Dù đã triển khai kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến(SRI) được 6 năm, nhưng cánh đồng lúa tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phú Tân, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội mới chỉ áp dụng được từng phần. Trong đó, khó khăn nhất là khâu tiêu và bơm nước theo từng giai đoạn của quy trình SRI. Điều này đã và đang gây thất thoát nhiều chi phí cũng như hạn chế các lợi ích mà kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến mang lại.
Theo quy trình SRI, tưới và rút nước trên ruộng được tiến hành theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa. Khi lúa mới cấy đến giai đoạn đẻ nhánh cần điều tiết nước để giữ mực nước trong ruộng 1 - 2cm. Tiến hành rút nước tự nhiên để phơi ruộng lần 1 khi cây lúa kết thúc quá trình đẻ nhánh.
Thời kỳ đứng cái, chín đỏ đuôi, duy trì mực nước trên ruộng đến 3cm (tương ứng với thời gian giữa các đợt tưới là 14 ngày đối với vụ Xuân và 14 ngày đối với vụ mùa). Thời kỳ chín sẽ tháo nước trên ruộng.
Việc áp dụng chế độ sử dụng tưới tiêu theo phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI có thể giảm được 2 lần nước tưới/vụ. Đồng thời, đây cũng là biện pháp nhằm tạo độ thoáng khí trong đất giúp cho bộ rễ lúa phát triển mạnh nhờ hút được nhiều dinh dưỡng, hạn chế môi trường yếm khí trong đất gây ảnh hưởng đến cây trồng cũng như môi trường sinh thái.
Anh Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Tân cho biết, hệ thống thủy lợi nội đồng tại địa phương vẫn còn hạn chế do thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, thời gian dài canh tác khiến nhiều vị trí bị bồi lắng, gây khó khăn trong việc tiêu thoát nước khi bà con tổ chức gieo cấy hoặc có mưa bão xảy ra.
Đại diện HTX Phú Tân cho biết thêm, việc tiêu nước theo từng giai đoạn đang thực hiện còn gặp nhiều bất cập bởi nếu lấy nước từ sông Nhuệ không đảm bảo chất lượng, còn bơm nước từ nơi khác thì tốn quá nhiều chi phí.
Bên cạnh mong muốn cải thiện nguồn nước song Nhuệ, đại diện HTX nông nghiệp Phú Tân cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm cải thiện hệ thống tưới tiêu cho khu vực phía Tây của của xã Tân Dân do trạm bơm hiện nay đang nằm ở các vị đất trũng nên dòng chảy khi bơm chậm, tốn nhiều thời gian. Qua đó, giúp bà con xã viên canh tác đúng quy trình, kỹ thuật và tiến tới áp dụng SRI toàn phần trên toàn HTX cũng như trên địa bàn huyện Phú Xuyên.
Cách cánh đồng của HTX nông nghiệp Phú Tân không xa, bà Chu Thị Thành, 62 tuổi, ngụ tại xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên cũng áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI trên thửa ruộng của gia đình.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Thành tấm tắc khen những lợi ích mà SRI mang lại từ giảm sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiết giảm chi phí vật tư đầu vào,… “SRI nó tốt không phải bàn, nhưng chúng tôi vẫn tiếc khi chưa thể áp dụng được toàn phần do hệ thống chưa đồng bộ,” bà Thành tỏ vẻ tiếc nuối.
Bên cạnh những hạn chế trong khâu rút và bơm nước tương tự ở HTX Nông nghiệp Phú Tân, bà Thành cho biết, do chưa có hệ thống kênh mương bao quanh đồng ruộng nên thời gian lúa trổ bông xuất hiện rất nhiều chuột phá hoại. Trong khi đó, các hộ canh tác lúa tại xã Vân Từ chỉ có thể sử dụng phương pháp bẫy chuột thủ công để giảm thiểu thiệt hại từ loài gặm nhấm này.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Phòng Bảo vệ thực vật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội nhận định, khó khăn lớn nhất hiện nay để đạt được SRI toàn phần là việc điều tiết nước trong ruộng theo từng thời kỳ.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng của hệ thống thủy lợi tại Phú Xuyên chưa được đồng bộ nên khó có thể triển khai rút nước theo từng giai đoạn của quy trình SRI.
Thời gian tới, Chi cục sẽ đề nghị Sở NN-PTNT và UBND thành phố sớm tạo điều kiện đồng bộ cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng trên địa bàn thủ đô để bà con nông dân chủ động trong khâu rút nước. Qua đó, giúp diện tích áp dụng SRI ngày càng được nâng lên.