| Hotline: 0983.970.780

Đề nghị dừng biện pháp tự vệ đối với phân DAP & MAP nhập khẩu

Thứ Sáu 27/10/2017 , 08:35 (GMT+7)

Đại diện các Cty Baconco và Việt Nhật cùng cho rằng chính nông dân sẽ là người phải chi trả thuế phòng vệ, làm tăng chi phí sản xuất và giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam...

16-17-10_nen_dung_bien_php_tu_ve
Không nên áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) vừa công bố Biên bản tham vấn công khai vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP & MAP nhập khẩu. Phần lớn các ý kiến của các bên liên quan đều cho rằng không nên áp dụng biện pháp tự vệ này bởi sẽ tạo thêm gánh nặng cho nông dân và các Cty sản xuất NPK trong nước.

Phiên tham vấn công khai được Cục Phòng vệ Thương mại tổ chức vào ngày 19/9/2017, tức là 1 tháng rưỡi sau ngày Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 3044/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu (ngày 4/8/2017). Mục đích của phiên tham vấn công khai là tạo điều kiện cho các bên trình bày ý kiến và cung cấp thông tin cần thiết trước khi cơ quan điều tra ban hành kết luận cuối cùng.

Tại phiên tham vấn, Cty Tư vấn WTL cho rằng, việc áp dụng biện pháp tự vệ là phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và Hiệp định Tự vệ của WTO. Ngành sản xuất phân bón DAP trong nước trong những năm gần đây và đặc biệt là trong năm 2016 đã chịu thiệt hại nghiêm trọng và tình trạng này cũng đang tiếp diễn trong 8 tháng đầu năm 2017.

Biện pháp tự vệ là sự hỗ trợ mang tính cấp bách để cứu ngành sản xuất phân bón DAP trong nước khỏi nguy cơ bị xóa sổ do sức ép của hàng hóa nhập khẩu. Điều này sẽ giúp ngành sản xuất DAP trong nước duy trì, phát triển, và cuối cùng đem lại lợi ích lâu dài cho người nông dân, tránh sự lệ thuộc hoàn toàn vào hàng hóa nhập khẩu. Biện pháp tự vệ có tác dụng trong một khoảng thời gian nhất định, vì vậy ngành sản xuất phân bón DAP trong nước cũng đã có các kế hoạch điều chỉnh trong trung và dài hạn để đảm bảo trong tương lai có thể cạnh tranh công bằng với hàng hóa nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo đại diện các Cty nhập khẩu phân bón, các sản phẩm DAP, MAP nội địa không có kết quả kinh doanh tốt chủ yếu là do vấn đề chất lượng. Đại diện của Cty Baconco và Cty Phân bón Việt Nhật cho rằng, chất lượng sản phẩm DAP trong nước không đảm bảo do sự hòa tan thấp, không phù hợp cho sự phát triển của cây trồng. Có loại phân DAP nội địa, theo báo cáo phân tích của phòng thí nghiệm, tỷ lệ hòa tan Phosphor trong nước chỉ đạt 36,4%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ hòa tan Phosphor trong nước của phân DAP nhập khẩu. Trong khi đó, DAP nhập khẩu có khả năng hòa tan tốt và hiệu ứng xanh tươi nhanh chóng trên cây trồng. Nhờ đó, DAP nhập khẩu đang bán chạy trong khi các mặt hàng nội địa vẫn gặp khó khăn. Điều này cho thấy giá cả không phải là vấn đề.

Theo đại diện Cty PhosAgro, việc sử dụng biện pháp tự vệ trong trường hợp này là chưa thỏa đáng và trái với cam kết quốc tế của Việt Nam. Biện pháp tự vệ, bản chất không được xem là biện pháp khắc phục tình trạng thương mại không công bằng. Tự vệ thương mại chỉ được xem là ngoại lệ được áp dụng trong các trường hợp khẩn cấp. Do đây là một biện pháp ngoại lệ nên được sử dụng một cách cẩn trọng và hạn chế. Vụ việc hiện tại có thể dẫn đến hành vi trả đũa thương mại từ các thành viên bị ảnh hưởng. Trong vụ việc này, Cơ quan điều tra cần xem xét thận trọng, không đi ngược lại vấn đề về lợi ích kinh tế, xã hội.

Do đó, PhosAgro đề nghị Bộ Công thương cân nhắc quyết định của mình trong báo cáo cuối cùng trên cơ sở xem xét các yếu tố: Điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ trong tự vệ này chưa chín muồi; khả năng trả đũa thương mại từ các nước bị ảnh hưởng; khả năng cải thiện của ngành sản xuất trong nước với sự hỗ trợ từ chính sách thuế và giá nguyên liệu đầu vào khiến cho tính cần thiết của biện pháp tự vệ không còn rõ rệt. Đặc biệt, Bộ Công thương nên cân nhắc lợi ích kinh tế xã hội tổng thể nhất là khi mặt hàng bị điều tra, ngoài việc sử dụng trực tiếp bởi người nông dân, còn là nguyên liệu đầu vào của các sản phẩm phân bón khác như NPK.

Đại diện các Cty Baconco và Việt Nhật cùng cho rằng chính nông dân sẽ là người phải chi trả thuế phòng vệ, làm tăng chi phí sản xuất và giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam. Bởi mức thuế này chỉ áp dụng cho sản phẩm DAP nhập khẩu chứ không áp dụng cho thành phẩm phân phức hợp NPK. Điều này sẽ tạo nên lợi thế cho các mặt hàng NPK nhập khẩu và khiến cho các Cty sản xuất NPK trong nước phải tăng giá thành lên khoảng 12% do chi phí nhập khẩu DAP nguyên liệu tăng.

Trên cơ sở đó, đại diện các Cty Baconcon và Việt Nhật đã đề nghị cơ quan chức năng ngừng việc áp dụng biện pháp tự vệ lên phân bón DAP nhập khẩu càng sớm càng tốt để không làm gia tăng gánh nặng cho cả người nông dân và các nhà sản xuất NPK trong nước.

Còn nếu muốn cứu các nhà sản xuất DAP nội địa, cần tạo ra các ưu đãi thuế hoặc hình thức hỗ trợ khác cho phép họ đầu tư nâng cấp công nghệ sản xuất để sản phẩm trong nước có thể đạt được chất lượng cạnh tranh và được chấp nhận trên thị trường Việt Nam.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.