“Bạn không nhất thiết phải phát triển một loại vắc xin an toàn và hiệu quả chống lại mọi loại virus. Một số virus rất, rất khó khăn để phát triển vắc xin. Vì vậy, trong tương lai gần, thế giới sẽ phải tìm cách tiếp tục chung sống với nó như một mối đe dọa thường trực”, Giáo sư Nabarro nói trong một cuộc phỏng vấn với The Observer.
“Điều đó có nghĩa là cách ly những người có dấu hiệu bị bệnh và cả những người tiếp xúc với họ. Người già cần được bảo vệ. Ngoài ra, năng lực của bệnh viện để xử lý các trường hợp nhiễm bệnh cũng phải được đảm bảo. Đây sẽ là điều bình thường mới đối với toàn cầu”.
Ngày 18/4, John Bell, một thành viên của lực lượng đặc nhiệm vắc xin virus Corona của chính phủ Anh, cho biết trên chương trình Today của đài BBC Radio 4, các thử nghiệm vắc xin Covid-19 có thể được hoàn thành vào giữa tháng Tám.
Nhưng ông Bell cũng nhấn mạnh, câu hỏi thực sự, đó không phải là khi nào có vắc xin, mà là liệu nó có hiệu quả hay không.
Thông điệp ông Nabarro đưa ra, là lời cảnh báo nghiệt ngã thứ hai đến từ hàng ngũ cao cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong ba ngày qua. Hôm 17/4, Maria Van Kerkhove, người đứng đầu đơn vị bệnh lây từ động vật sang người và bệnh dịch mới của WHO, cảnh báo rằng không có bằng chứng nào cho thấy xét nghiệm kháng thể đang được thực hiện có khả năng miễn dịch hoặc giúp không tái nhiễm Covid-19.
Vào tháng 9/2016, ông Nabarro từng được Vương quốc Anh đề cử giữ chức Tổng giám đốc (DG) của WHO.
Chính Giáo sư Nabarro cũng là người bênh vực Tổng giám đốc đương nhiệm WHO, bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus. “Tôi nghĩ ông ấy làm rất tốt”, David Nabarro, cựu cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, nói với Financial Times.
“Ông ấy đang làm việc với người Trung Quốc... không thể bắt đầu bằng cách chỉ trích họ”, giáo sư Nabarro nói thêm. “Ông Tedros đang cố hết sức để làm cho đúng”.
Lời quả quyết được vị chuyên gia sức khỏe toàn cầu đưa ra trong bối cảnh số ca tử vong tại bệnh viện ở Anh do virus này vượt qua 15.000.
Thêm 888 người được báo cáo hôm 18/4 đã thiệt mạng - một con số mà Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương của Anh Robert Jenrick mô tả là “cực kỳ nghiêm trọng” - trong khi tổng số người bị nhiễm bệnh tăng thêm 5.525 lên 114.217.
Những con số mới nhất, không bao gồm các trường hợp tử vong tại viện dưỡng lão, gây thêm áp lực cho chính phủ, kèm với đó là các nhân viên và công đoàn NHS liên tục giận giữ về việc thiếu thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) cho nhân viên tuyến đầu.
Vào cuối tháng Ba, các cố vấn y tế của chính phủ Anh cho biết, nếu số người tử vong do virus Corona của nước này có thể được giữ dưới 20.000 vào cuối đại dịch, thì đó sẽ là một kết quả tốt. Nhưng với ước tính 6.000 người chết trong các viện dưỡng lão do Covid-19 - một con số không có trong kiểm đếm chính thức đưa ra hôm 18/4 - con số 20.000 có thể dễ dàng bị vượt quá.
Các bình luận được đưa ra khi cựu Bộ trưởng y tế Vương quốc Anh Jeremy Hunt cho biết cách duy nhất để các quốc gia hỗ trợ một hệ thống y tế toàn cầu mới có nghĩa là hợp tác quốc tế hơn nhiều giữa các chính phủ trong các vấn đề y tế. Nó cũng đòi hỏi các quốc gia giàu hơn nỗ lực nhiều hơn hỗ trợ những nước nghèo nhất thế giới.
“Tôi nghĩ rằng an ninh y tế toàn cầu sẽ nằm trong danh sách các chủ đề nhỏ nhưng quan trọng như biến đổi khí hậu mà chúng ta chỉ có thể giải quyết khi hợp tác với các quốc gia khác”, ông Hunt nói với tờ The Observer.
Đó là chỉ trích rõ ràng vào Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người tuyên bố tuần trước giữ lại khoản tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Hunt nói thêm: “Chắc chắn bài học về virus Corona là chữa trị mà không giết chết… Nó chắc chắn không có nghĩa là cắt giảm tài trợ của họ (ám chỉ WHO)”.
“Một trong những bài học lớn từ điều này sẽ là khi nói đến các hệ thống y tế trên toàn thế giới, chúng ta chỉ mạnh khi liên kết với khâu yếu nhất trong chuỗi”.
"Mặc dù Trung Quốc đã bị chỉ trích vì che giấu virus trong giai đoạn đầu, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều nếu đại dịch bắt đầu ở Châu Phi. Hợp tác quốc tế và hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe của các nước nghèo nhất phải là ưu tiên hàng đầu. Đó nên là bài học nằm lòng của những nước giàu”, ông Hunt kết luận.