| Hotline: 0983.970.780

Đi tìm hình ảnh nông thôn trên màn bạc

Thứ Bảy 16/01/2021 , 06:16 (GMT+7)

Đạo diễn Lâm Quang Ngọc hợp tác với nhà sử học Dương Trung Quốc thực hiện bộ phim “Đường cày xuyên thế kỷ” gây ấn tượng mạnh.

Vào thời khắc chuyển giao thế kỷ 20 qua thế kỷ 21, tại Hãng Phim Tài liệu - Khoa học Trung ương, đạo diễn Lâm Quang Ngọc hợp tác với nhà sử học Dương Trung Quốc thực hiện bộ phim “Đường cày xuyên thế kỷ” gây ấn tượng mạnh.

Sức khái quát của bộ phim rất lớn: Dường như trong gần 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, có một đường cày vạch rãnh xuyên suốt thế kỷ là 2 cuộc kháng chiến giành và giữ nước- chống Pháp và chống Mỹ. Song hành với sự kiện này là một đường cày khác: Đảng và Chính quyền nhân dân đã trăn trở, vật vã trong việc nhìn nhận vai trò nông dân và đã thực hiện những chiến lược, sách lược đúng, sai với ruộng đất như thế nào.

Điều này thật dễ hiểu vì 60% dân số nước ta là nông dân và cho đến tận cuối năm 2020 này mặt hàng chủ yếu tạo nên GDP của quốc gia vẫn là hạt thóc, quả trái, con tôm con cá.

Thực tế không thể chối bỏ đó đã uyển chuyển, hữu cơ thấm vào lĩnh vực phim ảnh. Ngay từ khi ngành phim truyện của nước ta mới hình thành thì cứ có 1 phim về đề tài công nhân - công nghiệp như “Khói trắng”, lập tức phải có ngay một phim về nông dân - nông thôn là “Vườn cam”. Điều thú vị nằm ở chỗ đây không chỉ là sự kê kích, pha chế cho đủ mặt hàng, cho cân bằng, đăng đối mà nằm ở một phương diện khác.

Anh quay phim cảm thấy quay cái giếng làng, con đê, rặng tre ven sông… dễ đẹp hơn, dễ thành thơ, thành nhạc hơn quay các bối cảnh thành thị. Chị diễn viên vào vai cô gái quê, bà mẹ nông dân hai sương một nắng sao “duyên hơn”, “ngọt hơn”.  Và dù  phim chiếu ở thành thị hay nơi thôn dã, hình như cứ động tới làng quê, tới những người thợ cày, thợ cấy, với những lo toan ruộng đồng qua nắng hạ, mưa giông... y như rằng phòng chiếu dễ tìm được sợi dây đồng cảm và những tiếng suýt xoa từ phía người xem hơn.

Cảnh trong phim 'Đất mặn'.

Cảnh trong phim "Đất mặn".

Nói không sợ suy diễn rằng nền điện ảnh nước ta trong những năm tháng huy hoàng, rực rỡ ấy thì những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng là mảng phim nổi trội nhất. Nhưng hỏi ai sắm vai những người hùng ở nơi hậu phương hay chốn xa trường lại chính là những người nông dân.

Đó là cha con bé Nga trong “Chim vành khuyên”, là người phụ nữ nông dân hết lòng thương chồng, thương con, đảm việc nhà, lo chu toàn việc nước như Tư Hậu trong bộ phim cùng tên, là Vân trong “Nổi gió”, là những người “dân lân dân ấp” gan góc đối mặt với kẻ thù nhưng trong thẳm sâu tâm hồn vẫn là chất mộc mạc, hiền lành của người nông dân như trong các phim “Ông Hai cũ”, “Mùa gió chướng”, “Cánh đồng hoang”..  

Còn ít ai quan tâm tới điều này: Đỉnh cao nhất trong lịch sử phát triển của ngành phim truyện nước mình chính là những năm tháng chúng ta bước vào thời kỳ Đổi Mới, tập làm quen với cơ chế thị trường nhưng vẫn còn nhận được đồng tiền đầu tư làm phim từ phía Nhà nước.

Sự sáng tạo của người làm phim không còn bị kiềm nén, ràng rịt bởi căn bệnh minh họa chính trị; cái nhìn gượng gạo, áp đặt chủ quan; những lề thói duyệt khô cứng, thô bạo. Người làm phim như chợt tỉnh ngộ trước những giá trị đích thực của yêu cầu nhân văn, nhân đạo và ý thức phải phản ảnh cho chân thực, cho có chiều của hiện thực đời sống.

Đề tài nông thôn và vị trí người nông dân trong phim ảnh vẫn là đối tượng được quan tâm, khai thác kỹ nhất trong thời kỳ này. Chỉ khác một điều căn bản: việc phản ánh ấy đã đạt tới một sức khái quát, một kích cỡ khác.

Nói tới sức người sức của của nông thôn và bà con nông dân đóng góp cho tiến trình cách mạnh, phim ảnh không còn dừng ở bề nổi “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, mùa tuyển quân các làng xã rộn ràng bài ca “Chiếc gậy Trường Sơn” nữa. Sự hy sinh, cống hiến lớn lao của nông thôn và người nông dân trong mấy cuộc chiến tranh đã được phản ánh bằng những tan hoang, đổ nát trong phim “Ngã ba Đồng Lộc”, bằng nỗi đau “ngày Bắc đêm Nam" trong phim “Đời cát”, cả bằng sự vật vã, trăn trở của người lính Điện Biên thắng trận trở về bỗng phải trừng mắt chứng kiến những oan sai trong cải cáh ruộng đất.

Đề tài nông thôn và người nông dân trong phim ảnh ở giai đoạn này còn đạt tới chiều sâu về tính dự báo, như trong phim “Thương nhớ đồng quê" trước viễn cảnh của xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ bỏ rơi hoặc xem nhẹ trận địa nông thôn và vị trí của người nông dân.

Nhưng đấy là bức tranh toàn cảnh, rực rỡ sắc màu của Điện ảnh Việt Nam thời kỳ hưng thịnh.

Dấn sâu vào cơ chế thị trường, phim ảnh dù muốn hay không phải biến thành hàng hóa, đồng lờ lãi trở thành thước đo chủ yếu thì yếu tố tư tưởng, nghệ thuật lập tức buộc phải lùi tít về phía sau nhường bước cho yếu tố kiếm tiền.

Điều đáng buồn là cả hàng chục năm qua, có thắp đuốc cũng không tìm thấy một bộ phim nghiêm cẩn nào đề cập tới những gì đang diễn ra ở làng quê, trong cuộc sống của người nông dân. Việc sản xuất phim trên thực tế chuyển vào tay tư nhân, ngay lập tức phim được trù liệu cho đối tượng người xem chủ yếu là các cậu, các cô choai choai, con nhà giàu ở thành phố. Mà lớp người xem này đang hoan hỉ, háo hức hướng tới văn hóa Mỹ, văn hóa Hàn, tới cuộc sống sang chảnh của hàng hiệu, của các mode thời trang. Lớp khán giả như thế không thích hướng mắt về nông thôn, không muốn quan tâm tới cuộc sống chân lấm tay bùn của bà con nông dân.

Trong khi đó, chính ở nông thôn trong hai, ba chục năm vừa qua lại đang diễn ra biết bao nhiêu sung động và những đổi thay, động chạm tới những vấn đề căn cốt trong đời sống tinh thần của cả dân tộc. Nông thôn và bà con nông dân vẫn phải trằn mình chống với mọi thiên tai bão lụt của thời kỳ khí hậu toàn cầu xấu đi. Nông thôn và bà con nông dân phải đối mặt với cuộc lựa lọc chưa có hồi kết của việc “trồng cây gì, nuôi con gì”? Nông thôn và bà con nông dân đang chiềng mặt với làn sóng của ảnh hường văn hóa lai căng, chà đạp lên truyền thống và đạo lý của tổ tiên; làng xóm ngày càng tràn ngập các tụ điểm karaoke, các hiệu sấy tóc, làm môi làm mắt, các cách hành xử nhăng nhít từ thành thị du nhập về...

Những thực tế như vậy đâu thấy trong phim?

Cảnh trong phim 'Ráng chiều ấm áp'.

Cảnh trong phim "Ráng chiều ấm áp".

Nói cho công bằng ra, trong cơn sóng giồi phim truyện truyền hình ào ạt tung ra màn ảnh, cũng có những bộ phim hướng về nông thôn và cuộc sống của bà con nông dân hôm nay với thái độ trân trọng cùng nỗi xót xa, chia sẻ về những gì thuộc cội nguồn văn hóa tâm linh của cha ông đang bị phá vỡ ở làng; lên án nạn cường hào ác bá kiểu mới; đề cập tới sự phân hóa xã hội đang diễn ra sau lũy tre xanh. Có thể kể ra đây những bộ phim như “Đất và Người”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”..

Yếu tố thành công của những bộ phim về nông thôn và người nông dân như kể trên, lẽ dĩ nhiên thuộc về lương tâm, trách nhiệm nghệ thuật của các biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên đối với đề tài nông thôn và người nông dân.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.