Trong một cuộc họp báo của Liên hợp quốc hôm 20/8, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Hans Kluge cho rằng bằng cách cung cấp đủ vacxin cho các quốc gia bị ảnh hưởng ở châu Phi và khuyến khích theo dõi sát sao các bệnh nhân đậu mùa khỉ, thế giới có thể được kiểm soát được dịch bệnh lây lan.
"Liệu chúng ta sẽ phong tỏa khu vực châu Âu trong tương lai? Liệu đó có phải là một đại dịch Covid-19 khác không? Câu trả lời rõ ràng là: không", ông Kluge nói.
"Chúng ta phải cùng nhau giải quyết dịch đậu mùa khỉ và chúng ta có thể làm được điều này. Vì vậy, cách chúng ta phản ứng với dịch đậu mùa khỉ bây giờ và trong những năm tới sẽ là một phép thử quan trọng đối với châu Âu và thế giới", ông Kluge cho biết.
Bệnh đậu mùa khỉ thường có triệu chứng giống cúm và gây ra các vết loét có mủ. Người mắc bệnh thường có triệu chứng nhẹ song có thể gây tử vong với các đối tượng như trẻ em, phụ nữ mang thai và những người bị suy giảm miễn dịch, nhóm người có nguy cơ biến chứng cao hơn.
Biến chủng Ib khiến toàn thế giới quan ngại vì dường như biến chủng này có thể lây lan dễ dàng hơn qua tiếp xúc gần. Cơ quan y tế Thụy Điển hôm 15/8 xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới Ib gây bệnh đậu mùa khỉ tại quốc gia châu Âu này. Đây là trường hợp đầu tiên ở bên ngoài châu Phi nhiễm biến thể mới này.
Ông Kluge cho rằng những nỗ lực hiện nay cần tập trung khống chế biến thể mới. Và nếu thành công thì điều này sẽ giúp củng cố các biện pháp chống lại biến thể II từng bùng phát trên toàn thế giới hồi năm 2022, qua đó nâng cao năng lực ứng phó của châu Âu và các nước trên thế giới đối với bệnh này thông qua biện pháp tư vấn và giám sát y tế tốt hơn.
Châu Âu hiện ghi nhận khoảng 100 ca bệnh đậu mùa khỉ mắc chủng II mỗi tháng, ông Kluge nói thêm.
Bệnh đậu mùa lây truyền qua tiếp xúc gần, bao gồm cả quan hệ tình dục, nhưng khác với đại dịch Covid-19, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy dịch này có thể lây lan dễ dàng qua không khí.
Phát ngôn viên WHO Tarik Jasarevic cho biết các cơ quan y tế cần cảnh giác và linh hoạt trong trường hợp phát hiện ra các biến chủng mới mới dễ lây lan hơn hay những chủng có thể thay đổi con đường lây nhiễm, WHO hiện cũng chưa đưa ra khuyến nghị nào về việc cần đeo khẩu trang.