| Hotline: 0983.970.780

Đề phòng hạn hán, thiếu nước vào cao điểm mùa khô ở Đông Nam Bộ

Thứ Hai 23/03/2020 , 08:38 (GMT+7)

Đông Nam Bộ đang vào cao điểm mùa khô, với khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ cho nhiều diện tích sản xuất ngoài phạm vi các công trình thủy lợi.

Sản xuất ngô ở Đồng Nai. Ảnh: Thanh Sơn.

Sản xuất ngô ở Đồng Nai. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, đến thời điểm hiện tại, dung tích trữ trung bình các hồ chứa ở Đông Nam Bộ còn lại khoảng 51% dung tích thiết kế (DTTK), trong đó: Bình Dương (56%); Bình Phước (68%); Tây Ninh (60%); Đồng Nai (46%) và Bà Rịa-Vũng Tàu (26%).

Một số hồ hiện có dung tích trữ thấp dưới 50% DTKK như: Hồ Tà Thiết (20,74%), hồ An Khương (43,50%) thuộc tỉnh Bình Phước; hồ Sông Ray (23,18%), hồ Đá Đen (36,87%), hồ Tầm Bó (22,65%), hồ Đá Bàng (32,46%), hồ Lồ Ô (38,89%), hồ Suối Giàu (25,53%) thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; hồ Suối Vọng (13,00%), hồ Gia Ui (17,85%), hồ Sông Mây (37,7% DTTK), hồ Suối Đôi (48,85% DTTK), hồ Cầu Mới Tuyến V (48,28% DTTK) và hồ Đa Tôn (41,29% DTTK) thuộc tỉnh Đồng Nai.

Khu vực Đông Nam Bộ đang vào giai đoạn cao điểm mùa khô 2019 – 2020. Với lượng nước trữ của các hồ chứa hiện tại, nguồn nước sẽ cơ bản đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2019 – 2020. Như vậy, tính đến thời điểm ngày 20/3/2020, nhìn chung không xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên diện rộng ở các địa phương trong vùng.

Tuy nhiên đã xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ ở vùng ngoài công trình thủy lợi hoặc công trình thủy lợi nhỏ. Một số địa phương có diện tích đang phải chống hạn. Cụ thể, Bình Phước có khoảng 228 ha vùng ngoài khu tưới công trình thủy lợi, tập trung ở các huyện Lộc Ninh (28 ha), Bình Long (200 ha).

Đồng Nai đang phải sử dụng trạm bơm Bến Thuyển lấy nước từ sông La Ngà để cấp nước chống hạn cho 210 ha tại khu vực đập Năm Sao huyện Tân Phú.

Bà Rịa – Vũng Tàu phải bơm chống hạn 108 ha cây lâu năm thuộc huyện Xuyên Mộc thuộc khu tưới hồ Sông Hỏa. Ngoài ra, tại khu tưới hồ Xuyên Mộc hiện tại thiếu nước cho khoảng 30 ha cây trồng xã Phước Thuận, nhưng đã kịp thời chuyển nước từ hồ Sông Ray về để cấp tưới bổ sung.

Trong thời gian tới, thông tin dự báo cho hay, tháng 4 và tháng 5/2020 tại khu vực Đông Nam Bộ, lượng mưa phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Cảnh báo tiếp tục ít mưa và khô hạn trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5/2020. Từ tháng 6 đến tháng 9/2020, lượng mưa có xu hướng gia tăng trên khu vực và tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN.

Khu vực Đông Nam Bộ có diện tích cây trồng ngoài khu vực công trình thủy lợi khá lớn (hơn 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp) nên có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ tại các công trình thủy lợi nhỏ và vùng ngoài công trình thủy lợi trong trong thời gian cao điểm của mùa khô (cuối tháng 3 và tháng 4/2020).

Đặc biệt, nếu trong 10-15 ngày tới vẫn tiếp tục không mưa, thì hồ Sông Hỏa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) sẽ ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt. Do đó, khuyến cáo người dân cần sử dụng nước tiết kiệm, có phương án để chủ động trong việc cấp nước cho phần diện tích sản xuất nông nghiệp. Như đã nói ở trên, có tới 108 ha cây trồng lâu năm thuộc khu tưới của hồ Sông Hỏa hiện đang phải bơm chống hạn.

Trước tình hình đó, các vùng ngoài phạm vi cấp nước của các công trình thủy lợi ở Đông Nam Bộ cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước để thực hiện kế hoạch gieo trồng, giảm thiểu thiệt hại khi nguồn nước không đảm bảo. Tranh thủ bơm, tát, trữ nước dự trữ khi có điều kiện về nguồn nước.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.