Tại một cuộc họp báo cùng ngày, các quan chức y tế Thụy Điển cho biết rằng trường hợp này đã bị nhiễm bệnh khi ở châu Phi với chủng virus đậu mùa khỉ nhánh Ib, đang lây lan rộng ở châu Phi thời gian gần đây. Ca bệnh này hiện đang được điều trị cách ly.
"Sự xuất hiện của một ca bệnh ở châu Âu có thể khiến dịch đậu mùa khỉ lây lan nhanh trên toàn cầu. Việc phát hiện ra một ca bệnh ở Thụy Điển rất có thể có nghĩa là hàng chục trường hợp khác chưa bị phát hiện ở châu Âu", Lawrence Gostin, một chuyên gia y tế cộng đồng và giáo sư tại đại học Georgetown Law ở Washington cho biết.
Tiến sĩ Brian Ferguson của Đại học Cambridge cho biết trường hợp một du khách Thụy Điển mắc đậu mùa khỉ là rất đáng lo ngại, do mức độ nghiêm trọng và khả năng lây lan nhanh của dịch bệnh ở châu Phi.
"Có thể sẽ có nhiều trường hợp mắc bệnh hơn ở đây và nhiều nơi khác trên thế giới vì hiện tại không có cơ chế nào để ngăn chặn các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ từ nước ngoài đến", ông nói.
WHO hôm 14/8 đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC) đối với dịch đậu mùa khỉ ở châu Phi sau khi ghi nhận dịch bệnh này ở Congo đã lan sang các nước láng giềng. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO.
Đến nay, Congo đã ghi nhận 27.000 ca bệnh và hơn 1.100 trường hợp tử vong, chủ yếu ở trẻ em, kể từ khi đợt dịch hiện tại bùng phát vào tháng 1/2023.
Nhánh Ib, chủng virus gây ra đợt bùng phát hiện tại, là một biến thể mới của nhánh I - chủng đặc hữu ở Congo. Nhánh Ib dường như lây lan dễ dàng hơn thông qua tiếp xúc gần, bao gồm cả quan hệ tình dục. Chủng đậu mùa khỉ nhánh I có xu hướng lây lan nhanh hơn và có tỷ lệ tử vong cao hơn so với chủng đậu mùa khỉ nhánh II, theo các quan chức y tế Mỹ.
Năm 2022, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ nhánh II, dẫn đến hơn 95.000 trường hợp mắc bệnh trên 115 quốc gia.