| Hotline: 0983.970.780

Địa phương nào xảy ra dịch bệnh do tiêm phòng thấp sẽ bị kỷ luật

Thứ Tư 10/04/2024 , 06:00 (GMT+7)

UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo, địa phương nào để xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi mà nguyên nhân do tỷ lệ tiêm phòng thấp sẽ chịu trách nhiệm kỷ luật.

Người chăn nuôi xã Hòa Trạch chủ động trong việc tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn bò. Ảnh: T. Phùng.

Người chăn nuôi xã Hòa Trạch chủ động trong việc tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn bò. Ảnh: T. Phùng.

Quyết liệt chỉ đạo từ đầu năm

Ngay từ đầu năm, tỉnh Quảng Bình đã có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai kế hoạch tổ chức tiêm phòng các loại vacxin cho đàn gia súc, gia cầm.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo: “Phải thực hiện kiểm tra, kiểm soát nhiệm vụ này thường xuyên. Địa phương nào để xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi với nguyên nhân tỷ lệ tiêm phòng thấp thì chịu trách nhiệm kỷ luật. Cần phải tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi mới tránh được thiệt hại cho người nông dân và ổn định phát triển ngành chăn nuôi”.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Quảng Bình cũng đã sớm triển khai kế hoạch hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1/2024 trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, trên tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh, ngành đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác tiêm phòng vacxin gia súc, gia cầm ở các địa phương và thực hiện nghiêm công tác phòng chống bệnh dại.

“Đoàn kiểm tra hỗ trợ các huyện, thành phố, thị xã đã rà soát, thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm và chỉ đạo thực hiện kế hoạch tiêm phòng”, ông Trần Đình Hiệp cho hay.

Xác đinh là đơn vị “đứng mũi chịu sào” nên Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đã dồn sức, tăng cường cán bộ về các địa phương đôn đốc, hướng triển khai thực hiện tiêm phòng.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình chia sẻ: “Nhiệm vụ chính của Chi cục là phối hợp cùng các địa phương đảm bảo thời gian và chỉ tiêu mà tỉnh đã giao. Đồng thời, hàng tuần tổng hợp tiến độ thực hiện của các địa phương, tham mưu báo cáo theo quy định”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, tỉnh sẽ đốc thúc các địa phương, đơn vị triển khai nhanh nhiệm vụ tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi và phòng ngừa bệnh dại. Nếu địa phương nào thực hiện chậm, không đạt tỷ lệ như kế hoạch sẽ bị xử lý theo trách nhiệm. Địa phương nào gặp khó khăn phải báo cáo ngay để tỉnh xử lý kịp thời.

Cán bộ thú y huyện Bố Trạch lên lịch tiêm phòng đàn gia súc cho từng thôn tạo thuận lợi cho người chăn nuôi. Ảnh: T. Phùng.

Cán bộ thú y huyện Bố Trạch lên lịch tiêm phòng đàn gia súc cho từng thôn tạo thuận lợi cho người chăn nuôi. Ảnh: T. Phùng.

Cố hoàn thành chỉ tiêu vào cuối tháng 4

Nhằm hỗ trợ người chăn nuôi và thúc đẩy, nâng cao tỷ lệ tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, nhiều địa phương đã thực hiện chích sách hỗ trợ kinh phí mua vacxin trong đợt 1/2024.

Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch, năm 2024, huyện đã thực hiện hỗ trợ hỗ trợ 100% vacxin viên da nổi cục cho các xã vùng núi và 100% vacxin bệnh dại cho toàn huyện.

“Đây là năm thức 3 liên tiếp huyện Bố Trạch thực hiện hỗ trợ vacxin cho bà con vùng miền núi. Qua đó, tỷ lệ tiêm phòng đạt cao và đã đẩy lùi được dịch bệnh trên đàn trâu, bò ở khu vực biên giới”, ông Long nói thêm.

Tại huyện Lệ Thủy, đã hỗ trợ 30% kinh phí vacxin lở mồm long móng cho người chăn nuôi. Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy trao đổi: “Huyện chúng tôi hỗ trợ toàn bộ vacxin bệnh dại cho 3 xã vùng núi Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy”.

Các huyện như Quảng Ninh hỗ trợ 70% vacxin cúm gia cầm và 100% vacxin bệnh dại, thành phố Đồng Hới, huyện Minh Hóa hỗ trợ 100% vacxin bệnh dại.

Chúng tôi về xã Hòa Trạch (huyện Bố Trạch), làng địa phương triển khai và hoàn thành sớm nhiệm vụ tiêm vacxin trên đàn vật nuôi.

Theo ông Dương Viết Tường, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, địa phương luôn triển khai quyêt liệt nhiệm vụ tiêm vacxin cho đàn vật nuôi. Vào thời gian này, người chăn nuôi đăng ký số lượng để cán bộ thú y lên kế hoạch lấy vacxin và lên thời gian tiêm.

Những tuần cao điểm, ngoài cán bộ thú, địa phương còn huy động lực lượng các tổ chức xã hội địa phương cùng tham gia hỗ trợ công tác tiêm phòng. “Vì vậy, đến đầu tháng 4 là chúng tôi đã hoàn thành việc tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc và bệnh dại”, ông Tưởng cho hay.

Gia đình anh Lê Hải Long (xóm Rùa, xã Hòa Trạch), có khu gia trại rộng khoảng 1,5ha cách xa khu dân cư. Anh có đàn bò trên 30 con và bò sinh sản vừa nuôi bò thịt thương phẩm. Hẹn ngày, gia đình anh đã đóng  chuồng bò để cán bộ thú y xã đến thực hiện tiêm phòng.

Anh Long nói như tâm sự: “Chúng tôi biết rõ là dịch bệnh trên đàn bò rất dễ xảy ra. Khi bò bị nhiễm bệnh thiệt hại rất lớn, có khi lên cả trăm triệu đồng. Vì vậy, trong quá trình nuôi, gia đình luôn chú trọng đến việc tiêm vacxin phòng bệnh. Mình bỏ ra số tiền nhỏ nhưng phòng ngừa được sự thiệt hại lớn nên phải làm chứ”.

Những ngày này, xã Quảng Tiến (huyện Quảng Trạch), cũng đang trong chiến dịch triển khai tiêm vacxin cho đàn trâu bò và bệnh dại trên đàn chó.

Bà Phạm Thị Hoài (thôn Tiên Sơn), lùa con trâu đực đi dọc bờ tường hội trường thôn. Đến cuối bờ tường đã có chôn sẵn một cây gỗ lớn để người dân lùa trâu, bò vào đó rồi buộc dây thừng giữ chắc cho cán bộ thú y tiêm. Bà Hoài bảo: “Nhà tôi có 3 con trâu. Lần này thực hiệm tiêm 2 mũi là vacxin tụ huyết trùng và lở mồm long móng. Năm nào, đàn trâu của nhà tôi cũng được tiêm phòng đầy đủ hết cả nên cũng rất yên tâm”.

Ông Hoàng Thanh Lộc, Cán bộ thú y bán chuyên trách xã Quảng Tiến vừa tiêm xong cho đàn trâu bà Hoài, quay sang trò chuyện với chúng tôi: “Đến nay, thú y xã đã thực hiện xong việc tiêm phòng cho đàn gia súc và đàn chó 4 thôn trong xã. Còn lại 4 thôn nhưng số lượng ít hơn nên đến cuối tháng này là nhiệm vụ chúng tôi hoàn thành”.

Cán bộ thú y huyện Bố Trạch lên lịch tiêm phòng đàn gia súc cho từng thôn tạo thuận lợi cho người chăn nuôi. Ảnh: T. Phùng.

Cán bộ thú y huyện Bố Trạch lên lịch tiêm phòng đàn gia súc cho từng thôn tạo thuận lợi cho người chăn nuôi. Ảnh: T. Phùng.

Nhiệm vụ tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi đã được lãnh đạo một số địa phương chú trọng. Tuy nhiên, phần nhiều các địa phương đang triển khai nhưng lại không cập nhật, theo dõi để báo cáo cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh để nắm cụ thể và có kế hoạch chỉ đạo.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, hiện trên địa bàn tỉnh có 3/8 huyện, thị xã đã triển khai và báo cáo tiến độ tiêm phòng vacxin đợt 1. Cụ thể, huyện Bố Trạch triển khai tiêm được gần 5.000 liều vacxin viêm da nổi cục, lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu bò, dịch tả…

Thị xã Ba Đồn thực hiện hơn 2.000 liều vacxin các loại, huyện Tuyên Hóa gần 2.000 liều. Ông Phạm Anh Minh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hoá cho chúng tôi hay: “Huyện tập trung chỉ đạo các địa phương và có chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm vacxin phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Chúng tôi phấn đấu đến cuối tháng 4 sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đề ra”.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Bình, đến đầu tháng 4, có 5/8 huyện, thành phố chưa có số liệu tiêm phòng đợt 1 như thành phố Đồng Hới, các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch và Minh Hóa. "Như vậy, tiến độ thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1/2024 ở các địa phương chậm. Kết quả tiêm phòng thấp, chưa bảo hộ cho đàn vật nuôi, đặc biệt là vacxin dại chó và cúm gia cầm.” Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình nhìn nhận.

Để đạt tỷ lệ cao trong nhiệm vụ tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi, Sở NN-PTNT Quảng Bình đã đề nghị các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là công tác tiêm phòng vacxin gia súc, gia cầm theo quy định của Luật Thú y, theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và của UBND tỉnh Quảng Bình về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

“Chúng tôi chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nắm chắc số liệu, thực hiện cụ thể tiến độ tiêm phòng vacxin trên đàn vật nuôi và phòng dại của các địa phương. Đồng thời, báo cáo cụ thể cho UBND tỉnh những địa phương triển khai chậm, không đạt kế hoạch tiêm”, ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.