| Hotline: 0983.970.780

Đề phòng bệnh đạo ôn trên lúa xuân vùng Bắc Trung bộ

Thứ Tư 19/04/2023 , 11:09 (GMT+7)

Sâu bệnh gây hại, đặc biệt bệnh đạo ôn đã xuất hiện trên một số diện tích lúa xuân khu vực Bắc Trung bộ, nhưng quy mô giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Quý Dương (thứ 2 từ trái ang), Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cùng cơ quan chuyên ngành tỉnh Nghệ An kiểm tra quá trình sinh trưởng của cây lúa tại huyện Diễn Châu (Nghệ An). Ảnh: Việt Khánh.

Ông Nguyễn Quý Dương (thứ 2 từ trái ang), Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cùng cơ quan chuyên ngành tỉnh Nghệ An kiểm tra quá trình sinh trưởng của cây lúa tại huyện Diễn Châu (Nghệ An). Ảnh: Việt Khánh.

Ngày 18/4, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cùng đoàn công tác đã kiểm tra tình hình sinh trưởng và sâu bệnh hại trên lúa xuân tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.  

Theo thông tin từ Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng Khu IV, vụ đông xuân năm nay, tổng diện tích gieo cấy toàn vùng Bắc Trung bộ là 347.199ha, hiện có khoảng 90.000ha lúa đã trỗ.

Từ 1/4 - 14/4, diễn biến thời tiết trong vùng chuyển biến khá thất thường, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây lúa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại phát sinh, gây hại trên lúa xuân.

Qua theo dõi, có khoảng 3.926ha lúa bị nhiễm đạo ôn lá (146ha nhiễm nặng), tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Nghệ An (hơn 1.600ha) và Thừa Thiên - Huế (1.546ha), kế tiếp là Quảng Trị (354ha), Quảng Bình (271ha)… So với cùng kỳ năm trước, diện tích nhiễm bệnh giảm trên 3.159ha.

Tại Thừa Thiên - Huế và Hà Tĩnh, bệnh đạo ôn cổ bông xuất hiện rải rác trên một số trà lúa trỗ sớm. Ngoài ra, bệnh khô vằn ghi nhận phát sinh trên 5.614ha, trong đó Nghệ An dẫn đầu với 3.197ha (nặng 114,5ha); sâu cuốn lá nhỏ cũng đe đọa đến 1.680ha lúa đông xuân năm nay…

Ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng Khu IV cho hay, từ ngày 16/4 - 25/4 dự kiến có khoảng 40.000ha lúa tiếp tục trỗ, do đó cần tập trung theo dõi và phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại chính như đạo ôn cổ bông, khô vằn, bạc lá vi khuẩn, lem lép hạt...

Diện tích nhiễm sâu bệnh trên lúa đông xuân khu vực Bắc Trung bộ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, dù vậy nhà nông và ngành chuyên môn không được chủ quan, lơ là. Ảnh: Việt Khánh.

Diện tích nhiễm sâu bệnh trên lúa đông xuân khu vực Bắc Trung bộ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, dù vậy nhà nông và ngành chuyên môn không được chủ quan, lơ là. Ảnh: Việt Khánh.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, nhiệt độ trung bình trong tháng 4 dao động từ 24 - 26 độ C, được xem là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông và một số đối tượng sinh vật gây hại phát sinh, đe dọa lúa vụ đông xuân nếu nhà nông lơ là trong công tác phòng trừ.

Với hình thái thời tiết như hiện nay, tiếp tục có nguy cơ khiến bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông tăng nhanh, đặc biệt là với các giống mẫn cảm như AC5, BTE1, P6, Thiên ưu 8, Hương ưu 98... Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm đến nạn chuột, vốn phát sinh nhanh trên những trà lúa muộn giai đoạn làm đòng, lúa trà chính vụ giai đoạn đòng - trỗ, nhất là gây hại nặng tại các chân ruộng gần làng, gò bãi, mương máng…

Để đảm bảo thắng lợi toàn diện vụ đông xuân 2023, chi cục trồng trọt và BVTV các tỉnh phải chỉ đạo sát sao các trạm trồng trọt và BVTV, trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân vùng các trà lúa, theo dõi sát diễn biến của thời tiết để kịp thời triển khai phòng trừ...

Mặc dù thời gian qua thời tiết diễn biến bất lợi cho sinh trưởng, phát triển của cây lúa, đồng thời rất thuận lợi cho sâu bệnh hại phát sinh trên lúa xuân, tuy nhiên đến thời điểm này, lúa xuân ở các tỉnh Bắc Trung bộ nhìn chung mức độ gây hại của sâu bệnh đều có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu hết sức đáng mừng, đồng thời khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của ngành NN-PTNT khu vực Bắc Trung bộ trong việc định hướng, chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

Xem thêm
Nuôi chồn hương bằng trái cây hiệu quả cao

Nuôi chồn hương cho ăn mít, chuối mang lại hiệu quả kinh tế cao tại trang trại của anh Nguyễn Văn Tiến ở phường Chi Lăng, TP Pleiku, Gia Lai.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.