| Hotline: 0983.970.780

Trời nồm ẩm kéo dài, nơm nớp bệnh đạo ôn cổ bông

Thứ Năm 13/04/2023 , 07:03 (GMT+7)

HÀ TĨNH Trời nồm ẩm, mưa phùn và sương mù dày đặc xen kẽ nắng, kết hợp nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng đang tiềm ẩn nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa xuân.

Gần một tuần nay, thời tiết ở Hà Tĩnh ẩm ương, đêm và sáng sớm mưa phùn, sương mù dày đặc, nhiệt độ xuống thấp nhưng trưa và chiều hửng mây, trời nắng. Hình thái thời tiết này dự báo kéo dài đến gần hết tháng 4, đúng vào thời điểm các trà lúa xuân trổ tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh, gây hại.

Empty

Lãnh đạo Trung tâm BVTV vùng Khu IV kiểm tra, chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo nông dân phòng trừ bệnh đạo ôn gây hại trên lúa xuân ở huyện Nghi Xuân. Ảnh: Hưng Phúc.

Bà Đặng Thị Huyền, trú xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân cho hay, gia đình bà có 2/5 sào lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá. Dự kiến khoảng 10 ngày nữa toàn bộ diện tích này sẽ trổ bông. Tuy nhiên, thời tiết giai đoạn này mưa phùn, thiếu ánh sáng nên bà rất lo bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên các vết bệnh đạo ôn lá.

“Mấy bữa nay xã, thôn cảnh báo suốt. Nhà tôi cũng đi thom (thăm) đồng thường xuyên để phát hiện vết bệnh, chủ động phun thuốc phòng trừ kịp thời. Hi vọng khi lúa trỗ rộ sẽ an toàn”, bà Huyền nói.

Hiện toàn huyện Nghi Xuân đã có khoảng 300ha lúa trỗ, tập trung tại các xã Đan Trường, Xuân Hội, Xuân Phổ, Xuân Giang... Hiện nay, các vết tích của bệnh đạo ôn trên lá vẫn còn, đây là yếu tố dễ phát sinh gây bệnh đạo ôn cổ lá, đạo ôn cổ bông, vì vậy trong vòng 10 – 15 ngày tới bà con cần chủ động thực hiện các giải pháp phòng trừ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Kiểm tra quá trình sinh trưởng và diễn biến dịch bệnh trên lúa xuân tại các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ (Hà Tĩnh), ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTV) vùng Khu IV (Cục Bảo vệ thực vật) cảnh báo, thời tiết từ nay đến cuối tháng 4 ở vùng Khu IV chịu ảnh hưởng của nhiều đợt khộng khí lạnh yếu, trời nhiều mây, sáng sớm có sương mù, xen kẽ các ngày trời nắng nóng, chiều và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Nhiệt độ trung bình 24 – 26 độ C, nơi cao 30 độ C.

Đây là điều kiện thời tiết rất thuận lợn cho bệnh đạo ôn cổ bông và một số đối tượng sinh vật gây hại phát sinh, gây hại trên lúa xuân giai đoạn trỗ, đáng lo ngại nhất là địa bàn tỉnh Hà Tĩnh – nơi có nguồn bệnh đạo ôn sẵn có trên đồng ruộng lớn.

Empty

Vết bệnh đạo ôn cổ bông bắt đầu xuất hiện trên một số diện tích lúa trỗ sớm của huyện Nghi Xuân. Ảnh: Hưng Phúc

Để hạn chế thiệt hại, Trung tâm BVTV vùng Khu IV đề nghị chi cục trồng trọt và BVTV các tỉnh chỉ đạo các trạm trồng trọt và BVTV, trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với phòng nông nghiệp, kinh tế hạ tầng thành phố/thị xã tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân vùng các trà lúa, theo dõi sát diễn biến thời tiết để hướng dẫn người dân phun phòng, trừ đạo ôn kịp thời.

Đối với trà lúa chính vụ và trà lúa muộn (đẻ nhánh – đứng cái), phải theo dõi diễn biến của bệnh và điều kiện thời tiết, chỉ đạo phun trừ đạo ôn lá, đạo ôn cổ lá.

“Khi bệnh xuất hiện cần dừng bón đạm, giữ đủ nước, không phun chất kích thích sinh trưởng. Phun trừ bằng các loại thuốc có hoạt chất như Tricyclazole, Propiconazole… theo liều lượng khuyến cáo. Những diện tích bị hại nặng phải tổ chức phun lại lần 2 sau lần đầu 5 – 7 ngày. Khi bệnh dừng phát triển, tiến hành chăm bón bình thường.

Đối với lúa trà sớm (đòng – trỗ bông), chủ động hướng dẫn nông dân phun trừ triệt để với những ruộng gieo, cấy các giống nhiễm như Thiên ưu 8, TBR 225, Xi 23, BC 15, Q5, Bắc thơm số 7, HC 95, P6, AC5, nếp địa phương…; những ruộng trước đây đã bị nhiễm nặng đạo ôn lá, bón thừa đạm”, ông Lộc nhấn mạnh.

Trung tâm BVTV vùng Khu IV cũng khuyến cáo ngành chuyên môn các địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết trong thời gian lúa trỗ, những diện tích trỗ gặp thời biết bất lợi như trời âm u, về đêm có mưa, ẩm độ không khí cao, sương mù kéo dài… cần tuyên truyền, chỉ đạo bà con phun phòng bệnh kịp thời bằng các loại thuốc có hoạt chất như Tricyclazole, Fenoxanil, Trifloxystrobin + Tebuconazole… theo nguyên tắc "4 đúng". Những vùng có nguy cơ cao cần hướng dẫn nông dân phun 2 lần (lần 1 khu lúa trỗ thấp tho từ 3 – 5%, lần 2 khi lúa đã trỗ thoát)…

Empty

Theo dự báo, thời kỳ lúa trỗ tập trung sẽ chịu ảnh hưởng liên tục của các đợt không khí lạnh. Ảnh: Hưng Phúc.

Vụ đông xuân 2023, toàn vùng Bắc Trung bộ (Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế) gieo cấy hơn 347 nghìn ha lúa. Hiện có khoảng 80 nghìn ha trà sớm đang ở giai đoạn đứng cái – làm đòng; 217 nghìn ha trà chính vụ, cuối đẻ nhánh – đứng cái và hơn 91 nghìn ha trà muộn đang đẻ nhánh rộ. Dự kiến, trà lúa trỗ từ 5 – 10/4 khoảng 35 nghìn ha; từ 10 – 20/4 khoảng 100 nghìn ha; từ 20 – 25/4 khoảng 100 nghìn ha và trỗ sau 25/4 khoảng hơn 112 nghìn ha.

Thời gian qua, bệnh đạo ôn lá đã gây hại trên diện tích hơn 3.900ha, giảm hơn 2.900ha so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh thông tin, dự kiến thời gian trổ của lúa xuân 2023 trên địa bàn như sau: Trước 15/4 khoảng 3.000ha (thuộc huyện Nghi Xuân; xã Lâm Trung Thủy, các xã ngoài đê huyện Đức Thọ; Thạch Mỹ, Mai Phụ, huyện Lộc Hà; các xã trà sơn của huyện Can Lộc); từ 15 - 20/4 khoảng 16.500ha; từ 20 - 25/4 khoảng 21.000ha; diện tích còn lại trổ sau 25/4 phân bố trên địa bàn toàn tỉnh.

Những diện tích vừa qua bị nhiễm đạo ôn lá và gieo cấy các giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn như VNR20, Thái Xuyên 111, ADI 168, Hương Bình, ND502… cần phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông triệt để nhằm hạn chế thiệt hại.

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.