus sẽ góp phần tạo dựng hệ sinh thái phát triển ngành chăn nuôi bền vững tại Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ.