| Hotline: 0983.970.780

Thanh long tăng giá nhưng nông dân chưa có nhiều hàng để bán

Thứ Tư 08/06/2022 , 09:03 (GMT+7)

Hiện giá thanh long ruột trắng ở Bình Thuận được thu mua với mức cao, bình quân 20.000 đồng/kg, tuy nhiên nông dân còn rất ít hàng để bán.

Hiện giá thanh long Bình Thuận đã tăng vọt khoảng 20.000 đồng/kg nhưng sản lượng thu hoạch rất ít. Ảnh: KS.

Hiện giá thanh long Bình Thuận đã tăng vọt khoảng 20.000 đồng/kg nhưng sản lượng thu hoạch rất ít. Ảnh: KS.

Thị trường Trung Quốc đang khan hàng

Ông Huỳnh Cảnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết, hiện giá thanh long Bình Thuận được các vựa thu mua ở mức cao, trung bình khoảng 20.000 đồng/kg, tuy nhiên có rất ít nông dân thu hoạch với sản lượng nhiều trong đợt này để xuất bán.

Nguyên nhân là do thời điểm giao mùa giữa hết vụ chong đèn (vụ nghịch) bước sang vụ mùa (vụ chính) nên chưa cho trái nhiều. Bên cạnh đó, những vụ thanh long trước do dịch Covid-19 nên các nhà vườn không bán được hoặc bán với giá quá thấp nên lứa này họ vặt bỏ trái hết.

“Khoảng 1 tháng nay thanh long Bình Thuận đứt hàng, bên thị trường Trung Quốc đang khan hàng thanh long nên thu mua ở mức cao. Từ đó giá thanh long trong tỉnh cũng được thu mua tăng theo”, ông Cảnh nói.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận, hiện giá thanh long tại thị trường Trung Quốc thu mua khoảng 200 NDT/thùng (thùng 17kg), tương đương khoảng 700.000 đồng/thùng, tức hơn 41.000 đồng/kg. Tuy nhiên lứa này, các nhà vườn lại không có thanh long để bán hoặc nếu có chỉ thu hoạch vài tạ là cùng.

Nông dân hy vọng trong thời gian tới giá thanh long vẫn duy trì ở mức cao. Ảnh: KS.

Nông dân hy vọng trong thời gian tới giá thanh long vẫn duy trì ở mức cao. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Tánh, một nông dân trồng thanh long có thâm niên ở thôn 5, xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc) tỏ vẻ bất ngờ khi giá thanh long hiện thu mua tăng vọt, dao động từ 20.000-22.000 đồng/kg. Thương lái đổ xô “săn” thanh long nhưng chẳng có sản lượng bao nhiêu.

Ông Tánh cho biết, chưa năm nào thời điểm này giá thanh long hàng mùa được thu mua tăng cao như vậy. Bởi khi chưa ảnh hưởng dịch bệnh, giá thanh long thời điểm này cũng chỉ dao động trung bình từ 5.000-8.000 đồng/kg.

Mặt khác, thời gian qua do giá thanh long rớt thấp nên nhiều nhà vườn đều vặt búp (vặt bông) hết. Ngay cả gia đình ông Tánh cũng bỏ hết lứa thanh long này. Do đó các nhà vườn hi vọng giá thanh long sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian tới.

Cập nhật thường xuyên cửa khẩu tại Lạng Sơn

Ngày 30/5, Sở Công thương Bình Thuận nhận được công văn số 866 của Sở Công thương Lạng Sơn về việc tiếp tục thông tin về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu Lạng Sơn.

Theo đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cơ bản duy trì hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa tại 4 cửa khẩu: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu quốc tế Ga đường sắt Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma, cửa khẩu phụ Tân Thanh.

Trong đó, cặp cửa khẩu Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan và Tân Thanh – Pò Chài đang triển khai mô hình giao nhận hàng hóa không tiếp xúc theo phương thức cắt, nối container tại bãi chờ, đồng thời triển khai có hiệu quả nền tảng Cửa khẩu số vì vậy hiệu suất thông quan đều đã tăng hơn 30% so với thời điểm tháng 4/2022.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc lưu ý phương án số 25 về việc thiết lập 'vùng xanh' đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: KS.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc lưu ý phương án số 25 về việc thiết lập “vùng xanh” đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: KS.

Cặp cửa khẩu Chi Ma – Ái Điểm hiện chỉ thực hiện thông quan hàng hóa nhập khẩu, chưa thực hiện thông quan hàng hóa xuất khẩu do phía Trung Quốc đang chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh.

Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tạo sự tin tưởng của phía bạn về công tác phòng, chống dịch tại các khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, ngày 24/5 vừa qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Phương án số 25/PA-UBND về việc thiết lập “vùng xanh” đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực các cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma.

Theo đó, nội dung phương án gồm: phân luồng phương tiện; kiểm soát người vào, ra “vùng xanh” an toàn; xử lý khi có F0 và các trường hợp vi phạm;...thời gian triển khai từ 0 giờ ngày 1/6 cho đến khi có thông báo mới.

Theo Sở Công thương Bình Thuận, để đảm bảo hoạt động xuất khẩu nông sản, đặc biệt là thanh long Bình Thuận được diễn ra thuận lợi, đạt hiệu quả cao hạn chế tối đa tình trạng phương tiện chở hàng hóa chờ xuất khẩu ùn ứ, ách tắc, Sở Công Thương đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp, triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung phương án số 25 của UBND tỉnh Lạng Sơn đến các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý để nắm thông tin, thực hiện theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chủ động theo dõi, cập nhật thường xuyên về năng lực bến bãi, tốc độ thông quan, tình hình hoạt động tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; chú trọng đánh giá tình hình thực tế để chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hoá hợp lý, đặc biệt đối với hàng hóa là nông sản, hoa quả tươi, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro hay thiệt hại về kinh tế nhất là trong bối cảnh hàng hoá vào vụ mùa nhưng năng lực thông quan chưa được cải thiện nhanh và đáng kể.

Trong tháng 5/2022, năng lực thông quan tại 3 cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma đạt khoảng 450 - 500 xe/ngày nhưng lượng xe xuất khẩu còn thấp, chỉ khoảng 180-200 xe/ngày (Hữu Nghị khoảng 60-70 xe xuất/ngày, Tân Thanh khoảng 100-140 xe xuất/ngày); trung bình mỗi ngày có khoảng 200 phương tiện chở hàng hóa từ nội địa lên các cửa khẩu của tỉnh để chờ xuất khẩu. Thời điểm ngày 29/5, tổng lượng phương tiện chờ xuất khẩu tại 3 cửa khẩu trên là 1.682 xe, trong đó có 1.084 xe chở hoa quả tươi, chiếm khoảng 65% tổng số xe hàng chờ xuất khẩu.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Nestlé Việt Nam: Tiên phong phát triển bền vững, đồng hành kiến tạo tương lai xanh

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đưa ra những giải pháp vừa tạo tác động tích cực môi trường, vừa thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.