Đền Xã Tắc (Móng Cái) - ảnh: Cổng TTĐT Móng Cái |
Biến dạng di tích
Đền Xã Tắc (phường Ka Long, thành phố Móng Cái) được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh (2005). Cuối năm 2009, đền lại được UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định phê duyệt dự án xây dựng trùng tu, tôn tạo đền với mục tiêu: Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích, đồng thời tạo cảnh quan khu vực, hình thành điểm du lịch gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Móng Cái. Gần 10 năm sau, ngày 22/6/2018, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh bàn giao công trình đền Xã Tắc cho UBND thành phố Móng Cái và phường Ka Long quản lý.
Đền Xã Tắc ngày nay có diện tích khuôn viên khoảng 20.000m2 , phía đông giáp sông Ka Long, ba mặt còn lại giáp với khu vực đất thuê của Công ty liên doanh khách sạn Hồng Vận (Trung Quốc). Ngoài đền chính, còn có các hạng mục khác như: Cổng nghi môn ngoại, cổng nghi môn nội, nhà tả vu, hữu vu; lầu chuông, lầu trống; bình phong bằng đá, miếu thờ thần linh...
Theo hồ sơ quản lý di tích của Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Ninh, đền Xã Tắc còn là nơi thờ Mẫu, thờ Trần Triều. “Đền còn là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, là nơi diễn ra các ngày lễ, ngày hội của người dân địa phương. Những sinh hoạt đó mang tính cộng đồng, mang màu sắc tôn giáo và niềm tin nhân quả” (trích hồ sơ).
Điều đáng nói ở đây là việc xây dựng mới nhiều hạng mục rất “khác người” khiến đền Xã Tắc (Móng Cái) biến dạng, thành di tích “đầu Ngô mình Sở”.
Viết sai chữ Hán
Ngay nghi môn ngoại (cổng chính), các câu đối chữ Hán đã viết sai nhiều chữ. Dịch giả Châu Hải Đường phân tích rõ như sau: Câu đối “Công tại Trần triều danh tại sử/ Sinh vi tướng quốc hóa vi thần”, viết đúng chữ Hán phải là: “功在陳朝名在史; 生為將國化爲神”. Ở đền Xã Tắc, chữ “công” (功) - nghĩa là công lao, viết sai thành chữ “công” (公) - nghĩa là ông, là ngài. Đồng thời, chữ “sử” (史) nghĩa là sử sách, đã viết sai thành chữ “sử” (使) – có nghĩa là sử dụng, sai khiến.
Ở câu đối thứ 2: “Cứu quốc công huân Bắc địa uy linh thiên cổ miếu/ Tý dân phúc trạch Nam thiên chiêm ngưỡng nhất tân từ” cũng có nhiều chữ viết chưa đúng. Hai câu này, viết đúng chữ Hán phải là: 救國功勲北地威靈千古廟; 庇民福澤南天瞻仰一新. Nhưng, đền Xã Tắc lại một lần nữa viết sai chữ “công” (功) , thành chữ “công” (公) – như trên. Đồng thời, câu thứ hai, chữ “trạch” (澤 - nghĩa là ơn huệ), lại viết sai thành chữ “trạch”(宅 - có nghĩa là nhà). Đó là chưa nói chữ “tí” (庇 - nghĩa là che chở) cũng bị viết sai thành “tí” (畀- nghĩa là cho). Ông Châu Hải Đường cho biết: “Dẫu có khiên cưỡng dùng nghĩa, nhưng cũng không phải là chữ chính xác dùng trong cụm từ “tí dân”, hay “Hộ quốc tí dân”.
Với những lỗi sai này, nhà nghiên cứu Đinh Nguyễn cho rằng: “Đây là Quảng Ninh mời mấy ông mới vọc vạch chữ Hán viết”. Còn dịch giả Châu Hải Đường bình luận: “Do không hiểu sâu về chữ Hán nên người viết bị nhầm lẫn với chữ đồng âm dị nghĩa”.
Chuông đền Xã Tắc - “Đầu Ngô mình Sở”
Bước vào tiếp bên trong khuôn viên đền Xã Tắc, Móng Cái, chúng tôi nhận thấy sự bài trí các hạng mục rất “khác người”. Bên tả gác chuông (đại hồng chung), bên hữu gác trống. Chuông Đền Xã Tắc có nặng 1,5 tấn được đúc bằng đồng đỏ nguyên khối vào ngày 20/7/2017. Chuông có đường kính miệng 1,27m chiều cao 2,45m. Trong ngày đúc chuông, đã có mặt nhiều vị lãnh đạo Thành ủy – UBND thành phố Móng Cái và Phó ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cùng tham dự.
PGS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho biết: “Gác chuông có ở trong chùa Việt. Còn trong đền thờ truyền thống Việt Nam không có chuông (đại hồng chung). Đền thờ truyền thống Việt Nam có chiêng, có trống nhưng các cụ không làm gác trống”. Đồng tình với ý kiến này, nhà nghiên cứu Đinh Nguyễn phân tích thêm: “Nếu có gác chuông thì đó là khuôn viên ngôi chùa, chứ gác chuông ở đền thờ là không phù hợp”.
Lãnh đạo thành phố Móng Cái tham gia đúc chuông đền Xã Tắc (2017) - ảnh: Cổng TTĐT Móng Cái |
Đền thờ Trần Hưng Đạo hay Trần Quốc Tảng?
Theo lý lịch di tích đền Xã Tắc được lập năm 2004 của Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Ninh, trong đền thờ chính và hậu cung đều có câu đối: “Sinh tại Trần triều danh tại sử/ Sinh vi tướng quốc hóa vi thần”. Hậu cung có tượng Đức Ông Cửa Suốt. Ghi chú của người lập hồ sơ di tích viết như sau: “Do một số con nhang đệ tử xin chân hương ở đền Cửa Ông mang về đây để thờ”.
Hồ sơ di tích cũng ghi cụ thể: “Năm 1989 quan hệ hai nước Việt – Trung được lập lại, cửa khẩu biên giới hai nước được thông thương, một số người dân buôn bán ở Móng Cái thường đến đây để cầu lộc. Thấy ngôi đền nhỏ nhưng rất linh thiêng, họ đóng góp công đức tu sửa lại đền, lập tượng thờ Xã Tắc đại vương, thờ Ngọc Hoa công chúa và Đức thánh Trần Hưng Đạo. Năm 1992, gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, người dân xã Ninh Dương đến đây tu sửa đền và xây nhà ở hẳn trong khu vực đền”.
Như vậy, hồ sơ di tích năm 2004 cho biết, người được phối thờ cùng Xã Tắc đại vương trong đền là Trần Hưng Đạo. Không hiểu vì sao sau khi được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh (2005), trùng tu, tôn tạo di tích đền Xã Tắc (2009), thì người được thờ và lập tượng lại thành Trần Quốc Tảng, con trai thứ ba của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn?
Cần làm rõ lai lịch Xã Tắc Vài năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh dành sự ưu ái để tuyên truyền về đền Xã Tắc ở Móng Cái: Đền Xã Tắc như một “cột mốc” văn hóa vững bền; đền được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ XIII, đầu thế kỷ thứ XIV dưới thời nhà Trần… Song cần làm rõ lai lịch đền Xã Tắc trên cơ sở khoa học lịch sử để “cột mốc” văn hóa này được vững bền. Đền thờ cần có thần phả và thần tích do người xưa ghi chép lại để được biết ngôi đền ấy thờ ai, từ khi nào? Ở đây, đền Xã Tắc không hề có thần phả và thần tích. Nếu nói do chiến tranh biên giới hủy hoại thì phải có các bản lưu ở những cơ quan quản lý Nhà nước trước đây. Nếu không có thì đây chỉ là một nơi thờ tự tự phát trong dân gian. |