| Hotline: 0983.970.780

Đi ngược định hướng, Bình Định nan giải bài toán nguyên liệu gỗ

Thứ Ba 12/09/2023 , 12:10 (GMT+7)

Ngoài 140 doanh nghiệp chế biến gỗ, những năm qua, Bình Định còn phát triển mạnh ngành sản xuất viên nén và dăm gỗ, nguyên liệu phục vụ sản xuất luôn ‘hút hàng’...

Rủi ro bủa vây khi lệ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

Hiện nay, trên địa bàn Bình Định có khoảng hơn 140 doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 300.000m3 gỗ tinh chế. Theo đó, để đáp ứng nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, mỗi năm Bình Định phải cần đến 1,2 triệu m3 gỗ tròn; trong đó, nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 80%, gỗ rừng trồng trong nước chỉ chiếm 20%.

Bên cạnh hoạt động chế biến gỗ xuất khẩu, trong những năm qua, Bình Định không ngừng phát triển ngành chế biến dăm gỗ và viên nén. Nếu như vào năm 2009, Bình Định chỉ mới có 8 nhà máy chế biến dăm gỗ  với lượng dăm xuất khẩu khoảng 189.000 tấn/năm, thì đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh này đã có đến 15 nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu, tổng công suất tăng lên hơn 1 triệu tấn/năm. Đến nay, số nhà máy chế biến dăm gỗ ở Bình Định lại tiếp tục tăng hơn con số 20. Để sản xuất ra 1 tấn dăm gỗ phải cần đến 2 tấn gỗ rừng trồng. Chỉ tính sản lượng dăm gỗ hàng năm 1 triệu tấn của năm 2021, thì mỗi năm Bình Định phải cần đến 2 triệu tấn gỗ rừng trồng cho ngành chế biến dăm.

Bình Định hiện đang có hơn 140 doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định hiện đang có hơn 140 doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Ảnh: V.Đ.T.

Bên cạnh đó, trên địa bàn Bình Định hiện có hàng chục nhà máy sản xuất viên nén đang hoat động cũng ngốn nguyên liệu là gỗ rừng trồng nhiều không kém. Đó là chưa kể 1 nhà máy chế biến gỗ, sản xuất nhiên liệu sinh học rắn của 1 công ty nước ngoài vừa khởi công xây dựng vào cuối tháng 7 vừa qua tại thị xã Hoài Nhơn có năng lực sản xuất viên nén đen 120.000 tấn/năm, chế biến gỗ gia công 36.000m3/năm.

Trong khi đó, theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, toàn tỉnh này hiện có 98.000ha rừng trồng sản xuất, mỗi năm khai thác, trồng lại khoảng 9.000ha, năng suất đạt khoảng 1,2 triệu tấn gỗ nguyên liệu. Trong đó, sản lượng gỗ lớn cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn chỉ chiếm khoảng 20%; 80% còn lại là gỗ nhỏ, chủ yếu cung cấp cho các nhà máy chế biến viên nén và sản xuất dăm gỗ xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu này chẳng bõ bèn gì so với nhu cầu của cả 3 ngành chế biến đồ gỗ, viên nén và dăm gỗ trong tỉnh.

Trong những năm gần đây, ngành chế biến dăm gỗ phát triển mạnh tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Trong những năm gần đây, ngành chế biến dăm gỗ phát triển mạnh tại Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Do không chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu, phải nhập khẩu số lượng lớn, các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định đối mặt với nhiều khó khăn. Khó khăn trước tiên là giá gỗ nguyên liệu ngày càng cao, vì nhiều nước xuất khẩu gỗ nguyên liệu gần đây phải chịu nhiều ràng buộc bởi các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên nên siết chặt việc khai thác, do đó gỗ nguyên liệu không ngừng tăng giá. Thứ đến là nỗi khó về nguồn vốn mua gỗ nguyên liệu dự trữ để chủ động sản xuất, trong khi ngân hàng đang siết tín dụng. Thế nhưng, đáng quan ngại nhất là gỗ nguyên liệu nhập khẩu thường gặp những rủi ro về chất lượng, chứng nhận nguồn gốc.

Lo xa việc phát triển rừng trồng gỗ nguyên liệu không theo kịp phát triển của các ngành chế biến, cách đây khoảng 10 năm, Bình Định đã định hướng phát triển ngành sản xuất dăm gỗ trên cơ sở cân đối với nguồn nguyên liệu chủ động từ gỗ rừng trồng trong tỉnh, không phát triển tràn lan.

“Quyết định số 3240 ngày 31/10/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 của UBND tỉnh Bình Định định hướng phát triển ngành chế biến dăm gỗ của Bình Định phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020; phù hợp với quy hoạch công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

Bên cạnh đó, nhà máy sản xuất viên nén gỗ ở Bình Định cũng mọc nhiều như nấm. Ảnh: V.Đ.T.

Bên cạnh đó, nhà máy sản xuất viên nén gỗ ở Bình Định cũng mọc nhiều như nấm. Ảnh: V.Đ.T.

Đi ngược với định hướng quy hoạch

Theo định hướng, Bình Định sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ phù hợp với quy hoạch đầu tư phát triển rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khuyến khích người trồng rừng trong tỉnh thâm canh tăng năng suất rừng trồng, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ và dăm gỗ trên địa bàn sản xuất ổn định. Ngoài ra, Bình Định còn tăng cường thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ dăm gỗ như bột giấy, ván dăm, ván ghép thanh, ván MDF, sản xuất sợi visco để tăng hiệu quả kinh tế cho rừng trồng nguyên liệu.

Bình Định đề ra hướng phấn đấu đến sau năm 2020 sẽ hạn chế và tiến tới không còn xuất khẩu thô dăm gỗ, mà từng bước đưa gỗ rừng trồng vào chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm ngành gỗ. Đặc biệt, Bình Định nhất quyết không quy hoạch nhà máy chế biến dăm gỗ tại các khu dân cư và ở ngoài khu, cụm công nghiệp, không quy hoạch phát triển mới nhà máy chế biến dăm gỗ.

Định hướng là vậy, thế nhưng trong những năm qua, Bình Định vẫn cấp phép cho đầu tư xây dựng nhiều nhà máy chế biến dăm, viên nén gỗ. Nhà máy chế biến dăm, viên nén gỗ mọc ngày càng dày, cộng với hàng trăm nhà máy chế biến gỗ đang hoạt động khiến ngành gỗ Bình Định lâm cảnh triền miên “khát” nguyên liệu. Thực tế trên đã dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp chế biến dăm, viên nén gỗ cạnh tranh gay gắt thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng để đảm bảo sản xuất, gây bất ổn thị trường gỗ nguyên liệu, nhất là trong giai đoạn doanh nghiệp nào cũng cầm trong tay nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm ở Bình Định không đủ cung ứng cho các ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, dăm gỗ và viên nén. Ảnh: V.Đ.T.

Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm ở Bình Định không đủ cung ứng cho các ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, dăm gỗ và viên nén. Ảnh: V.Đ.T.

Thực trạng khan hiếm nguồn gỗ nguyên liệu đã thúc đẩy người trồng rừng ồ ạt khai thác rừng non để bán, chớp thời cơ lúc gỗ rừng trồng cao giá. Việc khai thác rừng trồng đồng loạt với diện tích lớn dẫn tới tình trạng sạt lở đất, uy hiếp người dân nhiều khu dân cư, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt, môi trường tự nhiên bị phá vỡ.

“Khi thị trường khan hiếm gỗ rừng trồng, chuyện tranh mua tranh bán của các doanh nghiệp sẽ khiến giá gỗ rừng trồng tăng cao, khi ấy những cánh rừng tự nhiên phải đối mặt với tình trạng người dân lén lút phá rừng lấy đất để trồng rừng nguyên liệu. Thậm chí có nhiều nơi người dân còn trồng cả cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, chính quyền địa phương phải mạnh tay mới dẹp được. Đặc biệt, rừng trồng bị người dân ồ ạt khai thác rừng non để bán khiến kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn của Bình Định không thực hiện được”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định lo lắng.

Bình Định phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn sẽ có 30.000ha rừng gỗ lớn. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn sẽ có 30.000ha rừng gỗ lớn. Ảnh: V.Đ.T.

Trước tình trạng ngành gỗ Bình Định thiếu trầm trọng gỗ nguyên liệu, tỉnh này đang nỗ lực vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đẩy mạnh phát triển trồng mới rừng gỗ lớn đối với những diện tích rừng trồng đã khai thác; hoặc chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn để sản lượng gỗ rừng trồng tăng lên, từng bước đáp ứng nhu vầu về nguyên liệu phục vụ ngành gỗ.

“Bình Định cũng khuyến khích các doanh nghiệp chế biến biến đồ gỗ xuất khẩu, chế biến dăm và viên nén gỗ liên kết với người trồng rừng đầu tư, phát triển rừng gỗ lớn bằng cách trồng mới hoặc chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn để chủ động nguyên liệu phục vụ sản xuất. Theo kế hoạch, đến năm 2025 địa phương sẽ trồng mới và chuyển hóa được 10.000ha rừng gỗ lớn. Đến nay, Bình Định đã thực hiện được 6.767ha, trong năm 2023 sẽ tiếp tục trồng mới được 4.550ha nữa, vượt sớm kế hoạch giai đoạn 2020 - 2025. Đến năm 2030, phấn đấu phát triển diện tích rừng gỗ lớn lên đến 30.000ha”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.

Xem thêm
Có thể giảm tần suất lấy mẫu sau 2 năm xuất khẩu dừa sang Trung Quốc

Bến Tre Thông tin được ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa' sáng 13/12.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.