Chiều 12/8, Bộ Công thương gửi Thủ tướng Văn bản số 4889/BCT-XNK về việc tạo thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo, hàng hóa.
Văn bản nêu: "Qua theo dõi tình hình thị trường và thông tin trao đổi giữa Tổ công tác đặc biệt Bộ Công thương với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, việc tiếp cận nguồn vốn theo Văn bản số 5747/NHNN-TD chưa hoàn toàn thuận lợi".
Để giải quyết vấn đề, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại 2 việc: (1) hỗ trợ về lãi suất cho doanh nghiệp. (2) tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm thu mua.
Trước đó, ngày 10/8, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 5747 đề nghị các ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc, gạo tại khu vực.
Một số biện pháp đã được thực hiện như: mở rộng hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp; cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng...
Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố miền Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên đa số doanh nghiệp trên địa bàn không đáp ứng được điều kiện của các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55, Nghị định 116, cũng như các Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về cho vay kinh doanh xuất khẩu lúa, gạo.
Trong những ngày gần đây, lúa, gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng. Các giống lúa OM 9582, OM 5451, OM 18 giá dao động từ 4.200 - 5.000 đồng/kg; IR50404 có giá từ 3.800 - 4.200 đồng/kg, nếp có giá từ 4.000 - 4.600 đồng/kg.