| Hotline: 0983.970.780

Tìm hướng phát triển cho nghề trồng keo nguyên liệu

Thứ Ba 01/08/2023 , 11:14 (GMT+7)

Quảng Ngãi Rừng keo nguyên liệu ở Quảng Ngãi chủ yếu phục vụ cho các cơ sở băm dăm, lại thường xuyên chịu tác động của thiên tai, dịch bệnh nên hiệu quả còn rất thấp.

Những năm qua, hiện tượng keo bị nhiễm bệnh chết xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Lê Khánh.

Những năm qua, hiện tượng keo bị nhiễm bệnh chết xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Lê Khánh.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay trên địa bàn có khoảng hơn 225.000ha rừng trồng, trong đó chủ yếu là cây keo nguyên liệu. Nhiều năm qua, loại cây này đã góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo ở các huyện miền núi như Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ…

Keo trồng của người dân ở tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu phục vụ làm nguyên liệu dăm gỗ của hơn 60 nhà máy chế biến dăm, gỗ trên địa bàn với sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 1,2 triệu tấn. Mặc dù vậy, nghề trồng keo ở Quảng Ngãi những năm qua đang đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai và nấm bệnh. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, bệnh chết héo trên cây keo đang phát sinh gây hại gần 8.200ha rừng trồng ở hầu hết các địa phương trên địa bàn, trong đó có hơn 5.500ha bị nhiễm nặng và đang có xu hướng lan rộng. Keo bị chết thường ở độ tuổi từ 1 đến 2 năm nên người dân cũng không thể tận thu, thiệt hại nặng về kinh tế.

Qua quá trình lấy mẫu xét nghiệm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi thông tin, nguyên nhân gây ra bệnh keo chết hàng loạt ở các địa phương trong tỉnh là do nhiễm nấm Ceratocystis sp và nấm Fusarium sp. Trước thực trạng này, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cũng đã khuyến cáo các hộ dân thu gom, tiêu hủy các cây bị bệnh, cũng như rắc vôi bột, dọn thực bì cũng như tránh vận chuyển, buôn bán keo bị bệnh để tránh lây lan, phát tán.

Diện tích trồng keo ở Quảng Ngãi hiện nay chủ yếu phục vụ cho các nhà máy dăm gỗ. Ảnh: Lê Khánh.

Diện tích trồng keo ở Quảng Ngãi hiện nay chủ yếu phục vụ cho các nhà máy dăm gỗ. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, ngoài nấm bệnh, thì việc keo chết cũng có nguyên nhân sâu xa khác là do cách canh tác của người dân chưa đúng kỹ thuật. Hiện nay, đa số các hộ dân vẫn trồng với mật độ quá dày. Đa số các chủ rừng đều trồng với mật độ khoảng 5.000 cây/ha, thậm chí có nơi lên đến 8.000 cây/ha. Trong khi mật độ khuyến cáo chỉ từ 1.500 – 2.000 cây/ha hoặc cao nhất là 2.500 cây/ha.

Bà Đinh Thị Bình (trú xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà) chia sẻ: “Tôi thường trồng 8.000 - 10.000 cây trên rẫy keo gần 1,5ha. Trồng nhiều mới có gỗ nhiều. Thời điểm trước, cách trồng này không có vấn đề gì nhưng từ năm 2022 đến nay, trên rẫy cứ thi thoảng lại có vài cây chết, phải chặt bỏ. Vừa rồi cây chết nhiều, lan ra cả rẫy, tôi cũng chưa biết tính thế nào, giữ lại cũng không được mà chặt bỏ lại không có tiền để đầu tư trồng mới”.

Cũng cần phải nói thêm rằng, những năm qua, hiệu quả của cây keo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bị suy giảm cũng còn có một phần hệ lụy từ việc phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch. Cứ đất trống là người dân trồng keo, không lường trước được những tác động của thiên tai. Ngoài ra, việc thoái hóa giống hoặc sử dụng giống không được kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng cũng dẫn đến tình trạng keo bị bệnh, từ đó suy giảm giá trị rừng trồng.

Ngành chức năng khuyến cáo người dân mua giống ở những cơ sở được cấp phép. Ảnh: Lê Khánh.

Ngành chức năng khuyến cáo người dân mua giống ở những cơ sở được cấp phép. Ảnh: Lê Khánh.

Theo ông Phạm Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, giống là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng rừng trồng. Thực tế cho thấy, việc cải thiện chất lượng nguồn giống đã góp phần tăng năng suất trung bình của rừng trồng keo từ 10m3/ha/năm lên 17 - 19m3/ha/năm, nhất là loại keo giâm hom. Tuy nhiên, phần lớn người dân tham gia trồng rừng bằng cây keo chưa chú trọng chăm sóc nuôi dưỡng, mà chỉ quan tâm đến chu kỳ khai thác từ 3 đến 5 năm để bán nguyên liệu giấy hoặc xuất khẩu gỗ dăm. Điều này dẫn đến giá trị của rừng trồng rất thấp, bình quân chỉ đạt từ 60 - 80 triệu đồng/ha, dẫn đến thu nhập cũng chỉ từ 10 - 12 triệu đồng/ha/năm.

Ông Hưng cho rằng, cách trồng keo như vậy đã là tập quán xưa nay của người dân. Cùng với đó, luật quy định các chủ rừng được giao đất rừng sản xuất thì họ có quyền để định đoạt. Trong quy luật cung - cầu, khi thị trường còn chấp nhận thì chắc chắn người dân sẽ còn sản xuất. Về phía mặt quản lý nhà nước chỉ tuyên truyền, khuyến khích người dân.

“Cái khó là bây giờ chưa xác định được loại cây gì có thể thay thế được cây keo. Do đó, giải pháp về lâu về dài là kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư cùng với chủ rừng để hình thành chuỗi liên kết trồng rừng nguyên liệu gắn với gỗ lớn, từ từ thay đổi phương thức canh tác cũ để nâng cao giá trị từ rừng”, ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Thế Vĩnh cho hay, để nâng cao hiệu quả từ cây keo, vừa qua Sở NN-PTNT Quảng Ngãi đã làm việc với Phòng NN-PTNT và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện để thống kê, rà soát lại thực trạng rừng keo nguyên liệu trên địa bàn. Đồng thời báo cáo và xin chủ trương của UBND tỉnh để triển khai công tác tập huấn, in tờ rơi tuyền truyền đến các hộ trồng keo. Các nội dung tuyên truyền sẽ tập trung vào những biện pháp phòng trừ sâu bệnh, vấn đề trồng mới, tuân thủ đúng mật độ hướng dẫn. Đối với những diện tích trồng keo thì cần lựa chọn những giống sạch bệnh ở những cơ sở được cấp phép. 

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm