| Hotline: 0983.970.780

Đi đầu trồng rau hữu cơ ở Bắc Ninh

Thứ Hai 29/07/2019 , 08:56 (GMT+7)

“Nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận, có lẽ sẽ khó tạo thành công trong quá trình sản xuất rau hữu cơ, bởi quy trình trồng rất nghiêm ngặt mới có thể cho ra sản phẩm rau tuyệt đối an toàn, đậm vị”, chị Đỗ Thị Phương, chủ mô hình sản xuất rau sạch Ánh Dương, phường Vạn An (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ.

Cũng bằng niềm đam mê, vượt khó ấy, chị đã thành công và hiện đang cung cấp rau sạch cho hơn 10 trường Mầm non ở thành phố và 9 trường Mầm non của huyện Thuận Thành. Mô hình rau sạch của chị còn là nguồn cung cấp rau uy tín, chất lượng cho người dân thành phố Bắc Ninh.

Công nhân đang tỉa ngọn cho dưa ra quả.

Nhìn những luống rau, dưa, cà tím, đỗ, rau thơm xanh mướt, dài tít tắp dưới lớp phun sương nhẹ của nhà lưới, nhà kính, chúng tôi thực sự nể phục. Vừa giới thiệu tác dụng của từng loại rau, chị Phương vừa chia sẻ: Từ năm 2003, gia đình tìm hướng trồng rau an toàn với mong muốn đem nguồn rau sạch cung cấp cho người dân, bởi trong nhà có tới mấy kỹ sư nông nghiệp (chị cười). Nhưng trong quá trình thực hiện, thực sự rất vất vả.

Thời điểm đó, rau sạch, rau bẩn lẫn lộn, nên đầu ra bấp bênh, công sức của mình bỏ ra chưa được người dân coi trọng, cũng nản, rồi không duy trì được. Song với niềm đam mê sản xuất rau sạch, năm 2017, gia đình quyết tâm thuê hơn 6.000m2 đất nông nghiệp của người dân thôn Đương Xá, phường Vạn An trong vòng 10 năm, đầu tư hơn 1 tỷ đồng cải tạo đất, xây dựng nhà lưới, nhà kính, hệ thống phun tưới... và bắt tay vào thực hiện, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau hữu cơ của Viện Nghiên cứu rau, quả Việt Nam.

Đơn cử như khâu làm đất, phải mất 1 năm phơi, cày ải, cắt cỏ (không phun thuốc diệt cỏ), rồi trộn với phân hữu cơ ủ mục gồm bột ngô, đỗ tương, cám trộn, xong mới tiến hành đánh luống, trồng rau. Trong quá trình chăm sóc, tuyệt đối không phun hóa chất, không bón phân lân, phân đạm, 100% dùng phân hữu cơ ủ mục, phun tưới nước sạch và dọn cỏ thủ công.

Rau thơm các loại có thể ăn sống tại vườn, không cần rửa. Đến nay, công sức, niềm đam mê của chị được bù đắp bằng những luống rau ăn lá xanh mướt, đủ các loại cải, dền, mồng tơi, rau đay, rau ngót, rau muống, rau thơm các loại; những giàn mướp, đỗ, dưa, cà trĩu quả. Trung bình cho thu hoạch hơn 2 tấn/vụ, giá bán khoảng 25 - 30.000 đồng/kg. Mỗi tháng cho thu hoạch 1 lứa.

Hiện tại, mô hình rau sạch Ánh Dương có 5 công nhân và 2 kỹ thuật viên chăm sóc. Sản lượng rau đủ cung ứng cho 20 trường học trong tỉnh và có 2 cơ sở bán lẻ tại thành phố Bắc Ninh. Chị Phương cho biết thêm: Để cung cấp đủ nguồn rau, củ, quả sạch cho các trường học cũng như người dân, mô hình rau Ánh Dương còn liên kết với trang trại sản xuất rau, củ, quả sạch trên Mộc Châu (Sơn La).

Sở dĩ lựa chọn địa điểm trên đấy bởi thời tiết thuận lợi, rất nhiều củ, quả trái vụ thích nghi được, năng suất, chất lượng cao, nên bảo đảm đủ nguồn rau, củ, quả an toàn. Mô hình rau hữu cơ Ánh Dương thực sự thành công, cung ứng nguồn rau sạch lớn cho xã hội, nhất là học sinh các trường Mầm non được thụ hưởng đầu tiên, góp phần nuôi dưỡng trẻ em một cách khỏe mạnh, khoa học nhất.

Hiện nay, ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn đang là mối đe dọa lớn đến sức khỏe của con người. Sản phẩm sạch, an toàn là nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội. Niềm đam mê trồng rau hữu cơ của chị Phương chính là muốn góp một phần công sức của mình để đem đến thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, hạn chế dần những hóa chất độc hại trong thức ăn hàng ngày của con người.

Mục tiêu đặt ra, chị sẽ tiếp tục phát triển nhiều mô hình trồng rau hữu cơ và tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tất cả các trường học trong tỉnh cho các cháu ăn rau sạch, bảo đảm trẻ phát triển khỏe mạnh.

 

Báo Bắc Ninh

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.